Tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV Bảo đảm cung ứng điện năng, nâng cao trách nhiệm và đạo đức công vụ
Cập nhật ngày: 08/11/2019 08:48

Ngày 7-11, với sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và lãnh đạo Chính phủ đều khẳng định sẽ nỗ lực để bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội. Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn về những vấn đề đang được dư luận quan tâm như tinh giản biên chế, nâng cao đạo đức công vụ.

Tập trung cho những ngành công nghiệp cơ bản, quan trọng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) về phát triển các ngành công nghiệp quan trọng để đạt mục tiêu trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, có nhiều vấn đề đang tồn tại trong phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam. Trước hết, do điểm xuất phát chúng ta quá thấp, đi chậm hơn các nước trong khu vực từ 2 đến 3 thế hệ của công nghiệp hóa. Nước ta cũng chưa xây dựng và thiết lập được hệ sinh thái khởi nghiệp cho các ngành sản xuất vật chất, trong đó có ngành công nghiệp. “Hệ sinh thái chưa đủ mạnh để tạo khởi nghiệp cho các doanh nghiệp về công nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, đòi hỏi vốn đầu tư và trình độ công nghệ ở mức cao. Các doanh nghiệp cũng chưa có điều kiện tiếp cận với thị trường thuận lợi”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, định hướng trong thời gian tới sẽ tập trung quyết liệt cho các ngành công nghiệp cơ bản và công nghiệp quan trọng như cơ khí chế tạo hay công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là những ngành công nghiệp hạ nguồn như năng lượng, đóng tàu, chế tạo máy móc, thiết bị, ô tô... Bên cạnh đó, phải khai thác tốt những cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, ví dụ tham gia chuỗi giá trị mới trong cơ khí chế tạo, có điều kiện để tiếp cận với thị trường bên ngoài. Thị trường lớn sẽ là dung lượng để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp hỗ trợ.


Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) đặt vấn đề về giải pháp phát triển ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp và khai thác thủy, hải sản để tạo việc làm, tăng nội lực cho công nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, nước ta đã đạt được kết quả nhất định ở một số lĩnh vực công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn. Ví dụ như sản xuất thiết bị phục vụ chế biến, lưu trữ lúa gạo, ứng dụng máy móc trong gieo trồng, thu hoạch. Tuy nhiên, nền tảng chính sách phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn cần phải được quan tâm mạnh mẽ hơn, đặc biệt thông qua chương trình khuyến công, chương trình về phát triển các làng nghề. Bộ Công Thương sẽ phối hợp làm tốt hơn nữa trong lồng ghép các chương trình chính sách để bảo đảm chuyển đổi kinh tế nông thôn gắn với cơ giới hóa nông nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm, bảo vệ môi trường.

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án điện trọng điểm

Nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về một số dự án điện quy mô lớn bị chậm tiến độ, trong khi đất nước đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng, ví dụ như dự án nhiệt điện Long Phú 1, nhiệt điện Thái Bình 2. Thông tin về dự án nhiệt điện Long Phú 1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đây là dự án rất quan trọng trong Tổng sơ đồ điện VII, đặt tại tỉnh Sóc Trăng. Đến nay, tiến độ của dự án đã đạt được khoảng 77,5%. Tuy nhiên, có một số vấn đề phát sinh do đơn vị tổng thầu của dự án nằm trong danh sách bị Chính phủ Mỹ cấm vận và không cho phép tham gia các hoạt động giao dịch quốc tế. Chính vì vậy, các nhà thầu phụ của Mỹ không có điều kiện để thực hiện dự án này. Gần hai năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung để thúc đẩy tiến độ và tìm giải pháp, tuy nhiên, năng lực của tổng thầu không đủ điều kiện để thực hiện và phải tính đến phương án có thể tiếp quản lại dự án, lựa chọn tổng thầu mới. Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tìm ra giải pháp, bảo đảm triển khai dự án này đạt hiệu quả, đóng góp cho việc cân đối điện trong thời gian tới.

Liên quan đến dự án nhiệt điện Thái Bình 2, vướng mắc của dự án có nguyên nhân khách quan từ thiết kế và năng lực thực hiện của tổng thầu là Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC). Hiện nay, 85% khối lượng dự án được thực hiện, cũng là cơ hội để chúng ta tiếp tục đầu tư bổ sung, hoàn thiện những phần còn lại nhưng với nguyên tắc không làm thay đổi tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt. Các bộ, ngành đang rà soát các vấn đề pháp lý của dự án để báo cáo với Chính phủ.

Làm rõ thêm về nhiệm vụ phát triển điện năng của đất nước, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng yếu để bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới, đặc biệt là giai đoạn 2021-2030. Trước mắt phải tập trung để điều chỉnh quy hoạch điện VII, trên cơ sở tính toán tổng thể công suất nguồn và cơ cấu nguồn điện trong từng giai đoạn để điều chỉnh bổ sung các nguồn điện mới vào quy hoạch. Trong đó tiếp tục khuyến khích đầu tư điện mặt trời, điện gió và bổ sung thêm các dự án điện khí.

Trên cơ sở quy hoạch, yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, xác định các dự án ưu tiên để huy động vốn đầu tư thực hiện và tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm đang chậm tiến độ để sớm đưa vào hoạt động, trong đó có dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú 1... Về dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, chỉ cần đầu tư 2.000 tỷ đồng nữa sẽ hoàn thành và đưa dự án công suất 1.200MW vào hoạt động, góp phần rất quan trọng để cung cấp thêm nguồn điện cho phát triển sản xuất. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét vấn đề này theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Không cào bằng trong tinh giản biên chế

Trong thời gian làm việc cuối buổi sáng và buổi chiều cùng ngày, Quốc hội chuyển sang phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Thông tin về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hạn chế chồng chéo, giao thoa, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, bước đầu đã giảm 4 tổng cục, 11 vụ, cục, 9 đơn vị sự nghiệp của Trung ương. Số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giảm nhiều, ví dụ như tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện và 38 xã, tỉnh Thanh Hóa giảm 76 xã, tỉnh Hòa Bình giảm 59 xã... Kết quả tinh giản biên chế đạt được khả quan trong khối hành chính nhà nước, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên.

Quan tâm ngành giáo dục, y tế, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, chăm sóc sức khỏe trong khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức đơn vị sự nghiệp. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, ngành giáo dục và y tế chiếm khoảng 80% tổng số biên chế đơn vị sự nghiệp. Hiện nay, phần lớn các địa phương phản ánh số giáo viên không đủ để đứng lớp, không đủ nhân viên y tế trong các bệnh viện. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, bước đầu đã giải quyết một phần biên chế giáo dục, y tế cho 19 tỉnh, thành phố, trong đó có 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên và 14 tỉnh, thành phố lớn có khu công nghiệp tập trung. Bộ Nội vụ đã thông báo cho 63 tỉnh, thành phố thống kê lại tất cả giáo viên còn thiếu và lực lượng y tế trong các cơ sở điều trị từ tuyến tỉnh trở xuống, bảo đảm thực hiện chủ trương có người học thì phải có giáo viên đứng lớp, có người bệnh thì phải có nhân viên y tế chăm sóc. Về giải pháp để tinh giản biên chế trong ngành giáo dục, y tế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, cái gốc của vấn đề là phải tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng một đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiều dịch vụ công, một trường có nhiều cấp học, giảm tỷ lệ gián tiếp quản lý, bảo đảm số biên chế trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ giảng dạy đạt 65%.

Chia sẻ với băn khoăn của các địa phương khi thực hiện tinh giản biên chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thống nhất với đề nghị từ nhiều đại biểu Quốc hội là không cào bằng khi thực hiện tinh giản. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, chỉ tiêu tinh giản biên chế của Chính phủ không quy định cào bằng mà giảm trong tổng biên chế của địa phương và bộ, ngành quản lý. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ công việc hằng năm mà điều chỉnh trên tổng biên chế, trách nhiệm này giao cho người đứng đầu quyết định, không phải là đơn vị nào cũng giảm đồng loạt.

Không nể nang, cảm tính trong đánh giá cán bộ, công chức

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu vấn đề, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, cả nước chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên, thực tế còn có sự nể nang, "dĩ hòa vi quý" trong đánh giá, phân loại công chức. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhìn nhận, việc đánh giá, phân loại công chức chưa chính xác do các địa phương xây dựng tiêu chí đánh giá chưa cụ thể nên còn mang cảm tính. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, cần công khai kết quả hoàn thành nhiệm vụ, ai hoàn thành, ai còn nợ bao nhiêu nhiệm vụ, đến cuối năm trừ vào điểm thi đua. “Giao việc phải có kiểm tra, giám sát, theo quy chế, quy định của cơ quan, chấm công, chấm điểm đàng hoàng. Thời gian qua, việc xây dựng tiêu chí đánh giá công chức ít nơi làm nên còn mang cảm tính, nể nang”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân bày tỏ. Để bảo đảm khách quan, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung, xây dựng nghị định mới phù hợp với thực tế, trong đó chú trọng đánh giá công chức theo đa chiều, bằng những sản phẩm cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ có giải pháp mạnh tay hơn để khắc phục tình trạng tham nhũng vặt, gây khó dễ và sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để khắc phục tình trạng này. Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Tổ trưởng Tổ kiểm tra công vụ nhằm chấn chỉnh việc cán bộ, công chức vi phạm. Đề án văn hóa công vụ đã được triển khai rộng rãi, các địa phương cần xây dựng chương trình hành động, trong đó phát động phong trào thi đua xây dựng văn hóa công sở, công chức phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Ngoài ra, vấn đề thù lao, chế độ, lương thưởng, sắp xếp vị trí việc làm phải tính toán để những người nỗ lực, hăng hái, trách nhiệm phải hưởng thành quả tương xứng. Pháp luật cũng đã có quy định xử lý nghiêm, kiên quyết với tình trạng tham nhũng vặt.

Phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, những vấn đề về sắp xếp tổ chức bộ máy, về tinh giản biên chế theo hướng thu gọn đầu mối là vấn đề động đến tổ chức, con người và rất phức tạp. Trong quá trình thực hiện phải giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại đã tồn tại một thời gian dài. Chính phủ xác định phải làm từng bước thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động để có giải pháp giải quyết đúng quy định của pháp luật, nhưng đồng thời phải bảo đảm hợp tình, hợp lý, cá biệt có những vấn đề phải hợp đạo lý. Chính phủ xác định đây là vấn đề khó khăn, phức tạp nên phải có bước đi phù hợp, thận trọng.

Hôm nay (8-11), Quốc hội tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn.

QĐND