Tác phẩm tham dự Cuộc thi Báo chí “Việt Bắc - Quân khu 1 trưởng thành và phát triển”: Tấm lòng bộ đội Cống với dân bản Lũng Mần
Cập nhật ngày: 14/11/2019 13:53

Nhắc đến Đại úy Vương Văn Cống, Đội trưởng, Đội sản xuất số 2, Đoàn KT-QP 799, người dân xóm Lũng Mần, xã Đức Hạnh (Bảo Lâm, Cao Bằng) ai ai cũng hết lời khen ngợi. Bộ đội Cống là người được bà con nhân dân xóm Lũng Mần rất mực tin tưởng và yêu mến bởi sự gần gũi, chân thành, luôn nhiệt tình trong giúp đỡ đồng bào nơi đây xóa đói, giảm nghèo, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới.

Vương Văn Cống sinh ra và lớn lên tại xóm Ma Pản, một vùng quê nghèo thuộc xã Đa Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng. Là người dân tộc Mông, lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, trong anh sớm nhen nhóm ước mơ theo đuổi con chữ để làm cán bộ, giúp quê hương mình thoát nghèo. Học xong tiểu học, Cống may mắn được cử tuyển vào học tại Trường Thiếu sinh quân Việt Bắc - Quân khu 1. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp, anh tiếp tục được cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, ra trường được điều động về Sư đoàn 3 công tác. Theo yêu cầu nhiệm vụ và nguyện vọng của bản thân, năm 2013, anh về công tác tại Đoàn KT-QP 799. Nhận thấy anh Cống là người dân tộc Mông, được đào tạo cơ bản trong quân đội, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn đã tin tưởng, điều động anh về làm Đội trưởng Đội sản xuất số 2, đóng quân trên địa bàn xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm; có nhiệm vụ bám nắm, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các dự án kinh tế, quốc phòng; đồng thời vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp Nhà nước, trọng tâm là giúp đồng bào xóm Lũng Mần.

Lũng Mần là xóm đặc biệt khó khăn của xã Đức Hạnh. Những năm gần đây, mặc dù đã được các cấp quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, bể chứa nước mưa… nhưng đồng bào cư trú chủ yếu trên đỉnh núi cao nên cuộc sống vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Xóm có 90 hộ dân với 578 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông, cư trú rải rác ở lưng chừng núi với những ngôi nhà bưng ván gỗ đơn sơ. Do điều kiện tự nhiên, cộng với tập quán canh tác, nên người dân nơi đây chỉ biết lấy cây ngô làm nguồn lương thực chính. Các tập tục lạc hậu còn in sâu trong tiềm thức người dân, ốm đau, bệnh tật không đi khám chữa mà chỉ cầu cứu thầy mo, thầy cúng; tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết khá phổ biến... Cái nghèo, cái đói vì thế cứ đeo đẳng mãi.

Ngay những ngày đầu về công tác tại Đội sản xuất số 2, việc đầu tiên Đại úy, Đội trưởng Vương Văn Cống làm đó là đi khảo sát, gặp gỡ cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, tìm hiểu phương thức canh tác sản xuất của người dân để tìm cách giúp đỡ đồng bào nơi đây thoát nghèo.  Anh đến từng xóm, từng nhà để tìm hiểu về phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa, hỏi về cung cách làm ăn của đồng bào… Mỗi lần đi bám nắm, tìm hiểu như vậy đều để lại cho Đại úy Vương Văn Cống nhiều băn khoăn, trăn trở, đó là phải làm thế nào để giúp cho đồng bào nơi đây đỡ khổ, đỡ vất vả hơn; nên đưa con gì về nuôi, cây giống gì về trồng để cải thiện đời sống, thu nhập cho nhân dân? Qua nhiều lần khảo sát kỹ lưỡng địa hình, đất đai, khí hậu trong vùng, Đại úy Vương Văn Cống đã tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, chỉ huy Đoàn 799 cấp bò và dê giống bản địa cùng giống ngô năng suất cao cho các hộ gia đình nghèo chăn nuôi, trồng trọt, dự án được tập trung triển khai tại xóm Lũng Mần.


Đại úy Vương Văn Cống tham gia tuyên truyền, phổ biến cách chăm sóc sức khỏe cho người dân xóm Lũng Mần, xã Đức Hạnh (Bảo Lạc, Cao Bằng).

Khi dự án chăn nuôi bò, dê bản địa và trồng ngô năng suất cao được triển khai thực hiện ở xóm Lũng Mần, Đại úy Vương Văn Cống tiếp tục cùng anh em trong đội sản xuất gắn bó, đồng cam cộng khổ với đồng bào, với phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc”, “Nói để dân hiểu, làm cho dân tin”. Bộ đội Cống đã kiên trì bám dân, bám bản để hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc đàn bò, đàn dê… đồng thời, thông qua đó tổ chức các hoạt động lồng ghép phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chính sách về dân tộc, tôn giáo, chủ quyền biên giới quốc gia để nâng cao nhận thức cho bà con trong xóm. Cùng với đó, anh tham mưu cho địa phương xây dựng, kiện toàn cấp ủy, chính quyền và các tổ chức quần chúng; chung tay đưa y tế, văn hóa về thôn, xây dựng đời sống văn hóa mới, nhất là việc phòng, chống truyền đạo trái phép, giúp đồng bào từ bỏ dần các hủ tục, hoạt động mê tín, dị đoan... Để từng bước nâng cao nhận thức, trình độ văn hóa cho nhân dân địa phương, bộ đội Cống đến từng nhà, gặp gỡ từng gia đình vận động các cháu học sinh bỏ học tiếp tục đến trường. Trong 4 năm, từ 2014 đến 2019, Đại úy Vương Văn Cống đã vận động được 13 học sinh  quay lại trường.        
Đặc biệt, năm 2017, trước hoàn cảnh éo le của 7 em nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ tại xóm Lũng Mần, Đại úy Vương Văn Cống đã báo cáo chỉ huy Đoàn 799 để xác định phương án hỗ trợ, giúp đỡ. Theo đề nghị của Đoàn 799, Bộ tư lệnh Quân khu đã quyết định giao cho Đoàn KT-QP 799 khảo sát xây dựng ngôi nhà cho 7 em nhỏ. Đích thân anh Cống khăn gói lên nắm tình hình, xác định vị trí, vận động bà con hiến đất để xây dựng ngôi nhà cho các cháu. Mới đầu, bà con ở đây không nhất trí, nhưng với sự kiên trì vận động, thuyết phục của bộ đội Cống, cùng sự ủng hộ của già làng, trưởng bản, chỉ trong thời gian ngắn, bà con trong xóm đã ủng hộ việc làm tình nghĩa của bộ đội Quân khu 1 và vui vẻ hiến đất.

Không những vậy, Đội trưởng Vương Văn Cống còn vận động được bà con tham gia vận chuyển vật liệu và tổ chức phá đá, san lấp mặt bằng để xây dựng ngôi nhà. Miệng nói tay làm, bộ đội Cống trực tiếp tham gia xây dựng nhà từ những ngày khởi công đến ngày khánh thành, đồng thời cũng là người bảo ban, dạy dỗ các em nhỏ. Bà con dân bản ai cũng biết, để xây dựng được ngôi nhà khang trang, đúng tiến độ, Đại úy Vương Văn Cống cùng các cán bộ, chiến sĩ đã phải tranh thủ làm cả ban đêm, không quản nắng mưa… Có lẽ thành công nhất, đó là bộ đội Cống đã thuyết phục được bà con hiến đất, đồng thời vận động bà con tham gia gần 500 ngày công giúp gia đình các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngày khánh thành ngôi nhà, cả xóm Lũng Mần đông vui như hội xuân, một phần là vì bà con được thấy ngôi nhà khang trang, đẹp nhất xóm từ xưa tới nay, phần nữa là bởi ai ai cũng muốn được gặp, được trò chuyện với bộ đội Đoàn 799 sau những gì các anh đã làm được cho Lũng Mần hôm nay. 

Từ những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 799, nhất là tấm gương Đội trưởng Vương Văn Cống không quản khó khăn, gắn bó, hết lòng với dân bản Lũng Mần những năm qua, đã giúp người dân nơi đây từng bước đổi thay trong cách nghĩ, cách làm, tiếp cận với khoa học tiến bộ để xóa dần cái đói, cái nghèo. Với đồng bào Mông xóm Lũng Mần, cuộc sống của họ đang dần khởi sắc, số hộ gia đình thiếu ăn đang giảm dần. Bộ đội Cống trở thành điểm tựa, niềm tin của bà con dân bản, được bà con nơi đây xem như người con của bản.
 

Bài và ảnh: LINH VĂN TÍNH