Bức xúc nhà thuốc 'găm' hàng khẩu trang
Cập nhật ngày: 05/02/2020 07:06

Nhiều cửa hàng thuốc tại Hà Nội hiện nay treo biển “Không bán khẩu trang” hoặc “Hết khẩu trang, nước sát khuẩn”, nhưng khi khách hàng hỏi thì vẫn có hàng để bán hoặc bán nhỏ giọt.

 


Nhiều nhà thuốc treo biển không bán khẩu trang.

Dạo quanh các phố tập trung nhiều cửa hàng thuốc như Phương Mai, Phủ Doãn… nhiều cửa hàng đồng loạt treo biển không bán hoặc hết khẩu trang. Tuy nhiên, khi được hỏi vẫn có cửa hàng còn khẩu trang bán cho khách.

Có mặt tại hiệu thuốc V.Đ2 trên phố Phủ Doãn vào tối ngày 3/2, mặc dù trước cửa hàng có treo biển “Nhà thuốc không bán khẩu trang”, nhưng khi được hỏi, nhân viên ở đây vẫn mang ra một hộp khẩu trang có giá 150.000 đồng/hộp loại 4 lớp. Sau khi phóng viên ngỏ ý muốn mua thêm, thì người bán tự tin hỏi mua mấy hộp rồi mang từ bên trong ra. 

Tuy nhiên, đến chiều ngày 4/2, khi phóng viên quay lại hiệu thuốc trên, thì đã có nhân viên khác bán và thông báo không có khẩu trang bán.

Tại phố Phương Mai, nhiều hiệu thuốc cũng treo biển tương tự. Mặc dù cửa hàng H.P treo biển “Hết hộp khẩu trang, nước rửa tay. Tặng bệnh nhân mỗi người 1 chiếc khẩu trang”, nhưng khi được hỏi, nhân viên ở đây cho biết có bán, nhưng chỉ bán theo chiếc, mỗi người được mua 2 - 3 chiếc với giá 5.000 đồng/chiếc.


Một số quầy thuốc treo biển mỗi khách chỉ được mua 3 hộp một lần.

Một số nhà thuốc chỉ còn loại khẩu trang 3D Mask loại hộp 10 chiếc hoặc 5 chiếc. Giá bán mỗi chiếc là 6.000 đồng. Tại nhà thuốc P.M có dán giấy thông báo “Khách hàng vui lòng mua loại khẩu trang 60.000 đồng/hộp 10 cái. Mỗi người mua tối đa 3 hộp. Tất cả chung tay đẩy lùi đại dịch...”.


Có nhà thuốc treo biển hết khẩu trang, nhưng vẫn bán nhỏ giọt 2 - 3 chiếc, với giá 5.000 đồng/chiếc.

Tại chợ thuốc Hapulico lớn nhất Hà Nội, nhiều cửa hàng trên đường Vũ Trọng Phụng đều treo biển không bán khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn. 

Trước đó, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra các quầy thuốc tại đây và nhiều cửa hàng bị phát hiện vi phạm khi không niêm yết giá, bán giá cao... Điều đáng nói, chỉ vài ngày sau khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, tại chợ thuốc Hapulico, hầu hết quầy thuốc ngay lập tức treo biển "không bán khẩu trang, nước rửa tay, đừng hỏi!".

Thậm chí, trên mạng xã hội còn xuất hiện các dòng trạng thái kêu gọi các nhà thuốc không nhập khẩu trang và bán khẩu trang của một nhóm kinh doanh được cho từ chợ thuốc Hapulico.

Trước thông tin trên, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định, khẩu trang không nằm trong danh sách hàng bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá.

Tuy nhiên, đối với hành động cố tình không bán, găm hàng, đầu cơ trục lợi cũng có thể bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Cơ quan quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh kiểm tra những trường hợp cố tình bán sai quy định.

Ngày 3/2, lực lượng Quản lý thị trường Đắk Lắk phát hiện nhà thuốc Mạnh Đức (đường Lý Thái Tổ, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) không bày bán khẩu trang y tế và nhân viên cho biết, nhà thuốc đã hết mặt hàng này. Tuy nhiên, kiểm tra trên gác lửng của nhà thuốc này, tổ công tác đã phát hiện 39 hộp được cất giấu trong thùng carton có 1.950 khẩu trang y tế. Thời điểm kiểm tra, nhân viên ở đây đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số khẩu trang nói trên.

Ngoài hành vi "găm" hàng, nhà thuốc này còn vi phạm không thực hiện việc mở sổ theo dõi hoạt động mua bán thuốc. Theo quy định, với cả 2 hành vi, nhà thuốc này sẽ bị xử phạt hành từ 28 - 30 triệu đồng và tước giấy phép từ 3 - 6 tháng. Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đang xem xét để ra quyết định xử lý đối với nhà thuốc này.

Trước diễn biến thị trường ngày càng phức tạp, Tổng cục Quản lý thị trường đã thành lập Tổ thường trực phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Tổ thường trực có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch trên phạm vi cả nước, bao gồm: Công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý, đặc biệt là trang thiết bị y tế dùng để bảo vệ sức khỏe phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá hàng hóa do dịch bệnh của virus Corona.

TTXVN