Chiều tối 7-11, tại nhà Quốc hội, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội chủ trì hội nghị về báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam “Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị để nghe và thảo luận về các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam-kết quả hợp tác nghiên cứu của WB tại Việt Nam và Australia có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây sẽ là một trong những kênh thông tin hữu ích, hỗ trợ tích cực để đại biểu Quốc hội Việt Nam xem xét, thảo luận về những vấn đề liên quan tại Kỳ họp thứ tám đang diễn ra.


Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Chiến Thắng.

Theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi. Nhiều chính sách đã đi vào cuộc sống và đến nay đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Đồng bào các dân tộc luôn nỗ lực vươn lên, không cam chịu đói nghèo, đã có nhiều mô hình sản xuất giỏi, nhiều vùng đã chuyển sản xuất từ tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, nhiều xã đã được công nhận là điển hình nông thôn mới.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nói, ở khu vực này, do điểm xuất phát thấp, địa hình dốc cao, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sản xuất để ổn định cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; có hộ còn thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất; điều kiện tiếp cận của người dân đến các dịch vụ như y tế, giáo dục, bảo hiểm, thông tin, báo chí… có mặt còn hạn chế. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc còn nhiều tồn tại, cần phải quan tâm hơn; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn rất cao so với mặt bằng chung của cả nước. Nguồn lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề thấp, nhiều nơi còn có tảo hôn, kết hôn cùng huyết thống, sức khỏe sinh sản, chất lượng dân số một số dân tộc thiểu số còn thấp.


Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Chiến Thắng.

“Sau hội nghị này, tôi mong rằng WB tại Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, các địa phương triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội. Chúng ta cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau”, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị.

Chia sẻ về kết quả nghiên cứu của WB, Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione đánh giá mô hình tăng trưởng hòa nhập vì mọi người của Việt Nam thời gian qua rất hiệu quả, đặc biệt là nguyên tắc hòa nhập về kinh tế-xã hội và nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau đã thực sự trở thành chuẩn mực và là kim chỉ nam để định hướng cho chiến lược phát triển của Việt Nam. Giám đốc WB tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam đã làm rất tốt trong lĩnh vực này nhờ việc kết hợp giữa sự quan tâm và sự lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt với những chiến lược, chính sách và hành động phù hợp. Điều này được thể hiện thông qua báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe và thảo luận về các tham luận: Động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cập nhật về tình hình xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam; chương trình mục tiêu quốc gia-công cụ hữu hiệu để thực hiện chính sách giảm nghèo; phát triển nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số. Các đại biểu Quốc hội dự hội nghị đánh giá cao kết quả nghiên cứu của WB và cho rằng đây là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng đối với các đại biểu trong quá trình thảo luận về Đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Kỳ họp thứ tám của Quốc hội.

QĐND