Không dễ “chia tay”
Cập nhật ngày: 08/11/2019 08:59

Với vị trí địa lý nằm giữa châu Á và châu Âu cùng với tiềm lực quân sự to lớn, Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là quốc gia thành viên có vai trò chiến lược trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thế nên kịch bản Thổ Nhĩ Kỳ phải “chia tay” khối liên minh quân sự này khó có thể xảy ra dù cho những hành động gần đây của Ankara vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các đồng minh.

Kể từ khi gia nhập NATO vào năm 1952, là cửa ngõ Á-Âu, Thổ Nhĩ Kỳ có tầm ảnh hưởng không thể phủ nhận, cũng như có những đóng góp quan trọng trong liên minh này. Theo Sputnik, Ankara kiểm soát Bosphorus và Dardanelles-hai eo biển chiến lược quan trọng giữa biển Đen và Địa Trung Hải. Ngoài ra, xét về tiềm lực quân sự, Ankara còn sở hữu lực lượng quân đội lớn thứ hai trong NATO gồm 29 thành viên, chỉ đứng sau Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang hỗ trợ lực lượng hải quân dài hạn cho các nhiệm vụ của NATO ở biển Aegean và biển Đen. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn là nơi đặt các cơ sở chỉ huy quan trọng và các hệ thống ra-đa chiến lược của NATO. Thành viên kỳ cựu của NATO này còn cho phép các đồng minh sử dụng các căn cứ không quân chủ chốt Incirlik và Konya của mình, cũng như tích cực tham gia vào chiến dịch chống khủng bố ở Trung Đông. Không những thế, Thổ Nhĩ Kỳ còn là một trong những quốc gia thành viên đóng góp nhiều nhất cho ngân sách NATO. Đơn cử như trong năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng góp 101 triệu USD cho NATO.


Máy bay quân đội Mỹ hạ cánh xuống căn cứ Incirlik ở ngoại ô tỉnh Adana, Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2015. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh trong NATO hiện rơi vào tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” sau chiến dịch quân sự mang tên “Mùa xuân hòa bình” do Ankara đơn phương tiến hành tại Đông Bắc Syria hồi đầu tháng 10 vừa qua. Một số quốc gia thành viên NATO, bao gồm Pháp, Đức, Na Uy và Tây Ban Nha, đã lần lượt đình chỉ xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, Ðức muốn xem xét lại tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây do công ty phân tích dữ liệu quốc tế YouGov thực hiện cho thấy, nhiều người dân Ðức muốn NATO loại bỏ tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, có 58% trong tổng số hơn 2.000 người Đức được hỏi cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên bị loại khỏi khối liên minh quân sự gồm 29 nước thành viên. Trong khi đó, chỉ có 18% số người được hỏi không đồng tình với quan điểm này.

Cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ có thể rời NATO. Bác bỏ những lời kêu gọi về việc đình chỉ tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tái khẳng định vai trò quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khối liên minh quân sự này. Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Bild am Sonntag, ông Jens Stoltenberg lưu ý, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những đóng góp to lớn cho các hoạt động của NATO ở Trung Đông nói riêng và trên thế giới nói chung. Theo người đứng đầu NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò quyết định trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria: “Không có quốc gia nào trong NATO chấp nhận nhiều người tị nạn Syria (3,6 triệu người) như Thổ Nhĩ Kỳ. Và không có đồng minh NATO nào phải trải qua nhiều cuộc tấn công khủng bố hơn Thổ Nhĩ Kỳ”. Trước đó, Tổng Thư ký NATO cũng từng nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ rất quan trọng đối với NATO. Vai trò này đã được chứng minh trong nhiều mặt, không chỉ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tất cả chúng ta sử dụng cơ sở hạ tầng, căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ trong các hoạt động đánh bại IS”. Trong khi đó, một quan chức ngoại giao NATO cho hay, dù Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp gây sức ép lên NATO nhưng nước này quá quan trọng khiến liên minh không thể đánh mất.

Khác với Liên minh châu Âu (EU), NATO không có cơ chế đình chỉ tư cách thành viên hoặc thậm chí khai trừ quốc gia thành viên. Tuy nhiên, theo điều 13 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, một quốc gia thành viên có thể rút khỏi NATO nếu muốn. Đây sẽ là một quá trình dài, đòi hỏi sự chấp thuận và phê chuẩn của tất cả các quốc gia thành viên, theo tờ DW của Đức.

Tất nhiên, hơn ai hết, Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rõ rằng giữa nước này và khối liên minh quân sự NATO có mối quan hệ tương hỗ. Nếu như Ankara có vai trò chiến lược đối với NATO thì liên minh này lại cung cấp cho Ankara nền tảng để thảo luận với các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Thậm chí, ngay cả trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ bị cô lập về ngoại giao sau chiến dịch đơn phương tại Syria, dù không hài hòng nhưng NATO vẫn tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm bảo đảm an ninh quốc gia cho nước này.

Vậy nên, viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tự xin rút khỏi NATO được cho là khó có thể xảy ra.

QĐND