Quán triệt quan điểm của Đảng về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố QPAN, góp phần đưa Cao Bằng trở thành tỉnh ổn định về chính trị, kinh tế ngày càng phát triển, vững mạnh về QPAN.


Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu và lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cắt băng khánh thành dự án cải tạo một số hạng mục Khu di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, tháng 12-2019. Ảnh: Mạnh Nguyên

Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, QPAN của Quân khu 1 và cả nước; là địa phương giàu truyền thống cách mạng, nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh gây dựng sự nghiệp cách mạng nước nhà và cũng là nơi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập cách đây 75 năm. Xác định rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố QPAN, Cao Bằng đã huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và toàn dân, lấy lực lượng vũ trang (LLVT) làm nòng cốt, đẩy mạnh xây dựng nền QPTD, gắn xây dựng thế trận QPTD với thế trận an ninh nhân dân ở từng khu vực và trên toàn địa bàn, bảo đảm mỗi bước tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là một bước tăng cường tiềm lực QPAN.


Trên cơ sở đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của mình, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh được Chính phủ phê duyệt, đồng thời chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh quy hoạch cấp huyện và các ngành, sản phẩm bảo đảm yêu cầu gắn với phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận khu vực phòng thủ (KVPT). Theo đó, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế. Nền kinh tế tăng trưởng với nhịp độ trung bình 6-7,1%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ngày càng tăng (năm 2018 đạt trên 5.200 tỷ đồng), tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2018 đạt 1.890 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế của tỉnh bước đầu chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp thường xuyên tham gia thẩm định, góp ý kiến đối với các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bảo đảm hài hòa hai mục đích. Các dự án xây dựng đều được thực hiện đúng quy định về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh, xây dựng kết cấu hạ tầng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong KVPT, các công trình xây dựng mới vừa bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng KVPT tỉnh, huyện.


Thực hiện chủ trương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố QPAN, xây dựng tiềm lực kinh tế gắn với xây dựng thế trận QPTD, an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân vững chắc; các huyện, thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội cấp huyện gắn với củng cố QPAN, vừa kết hợp phục vụ nhu cầu dân sinh trong thời bình đồng thời sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ QPAN trong thời chiến. Hoạt động ổn định dân cư, hỗ trợ phát triển kinh tế ở vùng biên giới tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đoàn KT-QP 799 tiếp tục hoạt động có hiệu quả trên các địa bàn: Khu vực huyện Bảo Lâm - Bảo Lạc, khu vực huyện Thông Nông - Hà Quảng. UBND tỉnh Cao Bằng đang tiếp tục đề nghị Trung ương phê duyệt quy hoạch đối với huyện Trùng Khánh - Hạ Lang. Kết quả thực hiện các mục tiêu của cuộc vận động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các huyện, thành ủy đã quán triệt, triển khai có hiệu quả các Đề án của UBND tỉnh về bảo đảm quốc phòng giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng lực lượng DQTV giai đoạn 2017-2020; Đề án xây dựng KVPT tỉnh giai đoạn 2017-2020; Đề án xây dựng lực lượng dân quân thường trực các xã, thị trấn biên giới giai đoạn 2015-2025. 


Hệ thống đường tuần tra biên giới trên địa bàn được các cấp quan tâm củng cố, xây dựng, đến nay đã xây dựng được trên 163km đường tuần tra biên giới thuộc địa bàn các huyện Thông Nông, Hà Quảng, Trùng Khánh, Hạ Lang, Bảo Lạc từ nguồn ngân sách quốc phòng, góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực biên giới, vừa bảo đảm cho nhiệm vụ QPAN, vừa phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.


Chỉ đạo lực lượng biên phòng duy trì, thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng theo Nghị định số 89/2009/NĐ-CP (Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam - Trung Quốc, thỏa thuận về việc thiết lập cơ chế phối hợp biên phòng 3 cấp giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc). Duy trì mối quan hệ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của nước bạn, kịp thời trao đổi thông tin qua nhiều hình thức: Hội đàm, giao ban... Cấp ủy chính quyền địa phương và chỉ huy các đơn vị LLVT tỉnh tham gia Đoàn đại biểu của Bộ Quốc phòng giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc được 5 lần (năm 2018 tổ chức tại tỉnh). Cùng với đó, các hoạt động đối ngoại, giao lưu nhân dân cũng được cấp ủy chính quyền quan tâm chú trọng, đến nay đã tổ chức kết nghĩa được 8 cụm dân cư hai bên biên giới. 


Tỉnh Cao Bằng cũng thực hiện tốt việc khảo sát năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nắm chắc tiềm lực quốc phòng đối với các thành phần kinh tế phục vụ nhiệm vụ xây dựng KVPT, đã tiến hành khảo sát năng lực sản xuất sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh được 19 doanh nghiệp, đa số các doanh nghiệp đều đáp ứng nhu cầu sản xuất, sửa chữa khi có nhu cầu động viên quốc phòng theo quy định.


Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ QS, QP, trọng tâm là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ, trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo xây dựng LLVT vững mạnh về mọi mặt, trình độ, khả năng SSCĐ ngày càng nâng lên. Thực hiện nghiêm chế độ trực SSCĐ, luyện tập các phương án bảo đảm an ninh, an toàn; huấn luyện sát với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của địa phương, gắn chặt với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, bảo đảm 100% nội dung, chương trình theo quy định, kết quả kiểm tra hằng năm 100% nội dung đạt yêu cầu, có 85% đạt khá, giỏi. Đồng thời, đã chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt chất lượng công tác bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng và giáo dục QPAN cho học sinh, sinh viên.


Tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Luật DQTV, Pháp lệnh DBĐV. Các huyện, thành phố tổ chức tập huấn, xây dựng lực lượng, huấn luyện DQTV đủ quân số, có chất lượng, theo đúng kế hoạch; chất lượng huấn luyện DQTV từng bước được nâng lên. Đến nay đã thành lập 13 chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn hoạt động có hiệu quả. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được thực hiện tốt, trong 5 năm bảo đảm giao đủ 100% chỉ tiêu, chất lượng tốt. Quan tâm tổ chức đăng ký, quản lý, đào tạo nguồn DBĐV, sắp xếp và thực hành động viên huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên bàn giao cho các đầu mối đơn vị chặt chẽ, đúng quy định, luôn hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao...


Năm 2019, kỷ niệm 30 năm Ngày hội QPTD và 75 năm ngày thành lập quân đội, tỉnh Cao Bằng nói chung, huyện Nguyên Bình nói riêng tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giúp tỉnh xây dựng, phát triển kinh tế gắn với tăng cường QPAN. Trong đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo một số hạng mục Khu di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo và hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 2 xã Tam Kim, Hoa Thám (huyện Nguyên Bình). Qua đó, giúp Đảng bộ và nhân dân vùng căn cứ địa cách mạng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, củng cố tiềm lực QPAN, thế trận lòng dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, luôn giữ vững ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược.


Từ những kết quả đạt được trong những năm qua, thời gian tới, tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững. Đồng thời, quá trình phát triển kinh tế luôn chú trọng kết hợp chặt chẽ với tăng cường QPAN, đặc biệt là an ninh biên giới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 


Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với QPAN, tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:


Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về công tác QS, QP, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, quân sự, Nghị định của Chính phủ về KVPT. Đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, LLVT, địa phương và toàn dân về vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của xây dựng nền QPTD đối với sự nghiệp BVTQ. 

Hai là, ban hành đầy đủ hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng nền QPTD, chỉ đạo công tác quốc phòng quân sự địa phương. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền QPTD vững mạnh, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện có trọng tâm, trọng điểm. Kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế- xã hội với xây dựng tiềm lực QPAN và công tác đối ngoại; phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng trong KVPT. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định 77/2010/NĐ-CP, Nghị định 133/NĐ-CP, Nghị định 160/NĐ-CP của Chính phủ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch, không để bị động bất ngờ.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng từ tỉnh, huyện đến cơ sở đối với nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền QPTD trên địa bàn tỉnh bảo đảm tính toàn diện, tập trung có trọng điểm nhất là về xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học - công nghệ, tiềm lực quân sự - an ninh; xây dựng lực lượng và thế trận QPTD, an ninh nhân dân vững mạnh, đảm bảo xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra.

Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT địa phương thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nâng cao chất lượng phát triển Đảng trong lực lược DQTV, DBĐV theo kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị.

Năm là, tiếp tục thực hiện đúng cơ chế Đảng lãnh đạo; chính quyền quản lý, điều hành đối với xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Phát huy nguồn lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các lực lượng trên địa bàn để tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.

 

HOÀNG XUÂN ÁNH, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng