Chiều 20-11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt các lãnh đạo và đại biểu Quốc hội nữ.

Tham dự gặp mặt có các đồng chí lãnh đạo là nữ, gồm: đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước.

Cùng dự còn có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Các phó thủ tướng: Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị; Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, cùng đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu nữ Quốc hội khoá XIV. Ảnh: TTXVN.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên, Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 ủy viên Bộ Chính trị là nữ. Trong số gần 500 đại biểu Quốc hội, có trên 27% là đại biểu nữ, một tỉ lệ khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Ở cấp tỉnh có 7 bí thư, 14 phó bí thư, 8 chủ tịch, 31 phó chủ tịch HĐND, 18 phó chủ tịch UBND cùng nhiều nữ cán bộ đảm nhiệm các vị trí trọng trách ở các cơ quan Trung ương và địa phương. Tỉ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 27,8% năm 2017, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Theo Thủ tướng, đây là minh chứng sinh động cho công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở nước ta.

Thủ tướng khẳng định lại quan điểm, nước ta phát triển bao trùm để không một người dân nào, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, bị bỏ lại phía sau. Là một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng phát triển, thúc đẩy tiến bộ, thực hiện công bằng xã hội. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, cho dù ở thành thị hay nông thôn, biên giới, hải đảo, người Kinh hay vùng đồng bào các dân tộc thiểu số...

Với tinh thần đó, Thủ tướng bày tỏ mong muốn với các nữ đại biểu Quốc hội, các đồng chí nữ lãnh đạo luôn đồng hành, ủng hộ Chính phủ thực hiện các chiến lược, giải pháp, biện pháp cụ thể phát triển đất nước, đặc biệt đóng vai trò tích cực hơn trong việc thực hiện có hiệu quả các luật như: Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em và pháp luật liên quan khác. Phát huy hơn nữa vai trò đề xuất chính sách, giám sát thực thi chính sách, pháp luật về các lĩnh vực then chốt như y tế, giáo dục, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm quyền cho phụ nữ, trẻ em.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, đơn vị liên quan phải đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực trong gia đình, trong học đường, trong bệnh viện; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự của phụ nữ và trẻ em.

Tại cuộc gặp mặt, các nữ đại biểu Quốc hội phát biểu, đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, với kết quả tích cực về phát triển kinh tế-xã hội, trong đó 12/12 chỉ tiêu năm nay sẽ đạt và vượt. Các nữ đại biểu bày tỏ ấn tượng về việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nữ đại biểu. Một số ý kiến đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm việc tăng tỉ lệ phụ nữ là bộ trưởng, thứ trưởng trong nhiệm kỳ tới; tiếp tục quan tâm công tác bồi dưỡng cán bộ nữ dân tộc thiểu số; Chính phủ sớm có chương trình hành động, đưa các luật, đề án mà Quốc hội vừa thông qua đi vào cuộc sống như: Bộ luật Lao động (sửa đổi), Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn…

 

TTXVN