Đảo là nhà, biển cả là quê hương
Cập nhật ngày: 20/11/2019 07:23

Giữa biển trời, sóng nước, trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, tôi thêm một lần cảm nhận về niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Điều đó cũng lý giải tại sao, trong muôn vàn khó khăn, gian khổ, lớp lớp những người lính đảo luôn chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có những người con quê hương Bắc Giang.

Gác niềm riêng vì việc chung

Đảo Trường Sa Lớn là “thủ đô của Trường Sa”, được bao phủ bởi màu xanh của những hàng phong ba, bàng vuông... Thật khó hình dung, ngày mới giải phóng (năm 1975), nơi đây chỉ một màu trắng của cát, san hô thì nay trên đảo đã có trường học, bệnh viện, âu tàu, chùa, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều công trình thiết yếu. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên gương mặt rắn rỏi cùng câu chuyện mộc mạc của Đại úy Ngô Văn Khiết, quê ở xã Mai Trung (Hiệp Hòa), làm nhiệm vụ tại âu tàu. 


Các thành viên đoàn công tác của tỉnh với cán bộ, chiến sĩ quê Bắc Giang bên cột mốc chủ quyền đảo Sinh Tồn.

Trong tiếng ngân vang của chuông chùa Trường Sa, Khiết nói với tôi về ngày mới ra đảo: "Ngày đầu, mọi thứ đều lạ lẫm, lại càng nhớ nhà, người thân. Có hôm đón tàu của ngư dân bị hỏng máy ghé vào sửa chữa, trong khi chủ tàu sốt ruột vì lỡ dở chuyến ra khơi thì bọn em lại vồn vã như gặp người thân. Hay tin có đoàn công tác của tỉnh ra thăm, mấy anh em đồng hương Bắc Giang ai cũng ngóng đợi. Biết là quá trưa đoàn công tác mới tới nhưng chúng em đã có mặt từ trước đó cả giờ".

Đến nay, Khiết làm nhiệm vụ ở âu tàu gần 5 tháng, còn trước đó anh công tác tại Hải đoàn 129 Vũng Tàu. Nhà có ba anh em thì hai người trong biên chế Quân chủng Hải Quân (anh trai Khiết là Ngô Duy Khiêm làm bác sĩ tại Vùng 2 Hải quân). Chia sẻ về điều này, Khiết cười tươi nói: “Một phần là bởi truyền thống gia đình. Bố em từng trong quân ngũ; bác ruột là liệt sĩ chống Mỹ. Lớp anh trước, lớp em sau. Thấy anh vào hải quân, em cũng ước ao được như thế. 

Sau khi tốt nghiệp THPT, em đăng ký dự thi vào Đại học Hàng hải nhưng thiếu điểm. Không nản, em tiếp tục thi và học tại Trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân”. Khiết còn khoe, làm nhiệm vụ tại âu tàu, anh và đồng đội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ sửa chữa tàu, cung cấp xăng dầu, nước ngọt, thực phẩm cho ngư dân. Công việc vất vả song thấy ngư dân yên tâm hơn trong mỗi chuyến ra khơi, ai cũng vui. Giúp đỡ ngư dân cũng là góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo.

Cũng ở đảo Trường Sa, tôi gặp Trung úy Ngô Xuân Diện, quê ở xã Quý Sơn (Lục Ngạn), nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Trong câu chuyện, chàng trai có nước da ngăm đen vì nắng gió tâm sự: “Em sinh năm 1991, sau khi học hết THPT, em nhập ngũ, biên chế tại Sư đoàn 377 đóng quân tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Để phục vụ lâu dài trong Quân chủng, bằng sự phấn đấu của bản thân và quan tâm của đơn vị, em được cử đi học Trường Trung cấp Kỹ thuật Phòng không- Không quân”. 

Tính đến nay, Diện đã làm nhiệm vụ tại đảo hơn 18 tháng. Vợ là giáo viên mầm non ở Hà Nội, con đầu lòng mới hơn một tuổi, dù luôn thương nhớ gia đình, vợ con nhưng Diện dự định xin ở lại đơn vị đến cuối năm, tức là thêm 6 tháng nữa.

Góp sức vì Trường Sa

Hàng ngày, ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo còn tích cực tăng gia sản xuất cải thiện cuộc sống. Đất trồng cây, tăng gia, các cán bộ, chiến sĩ phải mang từ đất liền ra. Để có được những vườn rau xanh tốt là biết bao mồ hôi, công sức của những người lính. Điều kiện làm việc, sinh hoạt như vậy song điều khiến chúng tôi khâm phục là mỗi khi đề cập đến gian khó, hy sinh, các anh luôn lạc quan, không một lời thở than mà chỉ sẻ chia, tâm tình. 


Trung úy Ngô Xuân Diện (ngoài cùng bên trái), quê ở xã Quý Sơn (Lục Ngạn), công tác tại đảo Trường Sa Lớn và đồng đội trò chuyện về tình hình quê nhà.

Ví như Thiếu tá Dương Minh Đăng, quê ở xã Lương Phong (Hiệp Hòa), làm việc tại đảo Sinh Tồn. Là trợ lý công binh, anh đã tham gia làm nhiệm vụ tại các đảo: Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Đông và hiện ở đảo Sinh Tồn. Biết rằng khó khăn là đương nhiên song trò chuyện với tôi, anh chỉ nói ngắn gọn, đại ý, là người lính, nhất là lính Hải quân, cho dù giông lốc, bão tố hay trời yên, biển lặng, hễ có lệnh là anh em lập tức lên tàu làm nhiệm vụ.


"Ở đảo Nam Yết có 3 cán bộ, chiến sĩ quê Bắc Giang. Dù mỗi người một nhiệm vụ song anh em rất gắn bó, thường xuyên liên lạc, động viên nhau trong cuộc sống và công tác". Thượng úy, bác sĩ Đặng Tuấn Nghĩa, Trạm xá đảo Nam Yết.

Tôi cũng nhớ như in gương mặt, giọng nói đậm chất lính đảo của Thượng úy, bác sĩ Đặng Tuấn Nghĩa, quê ở xã An Thượng (Yên Thế) tại đảo Nam Yết. Chữa bệnh, cứu người vốn là công việc quen thuộc của thầy thuốc. Thế nhưng làm nhiệm vụ ở nơi đầu sóng ngọn gió như quần đảo Trường Sa thì mỗi ca bệnh là một kỳ tích. Và kỳ tích hơn khi anh cùng đồng đội chưa đầu hàng bất kỳ ca bệnh nào. Có một tin vui, mới đây, trạm xá ở đảo được lắp đặt hệ thống hội chẩn trực tuyến từ xa, khoảng cách giữa đất liền và đảo được rút ngắn. 

Nghĩa nói, lính đảo mỗi năm chỉ có một đợt nghỉ phép cũng đồng nghĩa với những tháng ngày đằng đẵng xa nhà song chúng em luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở đảo Nam Yết có 3 cán bộ, chiến sĩ quê Bắc Giang. Dù mỗi người một việc song anh em rất gắn bó, thường xuyên liên lạc, động viên nhau trong cuộc sống và công tác.

Lính đảo là vậy. Câu chuyện, lời sẻ chia của họ như in hằn trong tâm trí không chỉ riêng tôi mà cả những ai lần đầu đặt chân lên đảo. Chia tay họ, trong tôi vẫn âm vang lời bài hát “Nghe em hát ở Trường Sa” của nhạc sĩ Hà Vân: “Nơi mênh mông trùng khơi, nơi bốn bề sóng vỗ/… Sóng nước bao la, nghe tiếng em ca ấm tình đất mẹ/ Bên những người lính trẻ, giọng ca như ân tình/ Bên những người lính trẻ, ngọt ngào tình quê hương…”

Theo BaoBacGiang