Dịch nCoV hiện diễn biến phức tạp, thay vì đến mua sắm tại các cửa hàng, siêu thị, TT thương mại… nhiều người dân đã chuyển sang mua sắm trực tuyến.

 

Xu hướng mua sắm online hay mua sắm trực tuyến đang nở rộ và phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Đáng nói, 2 tuần trở lại đây, khi mà dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra bùng phát mạnh thì nhu cầu mua sắm online của người tiêu dùng đã tăng đột biến.

Chị Đào Ngọc Huyền, chủ một shop Mỹ phẩm trên phố Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, mặc dù buôn bán nhỏ lẻ nhưng từ thời điểm dịch nCoV bùng phát và xuất hiện ở Việt Nam, cửa hàng của chị cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, doanh thu giảm xuống rõ rệt do lượng người đi mua sắm không nhiều như trước. Để “cứu vãn” tình hình, chị đã kết hợp giữa bán trực tiếp và bán hàng online. Hàng ngày, chị đăng các sản phẩm lên trang cá nhân Facebook và Zalo. Đáng mừng, doanh thu bán hàng đã được cải thiện, mỗi ngày chị nhận được từ 10-15 đơn hàng.


Các mặt hàng y tế được rao bán nhiều trên các kênh mua sắm trực tuyến.

 

“2 tuần nay, tôi nhận các đơn đặt hàng qua mạng xã hội khá nhiều, trung bình từ 60 – 70 đơn hàng/ngày, lượng người đặt hàng tăng gần 2 lần so với thời điểm dịch nCoV chưa phát triển mạnh”, đó là chia sẻ của chị Trần Ngọc Hà, một người bán đồ gia dụng online nhiều năm nay. Do lượng đơn hàng tăng mạnh, chị Hà phải thuê thêm người làm cùng, nhận đơn, lên đơn rồi thuê ship…

Chị Hà cho hay, nắm bắt được tâm lý hạn chế ra ngoài mua sắm của người tiêu dùng để phòng chống dịch, chị đã nhập thêm nhiều mẫu mã hàng hóa về, đảm bảo giá cả ổn định, không tăng giá.

Không chỉ bán lẻ trên trang cá nhân, tại các group như: Chợ quê, Bán giỏi và mua khéo, nhóm mua bán chung, bachhoaxanh.com, shopee… lượng người mua – bán online cũng tăng mạnh. Những kênh mua sắm này đều tập trung và ưu tiên giới thiệu những sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng dược phẩm (khẩu trang y tế, nước rửa tay), thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, vệ sinh cá nhân, chăm sóc nhà cửa…

Ở góc độ người tiêu dùng, anh Đào Văn Quang ở Mễ Trì cho biết, trong bối cảnh đại dịch virus corona đang có chiều hướng gia tăng, gia đình anh rất hạn chế ra ngoài ăn uống, mua sắm, đến những chỗ đông người. Khi có nhu cầu mua mặt hàng nào đó, vợ chồng anh lên mạng tìm kiếm và đặt hàng nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả gia đình và góp phần phòng chống dịch nCoV.

Cùng quan điểm, chị Nguyễn Hồng Hạnh ở Ngọc Hà (Ba Đình) chia sẻ, mặc dù mua hàng trực tuyến có sự hạn chế là một số mặt hàng chưa đa dạng và phải chờ 1 ngày hoặc 2,3 ngày mới được giao hàng, nhiều khi chất lượng hàng hóa không được như mong muốn nhưng trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì mua sắm online vẫn được chị và nhiều người tiêu dùng lựa chọn…


Đồ gia dụng, đồ dùng thiết yếu cũng được nhiều shop hàng online quan tâm và đăng bán.

 

Ghi nhận của phóng viên VOV, trong khoảng 2 tuần vừa qua, doanh số của các kênh bán hàng trực tuyến ở Hà Nội có dấu hiệu tăng trưởng mạnh, trong khi đó các kênh bán hàng truyền thống (chợ), kênh bán hàng hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) lại có phần chững lại.

Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia kinh tế thị trường nhận định, trong bối cảnh thị trường mua sắm trực tuyến đang bùng nổ và cạnh tranh, các đơn vị kinh doanh kênh mua sắm này đều “chạy đua” để chiếm lĩnh thị phần trong cuộc chiến giao hàng nhanh.

Thống kê nhanh từ GoViet trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua cho thấy, từ ngày 17/1 đến ngày 2/2 (tức từ 23 tháng Chạp đến hết mùng 9 Tết), đã có gần 900.000 đơn hàng ẩm thực được đặt qua nền tảng GoFood, mang lại cho các đối tác nhà hàng doanh thu hàng chục tỷ đồng, tăng 120% so với Tết năm 2019.

Cùng với sự nở rộ của những kênh mua sắm trực tuyến, giao hàng nhanh, người tiêu dùng ngày càng có nhiều cơ hội mua sắm trực tuyến dễ dàng hơn, tiện lợi hơn và tiết kiệm được nhiều thời gian di chuyển, chọn lựa. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần thận trọng trong việc mua sắm để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng./.

Theo VOV