Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra hai ngày 3 và 4-12 trong bối cảnh liên minh quân sự này đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nổi lên sự hoài nghi của chính các nước thành viên về vai trò của khối mặc dù đã trải qua 70 năm hình thành và phát triển…

Sau 70 năm kể từ khi ra đời năm 1949, NATO, vốn được xem là “liên minh phòng thủ thành công nhất thế giới”, lại đang phải đối mặt với một trong những nguy cơ lớn được cảnh báo là sự tan rã. Lục đục nội bộ của NATO đã được tờ The Guardian mô tả rằng “người Đức và người Đông Âu nổi giận với người Pháp. Người Pháp giận dữ với người Thổ Nhĩ Kỳ và người Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump thì tức giận với hầu hết mọi người”.

Tựu chung lại, câu chuyện chia rẽ của NATO bùng nổ sau phát biểu gây sốc gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng NATO đang trong tình trạng "chết não”. Còn trước đó là tuyên bố của Tổng thống Donald Trump cắt giảm đóng góp của Mỹ cho ngân sách của NATO cùng những phát biểu gay gắt buộc các nước NATO phải chia sẻ gánh nặng tài chính trong khối. 


Cờ NATO và cờ EU. Ảnh: Getty Images.

Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Mỹ là những quốc gia thành viên NATO chỉ trích bình luận của ông Macron. Nhà lãnh đạo Pháp Macron thời gian gần đây không hề che giấu ý định muốn mở rộng khả năng quân sự của châu Âu, gây lo ngại sẽ lấn át vai trò của NATO. Ông bị cho là đang thúc đẩy tầm nhìn về Liên minh châu Âu (EU) như một thế lực chính toàn cầu, nhưng lại bằng chính chi phí của NATO. Điều này khiến Đức và một quốc gia Đông Âu lo ngại có thể làm suy yếu liên minh, vốn đang phục vụ tốt cho lợi ích của họ. 

Tổng thống Macron giận giữ vì Tổng thống Trump đã rút lực lượng Mỹ khỏi Đông Bắc Syria mà không hỏi ý kiến và kéo theo đó là chiến dịch tấn công quân sự vượt biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cũng phát biểu NATO nên tập trung vào những mục tiêu chung, cụ thể, thay vì nỗi ám ảnh của ông Trump về vấn đề ngân sách của NATO. Trong khi đó, NATO cần giải quyết vấn đề quan hệ với Nga, ám chỉ cần xích lại gần Nga thay vì đối tác Mỹ. Nhưng đáp lại, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từ chối thẳng thừng lời khẳng định của ông Marcon cho rằng, Mỹ không còn là đối tác tin cậy nữa.  

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tỏ ra gay gắt nhất trước các phát biểu của Tổng thống Macron. Ông cho rằng chính ông Macron mới là người cần phải xem lại tình trạng “chết não” của mình trước khi phát biểu về NATO. 

Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, với chiến dịch quân sự gần đây nhất vào lãnh thổ Syria, nước này bị cho có hành động “vượt rào” kéo theo những nguy cơ về làn sóng người tị nạn Syria tràn vào châu Âu, bao gồm nhiều nước thành viên NATO. Sau đó ở những nước này đã lập tức dấy lên lời kêu gọi trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ khỏi liên minh. NATO và Thổ Nhĩ Kỳ còn mâu thuẫn về việc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Mỗi nước thành viên về cơ bản có quyền tự quyết lựa chọn trang bị hệ thống phòng phủ thích hợp cho mình. Nhưng đã là thành viên NATO thì cần chú ý tới khả năng tương tác. Các hệ thống phòng thủ các các nước thành viên phải có khả năng hoạt động cùng nhau, điều mà hệ thống S-400 được cho là không đáp ứng được. 

Trước “hàng núi” những bất đồng như vậy, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg vẫn tin tưởng liên minh sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này như từng làm được trong cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956 và chiến tranh Iraq năm 2003. Trả lời phỏng vấn trên báo Le Figaro (Pháp), ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Người châu Âu và người Mỹ luôn thống nhất về vấn đề quốc phòng. Trong những thời điểm bất ổn như hiện nay, càng cần đến các tổ chức đa phương mạnh như NATO”. 

Phát biểu của người đứng đầu NATO có phần hơi lạc quan bởi sự thực là Mỹ-quốc gia chi lớn nhất cho NATO không nói suông ý định cắt giảm khoản đóng góp của mình cho ngân sách của khối. Việc ông Trump thông báo cắt giảm tiền cho ngân sách NATO đã “giội gáo nước lạnh” vào tuyên bố trước đó của Tổng Thư ký Stoltenberg khẳng định có tiến bộ đáng kể trong việc chia sẻ gánh nặng tài chính trong NATO.

Hơn nữa, mục tiêu đầy tham vọng của Pháp về mở rộng năng lực quân sự của châu Âu, được thể hiện qua tuyên bố nói trên của Tổng thống Macron, cũng chính là một lời cảnh báo cần phải thay đổi của liên minh quân sự 70 năm tuổi này. Nếu không, một NATO “già cỗi” sẽ tự đánh mất vai trò của mình trước những biến động không ngừng của thế giới đang đặt ra nhiều thách thức. Pháp, với vai trò là quốc gia có vai trò hàng đầu trong phòng thủ châu Âu, đã cho thấy không chỉ dừng lại ở những tuyên bố trong việc thúc đẩy các mục tiêu về phòng thủ châu Âu. 

Trước chia rẽ ngày càng nghiêm trọng, NATO đang nỗ lực thu hẹp bất đồng. Các nước thành viên mới đây đã thống nhất mức đóng góp tài chính mới. Theo đó, NATO công bố đồng ý giảm tỷ lệ đóng góp của Mỹ cho ngân sách liên minh, đồng thời tăng ngân sách đóng góp của Đức từ 14,8% lên 16,35%, ngang bằng với ngân sách của Mỹ. Thỏa thuận mới sẽ bắt đầu có hiệu lực thực thi từ năm 2021. Việc giới lãnh đạo NATO thống nhất hạ thấp mức đóng góp chi phí của Mỹ cho khối được cho là nhằm thể hiện cam kết và niềm tin vào NATO trước khi diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm NATO trong tuần này tại Anh.

NATO hay EU cũng là “2 mặt của một đồng xu” như khẳng định của người đứng đầu NATO. Ông ủng hộ mạnh mẽ quốc phòng châu Âu nhưng nó phải là trụ cột của NATO chứ không thể thay thế NATO, bởi rõ ràng EU không thể bảo vệ lục địa  trong bối cảnh hiện nay. Cho dù có nhiều bất đồng, cả hai đều đang phải đối mặt với những thách thức an ninh giống nhau. Theo ông Stoltenberg, NATO và EU phải “tay trong tay” và không nên tự đặt mình vào tình huống phải lựa chọn giữa khối châu Âu và khối xuyên Đại Tây Dương. 

QĐND