Ngày 17-1, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

 


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tới dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Cùng dự còn có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng...; đại diện các bộ, ngành Trung ương; địa phương...

Năm 2019, Ban Kinh tế Trung ương đã đăng ký và được Bộ Chính trị giao chủ trì xây dựng 8 Đề án lớn. Đến nay, cả 8 Đề án đều đã được hoàn thành, trong đó: Bộ Chính trị đã thông qua 6 đề án lớn và ban hành 2 nghị quyết (Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10-12-2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045); 3 kết luận (Kết luận số 54-KL/TW ngày 7-8-2019 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23-8-2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) và 1 nghị quyết đang trình để ban hành (Nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045); 2 đề án đang chờ lịch họp Bộ Chính trị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, công chức, người lao động Ban Kinh tế Trung ương. Sau 7 năm tái lập, đặc biệt năm 2019, hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương đã ngày càng toàn diện; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ban đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu, đề án, báo cáo quan trọng được Trung ương thông qua, đồng thời, công tác thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đã được triển khai một cách thực chất, sát thực tiễn... Những kết quả đạt được rất tích cực, góp phần quan trọng vào thành công toàn diện của đất nước trong năm 2019.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế mà Ban Kinh tế Trung ương cần thẳng thắn nhìn nhận như: Chất lượng nghiên cứu, đề xuất không phải đề án nào cũng tốt. Cụ thể, một số đề án chất lượng chưa cao, chưa kịp tiến độ, chưa đột phá về tư duy phát triển, chưa thực sự là kênh dẫn dường mở lối phù hợp với xu thế phát triển mới, chưa kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập để đề xuất điều chỉnh.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Ban Kinh tế Trung ương cần thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Thứ nhất, Ban Kinh tế Trung ương cần là cơ quan tiên phong trong đổi mới tư duy, dẫn dắt định hướng sự phát triển của đất nước thông qua việc thực hiện hóa các đề xuất, kiến nghị của Ban thành nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư.

Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các vấn đề mang tầm chiến lược cho đất nước cần phải thúc đẩy mạnh mẽ ngay trong năm 2020. Thủ tướng nêu ra một vài vấn đề như với biến đổi khí hậu, mô hình kinh tế nào sẽ giảm thiểu tiêu cực từ biến đổi khí hậu với nước ta hay trong giai đoạn tới, cần điều chỉnh chiến lược công nghiệp hóa như thế nào nhất là trong cam kết chống biến đổi khí hậu của nước ta với thế giới,…

Thứ ba, Thủ tướng nêu vấn đề Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về biển. Theo tính toán của tổ chức quốc tế, những nước có biển hoặc liên quan đến biển có 63% GDP tăng trưởng từ biển, từ kinh tế biển. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam chưa làm tốt vấn đề này, nhiều đề án chưa thành công. 7 tỉnh miền tây rộng lớn nhiều tài nguyên nhưng GDP còn thấp, chỉ chiếm 7% GDP cả nước. Thủ tướng đưa ra câu hỏi, đường lối phát triển kinh tế biển cần đặt ra như thế nào để tạo động lực, phát huy tiềm năng kinh tế biển rất lớn như nước ta. Cùng với đó, Thủ tướng cho rằng, cần làm sao tận dụng được cơ cấu doanh thu vào cho phát triển và có cách nào để phát triển mạnh mẽ hơn nữa tầng lớp trung lưu để các tầng lớp này trở thành một lực lượng quan trọng, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho đất nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần có cơ chế đột phá để thúc đẩy kinh tế vùng làm cho các vùng kinh tế không bị cát cứ như thời gian qua. Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng, mô hình đặc khu kinh tế đã giúp nhiều quốc gia vươn lên, nhanh chóng tham gia vào nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển. Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như Chính phủ nghiên cứu, xử lý vấn đề liên quan đến mô hình đặc khu. Đồng thời, Ban Kinh tế Trung ương sẽ cùng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn vấn đề đang gặp nhiều vướng mắc, bất cập hiện nay như quản lý đất đai, tài nguyên, quản lý tài chính công, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển mô hình kinh tế tập thể,… để tìm lời giải tốt hơn cho sự phát triển của đất nước.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, trong thời gian tới Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định các đề án, dự án; đề cao tính khoa học, khách quan, phản biện, bảo đảm đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, nâng cao chất lượng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện những bất hợp lý trong thể chế pháp luật, cơ chế chính sách trong tổ chức thực hiện, từ đó đề ra những giải pháp thúc đẩy sự phát triển. Bên cạnh đó, Ban Kinh tế Trung ương cần quan tâm xây dựng đào tạo đội ngũ cán bộ công chức có chất lượng cao, có bản lĩnh, kinh nghiệm, trình độ, thu hút được nhiều chuyên gia giỏi cộng tác với Ban Kinh tế Trung ương. Xây dựng một tập thể đoàn kết, trên dưới một lòng, tạo động lực cho cán bộ làm việc, cống hiến với tinh thần phụng sự. Đồng thời thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Ban Kinh tế Trung ương và Ban Cán sự Đảng Chính phủ.

Thủ tướng đưa ra quan điểm, các địa phương nào năng động, chủ động, quyết liệt tạo môi trường đầu tư kinh doanh thì địa phương đó phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương sáng tạo, quyết liệt vận dụng đường lối thể chế, pháp luật phát triển vào địa phương mình. Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương luôn lắng nghe, tháo gỡ phối hợp với các địa phương tìm ra hướng đi, cách làm thích hợp nhất để giải quyết vấn đề phát triển đất nước, đời sống của người dân. 

QĐND