Ngày 28-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại các điểm cầu trên cả nước.

Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo ban, bộ ngành của Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, hội, hiệp hội trong ngành ICT. Cùng dự có Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng những kết quả đạt được của Bộ TT&TT trong thời gian vừa qua. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2019, điểm lại thấy Bộ TT&TT có nhiều tiến bộ rõ, nói đi đôi với làm. Ngành TT&TT vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là cạnh tranh nhân tài và công nghệ hay về bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng.


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan khu trưng bày thiết bị 5G của Tập đoàn Viettel.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi viễn thông tăng trưởng gần 19%, với sự đóng góp của 50.000 doanh nghiệp công nghệ. Công nghiệp CNTT duy trì tăng trưởng 10%. Bên cạnh đó là việc triển khai thử nghiệm mạng 5G, có kế hoạch tắt sóng mạng 2G, chỉ đạo các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G của Việt Nam mà tại hội nghị này đã công bố Vingroup, Viettel đã sản xuất được thiết bị 5G. Bộ đã khởi động chương trình lớn về “Make in Vietnam” và chuyển đổi số, đã trình ký và triển khai thực hiện quy hoạch báo chí. Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ TT&TT nhận nhiệm vụ là cơ quan thường trực về chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra các mặt còn tồn tại như: Mạng viễn thông chậm chuyển đổi sang hạ tầng số, tỷ lệ người dùng dữ liệu di động chưa cao. Vấn đề an ninh an toàn mạng còn nhiều bất cập. Trong lĩnh vực báo chí, hoạt động của một số tờ báo chưa đúng tôn chỉ, mục đích, báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin; nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, bị đánh hội đồng...

Thủ tướng cho rằng, Bộ TT&TT có trách nhiệm lớn, góp phần mang vinh quang cho Tổ quốc. Thủ tướng cho rằng, có thể nói ngành thông tin và truyền thông được ví như "mặt trận không bao giờ im tiếng súng", những dòng chảy liên tục của thông tin đã đem lại những tác động phong phú đến đời sống tinh thần, tình cảm của người dân trong và ngoài nước, cùng với đó là sự đấu tranh không khoan nhượng trên mặt trận thông tin, giữa thật và giả, giữa tiêu cực và tích cực. Thủ tướng yêu cầu ngành TT&TT phải là những người luôn giữ cái đầu lạnh.

"Năm 2020, chúng ta tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia", Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ TT&TT phải chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành đầu tư hạ tầng số đi trước một bước cho chuyển đổi số và đi đầu trong công cụ chuyển đổi số. 100% hệ thống CNTT của chính phủ điện tử phải có trung tâm giám sát an ninh mạng. Bên cạnh đó, thứ hạng chính phủ điện tử của Việt Nam còn khiêm tốn, Bộ TT&TT có nhiệm vụ đưa thứ hạng này tăng lên.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Về lĩnh vực bưu chính, chuyển phát, phải xây dựng mạng lưới chuyển sâu rộng tới từng hộ gia đình, tạo nền tảng cho thương mại điện tử phát triển. Với lĩnh vực viễn thông, thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam bước đầu thành công, đây là một thắng lợi cần phổ cập rộng rãi. Thủ tướng nhất trí với kiến nghị của Bộ TT&TT về tắt sóng 2G để chuyển nhanh hạ tầng viễn thông lên công nghệ mới, để 100% người dân Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh, bổ sung tần số 4G để nâng cao chất lượng mạng lưới. Kiên quyết xử lý tình trạng sim rác, tin nhắn rác.

Thủ tướng cũng chỉ đạo, Bộ TT&TT phải làm tốt vai trò điều phối về phát triển Chính phủ điện tử trong khi vẫn phát huy sự chủ động của các bộ, ngành và địa phương. Hiện nay, đô thị thông minh phát triển nhanh, Bộ TT&TT phải sơ kết chương trình đô thị thông minh cấu phần CNTT, nhất là trung tâm giám sát điều hành, từ đó có hướng dẫn triển khai, tránh việc làm theo phong trào, kém hiệu quả, lãng phí.

Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia sâu rộng và toàn diện, Thủ tướng quyết định ban hành Đề án chuyển đổi số quốc gia, trên cơ sở đó các bộ, ngành và tỉnh, thành phố ban hành chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp. Bộ TT&TT phải đi đầu về chuyển đổi số các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, báo chí, truyền thông.

Về vấn đề an toàn, an ninh mạng, Thủ tướng khẳng định đây là điều kiện tiên quyết của Chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Bảo vệ an toàn, an ninh mạng chính là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.

“Make in Vietnam” là một định hướng lớn, là tuyên bố sự chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Việt Nam, sang làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ. Các doanh nghiệp CNTT và truyền thông phải đi đầu trong chiến lược Make in Vietnam. Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia, Thủ tướng chỉ đạo Bộ TT&TT cần tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, phổ cập thiết bị 5G. 

Về lĩnh vực báo chí, truyền thông, Thủ tướng nêu rõ báo chí phải thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, đặc biệt tạo nên một khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Thực hiện nghiêm túc, chủ động Quy hoạch Báo chí đã được phê duyệt, không được lùi thời gian, cơ quan chủ quản nào làm không đúng thời hạn đã báo trước thì tạm dừng để thực hiện xong quy hoạch.

Hệ thống thông tin cơ sở như loa phường, xã, thậm chí tuyên truyền miệng, được xem là hệ thống tuyên truyền lớn nhất, hiệu quả nhất. Bộ TT&TT cần có đề án và chỉ đạo đổi mới công nghệ của hệ thống này.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đều biết “4 con hổ” là biểu tượng của sự trỗi dậy của châu Á. “Việt Nam có thể là một biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á nếu tầm nhìn 2045 trở thành hiện thực với quyết tâm của chúng ta.

Vậy sau “4 con hổ, liệu Việt Nam có trở thành con hổ thứ 5 hay không”, câu trả lời là có thể. Có thể là bởi Việt Nam có con chim Lạc như truyền thuyết con cháu Lạc Hồng. Các con hổ đều khỏe hơn, chạy tốc độ cao hơn, nhanh hơn, con chim sức yếu hơn, chậm hơn nhưng tốc độ về đích nhanh hơn con hổ vì đường chim bay bao giờ cũng ngắn, thông thoáng, linh hoạt hơn đường bộ.

Thủ tướng nhấn mạnh, đất nước ta phải tìm cho mình đôi cánh, chọn cho mình con đường tiến lên hiện đại theo định hướng XHCN, hiện thực hóa khát vọng 2045. Đó có lẽ phải là đường bay chứ không phải lối mòn. Đó cũng là một lý do để Chính phủ coi kinh tế số là động lực phát triển quan trọng, đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển.

Trong nhiệm kỳ mới, Bộ TT&TT mang tên gì cho xác đáng sẽ được thảo luận trong Chính phủ nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất một tên mới để thảo luận là "Bộ Truyền thông và Kinh tế số".

Bộ TT&TT hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra

Năm 2019, với mục tiêu “Nâng cao thứ hạng Việt Nam” và phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”, Bộ TT&TT đã khẩn trương, quyết liệt, đổi mới cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 của đất nước, góp phần xây dựng nước Việt Nam hùng cường.

Các chỉ số tăng trưởng của các lĩnh vực thuộc ngành đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển Bưu chính năm 2019 do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) công bố về thứ hạng, Việt Nam xếp thứ 45/172 quốc gia (tăng 5 bậc so với năm 2018); trong lĩnh vực Viễn thông, điểm đánh giá chỉ số IDI của Việt Nam đạt xấp xỉ 5,57 tương ứng với hạng 81 (ngang với Trung Quốc và Iran); Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng về an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá, từ thứ hạng 100 năm 2017 lên thứ hạng 50 năm 2019. Việt Nam được đánh giá là nước có số lượng mã độc di động thấp thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ nhất trên bảng xếp hạng 140 quốc gia của WEF, với việc tăng 10 bậc về chỉ số GCI (từ  vị trí 77 năm 2018 lên thứ hạng 67), trong đó, chỉ số thành phần về ứng dụng CNTT-TT (ICT adoption) đóng vai trò hết sức quan trọng khi tăng hơn 50 bậc từ thứ hạng 95 (năm 2018) lên thứ hạng 41.


Quang cảnh hội nghị.

Tổng doanh thu toàn ngành dự kiến đạt 3.100.000 tỷ đồng (gần 135 tỷ USD), tăng 8,8% so với năm 2018; nộp ngân sách đạt 99.820 tỷ đồng (hơn 43 tỷ USD), tăng 23,4% so với năm 2018. Lĩnh vực báo chí, truyền thông đã phản ánh đúng dòng chảy của xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận và niềm tin của xã hội...

Có được những kết quả như trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ các giải pháp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương trong toàn ngành, góp phần hoàn thành kế hoạch và mục tiêu đề ra.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngày 15-1-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị triển khai Kế hoạch năm 2019 của Bộ TT&TT đã xác định lại đúng vị trí, vai trò, sứ mệnh của ngành TT&TT đã giao rất nhiều việc cho Bộ. Sau một năm nhìn lại, vẫn những con người ấy, nhưng chúng ta đã thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm, lấy lại sự tự tin, lấy tinh thần phụng sự ngành, phụng sự đất nước để hành động và chúng ta tự hào vì đã nhìn thấy những kết quả khích lệ ban đầu ở hầu hết các lĩnh vực của Bộ, không chỉ ở Trung ương mà còn ở các địa phương, ở các doanh nghiệp, các hiệp hội.


Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.

"Bộ TT&TT đã đi qua năm 2019 với rất nhiều cách tiếp cận mới, làm cho một việc khó trở thành khả thi hơn, có thể làm nhanh hơn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được xem như một cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ, do vậy, cơ hội của Việt Nam về thay đổi thể chế dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ là rất lớn. Chuyển đổi số có thể nhanh hơn nếu như phát triển các nền tảng, một platform cho cả triệu người. Tắt sóng 2G không chỉ tiết kiệm chi phí khai thác, chi phí tần số cho nhà mạng mà còn đưa 100% dân số lên điện thoại thông minh, sẵn sàng trở thành công dân số. Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam có thể được các doanh nghiệp Việt Nam hoàn thành trong năm 2020, vì Chính phủ đã tạo ra thị trường cho sản phẩm Việt Nam, Bộ TT&TT đã đứng ra làm vai nhạc trưởng, điều phối các doanh nghiệp trong nước hợp tác nghiên cứu phát triển, tránh chồng chéo, tránh cạnh tranh không cần thiết, sử dụng lẫn sản phẩm của nhau", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

"Năm 2020, Bộ TT&TT thông qua những việc làm cụ thể của mình, sẽ tiếp tục truyền đi những thông điệp tích cực, khích lệ cho toàn ngành, tìm ra những cách tiếp cận rất Việt Nam, khả thi, để hàng triệu người, hàng chục ngàn đơn vị trong ngành có thể làm tốt nhiệm vụ của mình, góp phần cho đất nước phát triển bền vững, vì một Việt Nam hùng cường", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn.

* Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao cờ thi đua của Chính phủ tặng 4 đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. 8 đơn vị được tặng cờ thi đua của Bộ Thông tin và Truyền thông.

QDND