Tác phẩm tham dự Cuộc thi báo chí “Việt Bắc - Quân khu 1 trưởng thành và phát triển” Vững vàng “cánh sóng” nơi đỉnh trời
Cập nhật ngày: 21/11/2019 07:53

Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, Trạm thông tin T2 tại đỉnh núi Khau Kiêng là một trạm lẻ thuộc Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn thông tin 601, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc vô tuyến điện sóng cực ngắn cho Quân khu và các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Được ví như một ốc đảo, đường lên Trạm T2 heo hút, quanh năm sương mù bao phủ, thời tiết khắc nghiệt… cùng với đó là biết bao khó khăn, thiếu thốn mà hằng ngày cán bộ, chiến sĩ trạm T2 phải đối mặt để giữ vững “mạch máu” thông tin của Quân khu luôn thông suốt trong mọi tình huống.

“Đối mặt” với khó khăn, gian khổ

Vượt quãng đường hơn 60km từ thành phố Thái Nguyên, chúng tôi có mặt tại chân núi Khau Kiêng thuộc thôn Nà Danh, xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Toàn, Trạm trưởng Trạm thông tin T2 hồ hởi đón đoàn và đưa chúng tôi đi tham quan nơi ăn, chốn ở của bộ đội, anh giới thiệu: “Trạm T2 có 6 cán bộ, chiến sĩ, được chia làm hai tổ, một tổ dưới chân núi và một tổ trực trên đỉnh Khau Kiêng, tổ ở dưới thuận lợi hơn vì gần chợ, gần đường, gần dân, còn cuộc sống của bộ phận trên đỉnh Khau Kiêng rất khó khăn, vất vả. Vì đường lên xuống khó đi, nên cứ 5 ngày anh em thay phiên trực một lần, mọi nhu cầu sinh hoạt như lương thực, thực phẩm… đều phải đưa từ chân núi lên”.

Đúng 9 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình xuyên rừng, ngược dốc. Chỉ huy đoàn công tác có Trung tá Nguyễn Huy Lừng, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 601. Từng là chỉ huy Trạm T2, nên anh Lừng kiêm luôn “hướng dẫn viên” cho nhà báo. Con đường mòn lên đỉnh Khau Kiêng ngoằn nghoèo như sợi chỉ vắt ngang qua những vạt rừng già xanh ngút ngàn cây lá. Thay vì trước kia thường đi theo con dốc có cái tên “mèo cào” độ dốc cao và trơn trượt, thì nhiều năm nay, chiến sĩ trạm T2 mở đường mới, đỡ dốc hơn, song bù lại, phải đi thêm hơn trăm mét đường rừng. Càng lên cao, đường càng khó đi bởi lớp mùn mục trơn trượt, cộng với độ dốc, đã vậy, từng đàn muỗi vằn “bủa vây” tứ phía khiến chúng tôi dù mệt cũng không thể dừng nghỉ. Giữa lúc đôi chân như muốn chùng xuống thì Trạm T2 hiện lên giữa lưng trời lộng gió. Đến lúc này, chúng tôi mới biết vừa chinh phục đỉnh núi Khau Kiêng.
Nằm trên đỉnh núi là căn nhà mái bằng nhỏ nhắn, nhuốm màu thời gian. Phía trong nhà, ngoài chiếc bàn có máy thông tin để làm việc, 2 tấm phản được ghép lại, kê cao làm chỗ ngủ, các chiến sĩ còn được trang bị thêm 1 chiếc bàn inox, vừa dùng làm bàn ăn, vừa dùng làm bàn uống nước. Nơi góc nhà đặt chiếc chạn bát, ngay gần cửa sổ có treo một tủ thuốc nho nhỏ. Sau vài phút nghỉ ngơi, mỗi thành viên trong đoàn được chia một chậu nước sạch để rửa mặt. Binh nhất Nông Văn Sáu, người dân tộc Tày, quê ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cẩn thận bê từng chậu nước cho chúng tôi, không quên kèm theo lời dặn “Các anh đừng đổ nước đi, nhớ giữ lại để tưới rau nhé…”. Nghe vậy, anh Lừng mỉm cười giải thích: Ở trên đỉnh núi các loại rau xanh rất khó phát triển do sự khắc nghiệt về khí hậu, nhất là thiếu nước. Công tác tăng gia sản xuất chủ yếu do bộ phận ở dưới chân núi đảm nhiệm, rồi tiếp tế lên. Tuy nhiên, anh em trực phía trên núi cũng tranh thủ những lúc rảnh rỗi, tổ chức trồng rau để cải thiện bữa ăn.

Cũng theo anh Lừng, thông thường, nếu không có mưa, phải hết ca trực 5 ngày, xuống chân núi, anh em mới được tắm rửa theo đúng nghĩa. Sang đến mùa khô, có khi cả tháng, trời không mưa nên vấn đề thiếu nước rất bức bách. Những lúc như thế, anh em trong ca trực lại động viên nhau xuống tận khe suối dưới chân núi, gùi nước lên để phục vụ sinh hoạt. Vào mùa mưa, tuy không phải lo thiếu nước, nhưng đi kèm lại là khó khăn khác, đó là sấm sét. Dù đã có hệ thống chống sét của trạm, lại thêm hệ thống chống sét của trạm BTS Viettel đặt kế bên, nhưng nhiều khi thiết bị vẫn bị nhiễm sét gây ra hỏng hóc, phải mang xuống trạm sửa chữa, khắc phục. Chiếc ti vi được trang bị nhằm cung cấp thông tin thời sự, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho anh em cũng không phải ngoại lệ. Đó là những khó khăn được các chiến sĩ kể lại, còn theo cảm nhận của chúng tôi thì khi thực hiện nhiệm vụ tại nơi núi rừng hoang vu này, các chiến sĩ có thể phải đối mặt với hiểm nguy do đường lên xuống núi khó đi, mất nhiều thời gian để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau nếu có tình huống rủi ro xảy ra. Do đó, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp để các chiến sĩ thêm yên tâm khi thực hiện nhiệm vụ.

Vượt khó, giữ vững “mạch máu” thông tin

Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ Trạm T2, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Thông tin 601 đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm động viên anh em khắc phục khó khăn, an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ việc lựa chọn những chiến sĩ có đủ phẩm chất, giỏi chuyên môn, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tổ chức giáo dục, quán triệt nhiệm vụ… đến quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trực thông tin nơi đây. Bên cạnh đó, cán bộ các cấp thường xuyên kiểm tra, động viên thăm hỏi, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. 
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, từ nhiều năm trước, đơn vị đã cho xây bể chứa nước mưa, khi mùa mưa đến, nước được tích vào bể dự trữ. Anh em còn có sáng kiến căng vải mưa, căng bạt hứng sương, mỗi đêm cũng thêm được chút ít. Tuy vậy nước vẫn chỉ đủ dùng cho những sinh hoạt thiết yếu, nguồn nước trong bể cũng không bảo đảm vệ sinh do lắng đọng bùn đất lâu ngày, việc thau rửa bể rất hạn chế vì nước dùng còn không đủ thì nói gì đến rửa. Sau lần Thiếu tướng Dương Hiền, Phó tư lệnh Quân khu trực tiếp lên thăm, kiểm tra, Trạm đã được trang bị hệ thống téc nước inox và tủ lạnh cất trữ thực phẩm, điều kiện sinh hoạt của anh em được cải thiện hơn so với trước.


Chiến sĩ thông tin Trạm T2 bảo quản, bảo dưỡng khí tài trang bị.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Lừng cho biết: Mặc dù khó khăn, song anh em chiến sĩ luôn xác định tốt tinh thần trách nhiệm, tự giác trong thực hiện nhiệm vụ, không có trường hợp ngại khó, ngại khổ, thoái thác nhiệm vụ. Có lần, để đảm bảo phục vụ nhiệm vụ diễn tập, khi xảy ra sự cố hư hỏng khí tài, kíp trực đã kịp thời báo cáo và cử người hành quân ngay trong đêm, kịp thời vận chuyển khí tài thay thế.

Một vinh dự cho cán bộ, chiến sĩ Trạm Thông tin T2 là vào dịp tháng 9 vừa qua, Trạm được đón Trung tướng Dương Đình Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu trực tiếp lên thăm và động viên. Sau chuyến công tác, thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu đã giao cơ quan chức năng phối hợp với chỉ huy Lữ đoàn Thông tin 601 xác định phương án cải tạo, nâng cấp công trình nhà ở và làm việc của cán bộ, chiến sĩ trên đỉnh núi, đồng thời ghi nhận các kiến nghị của đơn vị đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc.

Tạm biệt các chiến sĩ thông tin trên đỉnh Khau Kiêng, chúng tôi mang theo tình cảm và sự ngưỡng mộ bởi tinh thần vượt khó hoàn thành nhiệm vụ của các chiến sĩ nơi đây. “Vào ca trực là vào vị trí chiến đấu”, mỗi công điện được chuyển là cả nghị lực, quyết tâm của những người lính đang ngày đêm nối dài cánh sóng, để “mạch máu” thông tin luôn thông suốt trong mọi tình huống.

 

Ghi chép của BÙI HIỆP