Ngày 28/1 (rạng sáng 29/1 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông được dư luận chờ đợi lâu nay, trong đó đề xuất giải pháp “hai nhà nước” cùng tồn tại cho Israel và Palestine.

 


Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. Ảnh: CNN

Phát biểu tại cuộc họp báo từ Phòng Phía Đông trong Nhà Trắng khi đứng cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Trump đã công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông của Chính quyền Washington mà ông gọi là "Thỏa thuận Thế kỷ".

Nội dung quan trọng của kế hoạch hòa bình dài 80 trang này là nhà lãnh đạo Mỹ đề xuất giải pháp "hai nhà nước một cách thực tế" cho Israel và Palestine, theo đó thành lập Nhà nước Palestine trong tương lai với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, tùy thuộc vào những bước đi mà người Palestine sẽ thực hiện để trở thành một chính quyền tự quản. Đồng thời, Jerusalem cũng vẫn sẽ là thủ đô "không thể tách rời" của Israel.

Kế hoạch của Tổng thống Trump công nhận các khu định cư Do Thái của Israrel ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng, đổi lại Israel đồng ý ngừng xây dựng các khu định cư mới trong vòng 4 năm.

Ông chủ Nhà Trắng cho biết kế hoạch hòa bình nói trên sẽ là cơ sở để Israel và Palestine xúc tiến các cuộc đàm phán trực tiếp trong tương lai và kế hoạch này đã đáp ứng được "nhiều ranh giới đỏ" mà người Palestine đặt ra, trong đó có hai điểm được cho là quan trọng nhất: thành lập một Nhà nước Palestine và thủ đô đặt tại Đông Jerusalem.

Theo giới chức Mỹ, kế hoạch hòa bình do Tổng thống Trump đề xuất sẽ trao cho Palestine quyền kiểm soát vùng diện tích lãnh thổ lớn gấp đôi, xây dựng một đường hầm nối Bờ Tây và Dải Gaza. Bên cạnh đó, kế hoạch có một số nội dung trao đổi đất ở khu vực Nam Gaza để trao cho người Palestine nhiều lãnh thổ hơn.

Theo giới quan sát tiến trình hòa bình Trung Đông, bước tiến mang tính đột phá của thỏa thuận này đó là lần đầu tiên Israel đồng ý công nhận một Nhà nước Palestine với các đường biên giới được định rõ.

Một dải lãnh thổ nhỏ kẹt giữa biên giới Ai Cập và các khu vực được đề xuất trao đổi đất ở phía Nam Gaza vẫn sẽ là vùng lãnh thổ thuộc Israel và do Israel kiểm soát an ninh. Đây là yêu cầu từ phía Ai Cập khi nước này muốn duy trì một vùng đệm an ninh chống khủng bố.

Tổng thống Trump khẳng định: “Ngày hôm nay, Israel đã tiến một bước dài hướng tới hòa bình. Những người trẻ tuổi ở Trung Đông đã sẵn sàng cho một tương lai nhiều hy vọng hơn... Đây là cơ hội lịch sử để người Palestine cuối cùng cũng đạt được mục tiêu thành lập một nhà nước độc lập. Đây có thể là cơ hội cuối cùng mà họ sẽ có". Tổng thống Trump cho biết ông đã có các cuộc nói chuyện với giới lãnh đạo Israel và khẳng định tầm nhìn của ông mang đến cơ hội "đôi bên cùng thắng".

Về phần mình, phát biểu sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch nêu trên, Thủ tướng Israel Netanyahu đánh giá Kế hoạch Hòa bình của Chính quyền Washington đã vạch ra một "lộ trình thực tế" hướng tới việc đạt được nền hòa bình lâu dài tại khu vực này. Ông nói: "Hôm nay, Ngài đã phác họa một tươi lai tươi sáng, một tương lai tương sáng cho cả người Israel, người Palestine lẫn khu vực bằng việc đề xuất một lộ trình hòa bình đầy thực tế hướng tới nền hòa bình bền vững".

Phản ứng với động thái trên, cùng ngày, quan chức cấp cao thuộc phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza Sami Abu Zuhri tuyên bố những phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ Trump về Kế hoạch hòa bình Trung Đông là "mang tính khiêu khích". Theo ông Zuhri, các đề xuất của Tổng thống Trump đối với Jerusalem là "vô nghĩa", khẳng định Jerusalem sẽ mãi mãi là vùng đất của người Palestine.

Hai phong trào đối địch của người Palestine là Hamas và Fatah sẽ cùng tham dự một cuộc họp chung hiếm hoi ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây nhằm thảo luận các nỗ lực chung phản đối "kế hoạch hòa bình Trung Đông" của Tổng thống Trump.

Giới chức Palestine cho biết Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế không tham gia kế hoạch trên (của Mỹ) bởi điều đó vi phạm luật pháp quốc tế".

Dư luận quốc tế có những phản ứng trái chiều về diễn biến này. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết London đánh giá Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Trump có thể là một bước tích cực. Trong khi đó, cố vấn cấp cao của Tổng thống Iran, ông Hesameddin Ashena, chỉ trích "đây chỉ là thỏa thuận của riêng Israel và Mỹ. Đó không phải là một kế hoạch hòa bình, mà là một kế hoạch lừa bịp và trừng phạt".

TTXVN