Cười hở lợi làm sao để khắc phục?
Cập nhật ngày: 29/10/2019 14:15

Nhiều người cười hở lợi khiến mất tự tin khi giao tiếp, nhất là với phái nữ và cho rằng cứ đi chỉnh nha là hết . Tuy nhiên theo chuyên gia điều này chưa hẳn đúng.

Theo Bác sĩ nha khoa Lê Huy Thành, không phải ai cười hở lợi đều do răng và cho rằng cứ chỉnh nha là hết. Có rất nhiều nguyên nhân chính gây ra cười hở lợi trong đó hay gặp là do răng, BS Thành giải thích, nếu chiều cao của răng quá ngắn sẽ tạo ra sự không tương xứng giữa chiều cao răng với lợi. Cho nên khi cười, môi kéo lên, dù cơ nâng môi hoàn toàn bình thường thì lợi vẫn bị hở ra khá nhiều.

Một nguyên nhân hay gặp nữa là cười hở lợi do xương, trường hợi này lại có 2 hướng cụ thể như sau: Vòm xương hàm phát triển quá mạnh, răng sai khớp cắn đưa ra ngoài nhiều dẫn đến tình trạng vừa vâu, vừa hở lợi. Xương ổ răng quá dày và gồ khiến cho nướu bị đẩy ra trước.

Tiếp theo là nguyên nhân cười hở lợi do nướu bao gồm: Lợi phát triển mạnh bẩm sinh khiến cho lợi dài và dày nên cười dễ bị lộ; Lợi bám thấp, chiếm quá nhiều chiều cao thân răng tính từ gốc răng; Lợi phì đại do sang chấn từ các bệnh lý như viêm lợi..

Ngoài ra, BS Thành cũng cho biết, có nhiều trường hợp cười hở lợi do môi, đó là khi trường lực co vòng môi quá lớn sẽ làm cho môi bị nâng kéo theo chiều lên cao hơn bình thường làm lộ chiều lợi dù tỷ lệ lợi và răng hoàn toàn cân đối.


Bác sĩ nha khoa Lê Huy Thành đang điều trị cho bệnh nhân.

Khắc phục cách nào?

Với tình trạng cười hở lợi, tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật hoặc không. Cụ thể:

Với phương pháp không cần phẫu thuật:

+ Có thể sử dụng kỹ thuật tiêm hoạt chất: Thường được áp dụng do cơ kéo môi quá mạnh. Bác sĩ sẽ tiến hành tiêm botox giúp làm giảm trường lực cơ môi trên không còn co kéo quá mạnh khi cười, do đó không còn tình trạng cười hở lợi.

+ Chỉnh nha ( niềng răng): Áp dụng trong trường hợp sai khớp cắn, khớp cắn sâu khiến lợi bị hở. Phương pháp niềng răng sẽ giúp dịch chuyển răng và giảm khoảng cách từ vành môi tới cổ răng, giảm tình trạng cười hở lợi. Niềng răng là phương pháp điều trị an toàn, nhưng thời gian khá lâu, trung bình từ 1,5- 2 năm.


Không phải cười hở lợi đều niềng răng.

Với phương pháp phẫu thuật:

+ Phẫu thuật nâng cơ môi hoặc làm dài môi: Chỉ định này được thực hiện bằng biện pháp tiêm Botilinum Toxin và cơ kéo môi hoặc là tiến hành tiểu phẫu cắt thắng môi, má. Tác dụng của tiểu phẫu là nhằm kiểm soát không cho môi kéo lên cao nhiều khi cười.

+ Phẫu thuật cắt lợi phì đại: Phương pháp này áp dụng khi lợi phát triển quá mạnh bẩm sinh hoặc lợi bám thấp, phì đại. Cắt bớt lợi để tạo hình lại sẽ giúp làm mỏng bờ nướu và không bị lộ nhiều ra ngoài.

+ Phẫu thuật xương hàm: Cách này được áp dụng khi nguyên nhân cười hở lợi là do khung xương hàm phát triển quá mạnh. Khi đó, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cười hở lợi theo đường gãy Le Fort I.

+ Chỉ định mài xương ổ: Mục tiêu của mài xương ổ là để chữa trị cho bệnh nhân bị hở lợi do nguyên nhân xương ổ quá dày. Khi đó, xương ổ sẽ được mài ít bờ viền và mặt ngoài xương ổ răng. Sau mài, nướu sẽ được khâu tạo hình lại như cũ.

+ Chỉ định chỉnh nha kết hợp cắt lợi: Áp dụng khi một phần nguyên nhân do răng dài bất thường. Khi đó, chỉnh nha để kéo răng lún lên cao sau đó cắt lợi.

+ Chỉ định cắt lợi kết hợp mài xương ổ: Áp dụng khi cả lợi và xương ổ đều bị dày.

Điều trị cười hở lợi là kỹ thuật khó trong nha khoa và yêu cầu bác sĩ thực hiện phải có kỹ thuật chuyên sâu, thao tác tỉ mỉ, am hiểu cả về nha khoa và thẩm mỹ.

SK&DS