Sáng 30-12, tại trụ sở Chính phủ, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các thành viên Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 63 địa phương tại các điểm cầu trên cả nước.

Mở đầu bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng trân trọng cảm ơn đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đến tham dự và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng đối với Chính phủ. Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn tới đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đồng chí đại biểu đã dành thời gian dự hội nghị.


 


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự hội nghị.

Thủ tướng cho biết, tại hội nghị, các đại biểu sẽ cùng thảo luận, phân tích những kết quả đạt được năm 2019; đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém, phân tích những cơ hội và khó khăn, thách thức trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo. Từ đó đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để hoàn thành tốt hơn nữa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Đề cập tới những nguyên nhân dẫn tới thành công của đất nước trong năm 2019, cũng như năm 2020 và những năm tới, Thủ tướng cho rằng, những thành quả kinh tế-xã hội Việt Nam có được trong năm 2019 đã chứng minh rằng, với ý chí nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được.

Cụ thể, năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD cao gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015. Cùng với đó, nếu như năm 2016, tốc độ tăng trưởng  đạt 6,21 %, thì năm 2019 Việt Nam đạt tăng trưởng lên đến 7,02 %, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019, đạt hơn 266 tỷ USD. “Điều này cho thấy quy mô càng lớn thì việc đạt được thêm 1 điểm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó khăn, nhưng không phải là không thể đạt được”- Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng cho biết, năm 2019 Việt Nam không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới (với tăng trưởng GDP là 7,02%), mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát dưới 2,79 %, mặt bằng lãi suất, tỷ giá luôn duy trì ổn định, trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động. Nợ công còn khoảng 56 % GDP; quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỷ USD; thặng dư thương mại đạt kỷ lục gần 10 tỷ USD - những con số 10 năm trước chúng ta không thể hình dung được. “Năm 2019 Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, đồng thời, chất lượng tăng trưởng cũng có sự cải thiện rất rõ nét, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động, đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp vào tăng trưởng GDP; chỉ số phát triển bền vững năm 2019 của Việt Nam tăng 3 bậc trong khu vực ASEAN”- Thủ tướng phân tích.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ luôn nhất quán với thông điệp không đánh đổi, hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng, xác định công thức 3 trong 1 của sự phát triển: Kinh tế, xã hội và môi trường. Rất nhiều địa phương thời gian qua cũng đã lồng ghép ba trụ cột phát triển này và thực tiễn cho thấy 3 mục tiêu này không loại trừ nhau mà có sự bổ sung cho nhau cùng hướng đến sự phát triển toàn diện của đất nước. Cùng với đó, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa, góp phần đưa mức sống của người dân nông thôn lên một bước cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đang diễn ra khá nhanh, diện mạo đô thị ngày càng trở nên hiện đại, tính cạnh tranh được nâng lên. “Với những thành quả kinh tế - xã hội mà chúng ta đã đạt được trong năm 2019 cho thấy, nông thôn mới và đô thị hóa không phải là câu chuyện lựa chọn, nó là câu chuyện phát triển bền vững và hài hòa theo các nguyên tắc kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”, Thủ tướng nói.


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam hoàn thành tất cả 12/12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Kết quả này, đã không những góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta mà còn góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “là không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần phải làm việc với một tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước nhân dân. Theo đó, Thủ tướng đề cập tới 9 nhóm vấn đề cần thực hiện trong năm 2020. 


Quang cảnh hội nghị.

Một là, làm sao để tiếp nối và phát huy cao hơn nữa những thành quả kinh tế- xã hội đã được được trong năm 2019. Theo đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, các ngành, các địa phương đặt ra những mục tiêu cao, cùng hiến kế sớm đạt được nhiều thành tích ấn tượng và toàn diện hơn nữa cho năm 2020.

Hai là, tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế, chính sách pháp luật, nhất là những chỉ số còn thấp như giải quyết phá sản, khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư và những chỉ tiêu tụt hạng so với năm 2018. “Nêu vướng mắc pháp luật thì phải chỉ ra điều nào khoản nào cần sửa, không được nói chung”- Thủ tướng nêu rõ.

Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu làm sao để khơi thông hơn nữa các đột phá chiến lược cả về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thúc đẩy sự chủ động quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp, các ngành trong năm 2020. Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm, chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu chi phí không chính thức tham nhũng vặt.

Thứ tư, chỉ ra những động lực mới cho tăng trưởng, hay gây dựng động lực cho tăng trưởng của năm 2020 và năm tiếp theo. Chỉ ra động lực cho cả nước, động lực của từng địa phương, động lực của từng ngành, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ năm, phải làm thế nào để tạo nền tảng cho nền kinh tế số phát triển tăng tốc trong năm 2020 và những năm tới; làm sao đổi mới sáng tạo ở nước ta tiếp tục thăng hạng cao hơn.

Thứ sáu, cần có đột phá về cơ chế phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho địa phương để thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, sự năng động, sáng tạo trong thực thi các chủ trương, chính sách giải pháp đã được ban hành về phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, đảm bảo sự hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn người dân tốt hơn. “Cần bổ sung giải pháp nào, nhân rộng mô hình cách làm hiệu quả ra sao, để thực hiện thông điệp không để ai bị bỏ lại phía sau”- Thủ tướng nêu rõ.

Thứ bảy, cần có đột phá về cơ chế, thực hiện phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho địa phương để thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, sự năng động sáng tạo trong thực thi các chủ trương, chính sách, giải pháp đã được.

Thứ tám, tăng cường đầu tư cho tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước, tương xứng với thách thức của thời kỳ mới; làm sao hạn chế đến mức thấp nhất thiên tai, hạn hán đang và sẽ diễn ra.

Thứ chín, nâng cao hơn nữa động lực làm việc cho cán bộ, công chức các ngành, các cấp và địa phương, quyết liệt cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên, bổ sung nguồn lực để cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức.

Thủ tướng cũng yêu cầu, các cấp, các ngành, địa phương phải chăm lo Tết một cách chu đáo cho nhân dân, đảm bảo an ninh, an toàn mọi mặt cho nhà nhà vui Tết đón; đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các gia đình chính sách, người nghèo, người lang thang cơ nhỡ, trẻ mồ côi...

QĐND