Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thương nhân giàu có song sớm được giác ngộ cách mạng, hai chị em bà Mỹ Nhung, Mỹ Linh sớm xác định lý tưởng “Tổ quốc là trên hết” sẵn sàng dấn thân vào tận sào huyệt của kẻ thù. Cuộc đời hoạt động của các chiến sĩ tình báo đầy ly kỳ, chông gai, cống hiến hy sinh thầm lặng cho ngày đất nước được thống nhất. Những chiến công của chị em bà Mỹ Nhung, Mỹ Linh đã tô thắm thêm truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của Phụ nữ Việt Nam, làm rạng danh “Gái Nội Duệ- Cầu Lim” của quê hương Tiên Du (Bắc Ninh) Anh hùng.

 


Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Bí danh Tám Thảo) cùng các đồng đội, người thân, cán bộ Tổng cục II tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Khó có thể kể hết những trận đấu trí căng thẳng với kẻ thù của các chiến sĩ tình báo trong Cụm tình báo H63 góp vào chiến công của nhân dân cả nước trong cuộc Tổng tiến công vang dội mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thành tích chung của H63 có phần đóng góp quan trọng của gia đình và hai chị em ruột bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Bí danh Tám Thảo), Nguyễn Thị Mỹ Linh (Bí danh Chín Chi). Năm 2018, bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Những năm đầu 1940, tiệm vải tơ lụa Tân Mỹ nổi tiếng khắp Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) bởi sự phong phú và chất lượng của các chủng loại sản phẩm. Chủ cửa hàng là thương nhân Nguyễn Đăng Phong quê ở thôn Duệ Bao, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi đưa cả gia đình vào Nam lập nghiệp, thương nhân Nguyễn Đăng Phong không chỉ tạo dựng nên Thương hiệu tơ lụa Tân Mỹ nức tiếng gần xa mà còn bởi lòng nghĩa hiệp sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ người yếu thế và tư duy tiến bộ khi đầu tư cho 8 người con được ăn học. Cụ Nguyễn Đăng Phong tham gia phong trào Việt Minh tổ chức cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật ở Bạc Liêu, cụ bà Đào Thị Tư tích cực ủng hộ “Tuần lễ Vàng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.
Mặc dù được nuôi dưỡng trong một gia đình “đại gia” nức tiếng đất Đô thành nhưng các con cụ Phong đều ham học và sớm giác ngộ cách mạng. Người con trai cả vào quân ngũ và hy sinh ở Bình Dương. Người con thứ hai Nguyễn Đăng Hy theo học chuyên ngành Y khoa, sau này trở thành Giáo sư - Tiến sĩ khoa học chuyên ngành về Tim mạch.  
Hồi nhỏ, chị em bà Mỹ Nhung chỉ chuyên tâm học tập, đọc sách. Những câu chuyện về một lớp thanh niên trí thức làm cách mạng lôi cuốn bà suốt một thời thiếu nữ. Năm 1948, gia đình bà rời Sài Gòn về tỉnh Vĩnh Long. Hàng ngày, tiểu thư Nhung được tận mắt chứng kiến cảnh các chị trong Hội Phụ nữ đi rải truyền đơn bằng cách kín đáo đặt lên một góc xe hơi, đợi đến khi xe nổ bánh, gió thổi tung những lá truyền đơn lên không trung. Bà Nhung hồi tưởng: Cách rải truyền đơn của Phụ nữ Vĩnh Long... “đẹp hơn cả trong tiểu thuyết!”. 

Cụm Tình báo quân sự H.63 (ban đầu có tên là A18) ra đời đầu năm 1961, đóng tại căn cứ Bời Lời (tỉnh Tây Ninh) để phục vụ cho điệp viên nổi tiếng Hai Trung (tức Phạm Xuân Ẩn) được cấp trên cử đi nước ngoài học. Sau khi từ Mỹ trở về, Hai Trung hoạt động giữa Sài Gòn với tư cách phóng viên báo nước ngoài do Mười Nho (Nguyễn Nho Quý - cán bộ cục Tình báo) trực tiếp chỉ đạo. Năm 1962, Mười Nho bị bệnh, không thể chỉ huy H.63, Tư Cang được lựa chọn lên thay thế. Cụm Tình báo H.63 được đánh giá là mạng lưới tình báo hoạt động hiệu quả nhất với những điệp viên tiêu biểu: Tư Cang, Hai Trung, Tám Thảo, Mười Nho, Nguyễn Thị Ba,... Năm 1971, trước khi miền Nam được giải phóng, cụm Tình báo H.63 đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Quân số toàn Cụm có tất cả 45 người, trong quá trình hoạt động hy sinh 27 người, 13 người bị thương.


Nhiều lần xin các cô, các chị cho đi theo rải truyền đơn nhưng bà Mỹ Nhung (khi đó 16 tuổi) đều bị “chê” vì “còn con nít”. Mãi đến sau này, khi thực sự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, trở thành cán bộ cách mạng, nếm trải ranh giới khốc liệt giữa cái sống và cái chết, bà Nhung mới hiểu rằng các cô, các chị lo cho mình còn trẻ quá, tham gia làm cách mạng gian khổ, khoảnh khắc “đẹp hơn cả trong tiểu thuyết” ấy chỉ là phút giây thăng hoa của thiếu nữ mê tiểu thuyết. “Cuộc đời tôi có nhiều cái may mắn, thuở bé đã được gặp một trong những Anh hùng tình báo vĩ đại nhất Việt Nam, được làm đồng đội với anh Phạm Xuân Ẩn, Mười Nho, Tư Cang...” Bà Nhung nhớ lại.
Thời kỳ đầu, khi được các cô, các chị trong Hội Phụ nữ đồng ý cho tham gia làm cách mạng, nhiệm vụ của bà Nhung là tập chèo thuyền để đưa đón cán bộ hàng ngày qua khúc sông gần nhà. Chính những lần gặp gỡ cán bộ, bà được giác ngộ, giáo dục lý tưởng cách mạng. Những bài học không có trong giáo trình nhà trường hay chiến trường đến nay nguyên vẹn trong tâm trí bà Nhung.
Hai năm sau, khi vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Thị Mỹ Nhung được kết nạp Đảng với tên gọi mới Nguyễn Thị Yên Thảo - Tám Thảo. Cũng trong năm 1951, thương nhân Nguyễn Đăng Phong cũng trở thành đảng viên. Nhớ lại giây phút biết tin ba cũng vào Đảng, bà Nhung chọc ba: “đồng chí ba bằng tuổi Đảng với con”.
Năm 1954, khi Hiệp định Geneve được ký kết, bà Nhung xin tập kết ra Bắc để gặp người yêu. Ông Mười Hương (chỉ huy trực tiếp của bà lúc bấy giờ) thuyết phục bà ở lại. Là một nhà tình báo, điệp viên lão luyện, ông Mười Hương hiểu rõ, cuộc chiến trong Sài Gòn sắp tới có thể sẽ khốc liệt hơn, không dễ gì tìm ra một gia đình tư sản yêu nước ngay trong nội thành như nhà bà Nhung. Khi nghe ông Hương thổ lộ: “Em mà ra Bắc, không ai liên lạc được với gia đình thì cơ sở mất một căn cứ tốt”. Đắn đo một lúc, bà Nhung trả lời: “Vâng, thế em ở lại. Tổ quốc là trên hết”.


Bà Tám Thảo hồi trẻ.


Năm 1966, theo yêu cầu của tổ chức, chiến sĩ tình báo Tư Cang - chỉ huy lưới H.63 được điều vào nội thành hoạt động. Lúc này, gia đình Nhung là sự lựa chọn số một bởi bình phong quá an toàn. Cũng trong năm này, bà Nhung với Bí danh Tám Thảo được lệnh dừng làm liên lạc cho Hai Trung bởi công việc ngày càng phức tạp. Thay vào đó, bà tập trung học tiếng Anh, kiếm tấm bằng loại ưu để làm phiên dịch cho cố vấn Mỹ trong Bộ Tư lệnh Hải quân Ngụy. Em gái bà là Nguyễn Thị Mỹ Linh (bí danh Chín Chi) được tổ chức phân công chuyên dịch tài liệu của người Mỹ gửi về Sài Gòn ra tiếng Việt phục vụ cấp trên nghiên cứu. Chính bà Mỹ Linh là người phát hiện ra cách nghe “nói chuyện” của lính Mỹ trên không giúp cấp trên chủ động phân tích tình hình chiến trường, đề ra phương án tấn công địch từ nhiều phía.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, điệp viên Phạm Xuân Ẩn dành những dòng viết đầy trang trọng về gia đình bà Mỹ Nhung: “Năm 1960, Tám Thảo (Mỹ Nhung) chính là người đã móc nối cho Hai Trung (bí số 2T) trở lại với tổ chức. Đến sau này, khi phải chiến đấu âm thầm trong lòng địch, đôi lúc vì quá cô đơn giữa kẻ thù, Hai Trung đã tự ý tìm đến gia đình cô, để được nói chuyện, được sống thật và được cân bằng lại chính mình”.


Bước sang tuổi 90 song bà Tám Thảo vẫn có sức khỏe tốt, minh mẫn khi nhớ về những năm tháng hoạt động bí mật trong sào huyệt của địch.

Trong lời giới thiệu cuốn hồi ký Hai tiểu thư tình báo Sài Gòn của tác giả Diệu Ân, ông Trần Quốc Hương (Mười Hương), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương viết: “...gia đình chị Tám Thảo là cơ sở tin cậy của đơn vị tình báo ở nội đô Sài Gòn trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hai chị em là hai nữ chiến sĩ tình báo thông minh, gan dạ, dũng cảm, sáng tạo chui sâu vào lòng địch, lấy được nhiều thông tin cơ mật, quan trọng cung cấp cho tổ chức cách mạng. Chiến công của các chị rất to lớn nhưng vô cùng thầm lặng...”.
Sau ngày đất nước thống nhất, bà Nguyễn Thị Yên Thảo tiếp tục công tác trong lĩnh vực tình báo, đến năm 1979 chuyển ngành về công tác tại Sở Văn hóa- Thông tin thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách Trung tâm nghiên cứu dịch thuật. Năm 1993, Hội nghiên cứu dịch thuật thành phố được thành lập, bà Thảo được đề bạt làm Phó Chủ tịch Thường trực cho đến khi nghỉ hưu năm 2002. Tháng 4-2019, bà Nguyễn Thị Yên Thảo (Nguyễn Thị Mỹ Nhung) được Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Theo BaoBacNinh