Phần lớn di sản văn hóa thuộc về cộng đồng. Do đó, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản là sự nghiệp của nhân dân, của toàn xã hội. Nâng cao nhận thức, phát huy sức mạnh và trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền, phát huy nguồn lực di sản văn hóa là mục tiêu quan trọng lâu dài, mang ý nghĩa then chốt...


Trong ảnh: Trình diễn Nghi lễ kéo co làng Hữu Chấp (Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) tại Festival Về miền Quan họ-2019.

Ngày 23-11-1945, chưa đầy 3 tháng sau khi nước nhà độc lập, Bác Hồ đã ký sắc lệnh số 65 về “Bảo tồn cổ tích”, trong đó coi việc bảo tồn các di sản trên toàn lãnh thổ là nhiệm vụ chiến lược đối với công cuộc kiến thiết quốc gia. Bảo tồn di sản văn hóa để những giá trị tốt đẹp của cha ông được truyền vào tâm thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không chỉ gìn giữ dấu ấn vật chất, tinh thần của di sản trong quá khứ mà còn phát huy để bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Bởi vậy, di sản văn hóa phải được bảo vệ, phát huy bằng sức mạnh và trách nhiệm của mỗi người dân, của cộng đồng và của Đảng ủy, chính quyền các cấp cùng phối hợp, chung sức.
Giới chuyên môn khẳng định, chỉ có dựa vào sức mạnh của cộng đồng trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận, tự do, bình đẳng, cùng có lợi thì công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa mới có thể đạt được hiệu quả cao nhất và văn hóa mới trở thành động lực, sức mạnh nội sinh để phát triển quê hương, đất nước. Trong hội thảo khoa học quốc tế về bảo vệ di sản tranh dân gian Đông Hồ mới đây tại thành phố Bắc Ninh, các nhà khoa học cũng thảo luận, phân tích rất kỹ vai trò của cộng đồng, đặc biệt nhấn mạnh đến việc giáo dục, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu vẻ đẹp của tranh Đông Hồ trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Một chuyên gia nước ngoài nhấn mạnh: Mọi giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị di sản đều phải xuất phát từ niềm tự hào, sự trân trọng và ý nguyện của người dân làng nghề nói riêng, của toàn thể cộng đồng yêu mến vẻ đẹp dòng tranh Đông Hồ nói chung. Nếu như chính những người nắm giữ di sản không mong muốn gìn giữ thì rất khó đề cập đến những câu chuyện khác...
Tại Bắc Ninh, Di sản Dân ca Quan họ cũng là một ví dụ điển hình cho những đóng góp của công tác bảo tồn và gìn giữ các di sản văn hóa phi vật thể qua sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng địa phương. Vai trò và sự tham gia của cộng đồng luôn được coi trọng, đề cao. Xuất phát từ sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến của những người nắm giữ di sản nên nhiều chính sách của tỉnh thời gian qua có ý nghĩa, tác động thiết thực đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Điển hình như chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp; hỗ trợ các làng Quan họ gốc, các CLB Quan họ tiêu biểu; khuyến khích, ghi nhận các làng Quan họ thực hành mới phát triển... Các cấp Đảng ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm, tạo mọi điều kiện để cộng đồng tham gia bảo vệ di sản gắn với quyền thụ hưởng ích mà di sản Dân ca Quan họ mang lại.
Thực tế, hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản những năm qua trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các di tích lịch sử văn hóa cũng cho thấy rất rõ vai trò, trách nhiệm của cộng đồng. Cùng với hỗ trợ của nhà nước còn có nguồn lực rất lớn được huy động từ nhân dân để bảo vệ, trùng tu, khôi phục các di tích. Nhờ đó mà nhiều di tích thoát khỏi tình trạng xuống cấp, tránh được những nguy cơ xâm hại của thiên nhiên, con người... Trong tình hình mới, trước những thách thức và sức ép toàn cầu hóa đối với văn hóa truyền thống ngày càng lớn đòi hỏi công tác bảo tồn di sản phải gắn với phát triển bền vững. Bên cạnh huy động sức dân, cần tiếp tục tuyên truyền Luật di sản văn hóa và các văn bản liên quan để cộng đồng dân cư hiểu rõ, có những ứng xử phù hợp, tránh làm biến dạng di sản. Ngoài ra, trong quá trình phục hồi di sản, trùng tu, tôn tạo di tích cần sự phối hợp liên ngành, có sự bàn bạc, thống nhất giữa các thành phần liên quan, phát huy trách nhiệm giám sát của cộng đồng giúp các di sản, di tích tránh được nguy cơ bị xâm hại, nhằm bảo vệ tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích, kể cả những di tích chưa được xếp hạng...
Theo dặm dài lịch sử với ăm ắp sự kiện, dấu ấn diễn ra trên mảnh đất Bắc Ninh đã được kết tinh, lắng đọng, biểu hiện thành những di sản văn hóa cụ thể ở từng xóm làng, trong mỗi cộng đồng dân cư. Kho báu di sản văn hóa đồ sộ, phong phú về cả số lượng, loại hình, giá trị mà Bắc Ninh đang sở hữu mang đậm dấu ấn vật chất lẫn tinh thần với đặc trưng riêng có của đất Kinh Bắc. Ngoài hơn 1.500 di tích thuộc nhiều loại hình, còn biết bao di vật, cổ vật đặc sắc mà một phần trong đó được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia. Bắc Ninh cũng là cái nôi của văn hóa dân gian, vùng đất của những huyền thoại, truyền thuyết, giai thoại, thơ ca, hò vè... Đặc biệt, mảnh đất này còn gieo mầm và nảy nở những loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc sắc mà tiêu biểu như Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày nay, những di sản văn hóa quý báu này đã trở thành điểm tựa, là hồn cốt, cội rễ góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho người dân Bắc Ninh vững bước hòa vào sự phát triển sôi động không ngừng của đất nước cũng như quá trình hội nhập toàn cầu hóa.

Theo BaoBacNinh