Tác phẩm tham dự Cuộc thi báo chí “Việt Bắc - Quân khu 1 trưởng thành và phát triển” Giúp chiến sĩ mới tự tin hòa nhập môi trường quân đội
Cập nhật ngày: 20/02/2020 09:24

Năm 2020, Lữ đoàn Phòng không 210 được giao tiếp nhận, quản lý, huấn luyện hơn 200 chiến sĩ mới, là thanh niên các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên và Lạng Sơn. Đơn vị đã tích cực chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, giúp chiến sĩ mới nhanh chóng hòa nhập môi trường quân đội.


Chúng tôi đến Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 khi đơn vị đang tổ chức đo thân nhiệt cho chiến sĩ trước khi bước vào nội dung huấn luyện trong ngày. Đại úy Lưu Văn Thanh, Đại đội trưởng Đại đội 2 cho biết: Đơn vị được Lữ đoàn trang bị một máy kiểm tra thân nhiệt; đồng thời quy định trước cửa mỗi trung đội hay cửa nhà ăn tập trung phải bố trí chậu nước sát khuẩn để bộ đội rửa tay thường xuyên. Ngay sau khi đón tân binh về đơn vị, Bệnh xá Lữ đoàn đã tiến hành khám kiểm tra sức khỏe. Hằng ngày, trước khi bước vào huấn luyện hay trước giờ ăn, bộ đội đều được kiểm tra thân nhiệt.

 


Chiến sĩ mới Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Phòng không 210 trong giờ huấn luyện điều lệnh đội ngũ.


Tại vị trí phòng nghỉ tập trung của Trung đội 1, Đại đội 2, đơn vị đang tổ chức huấn luyện điều lệnh quản lý bộ đội cho chiến sĩ mới về nội dung xây dựng chính quy. Quan sát đội ngũ cán bộ làm mẫu cách gấp chăn màn, các tân binh thể hiện rõ sự hào hứng. Chiến sĩ Tàng Văn Thái, dân tộc Tày, quê ở xã Sàn Viên, huyện Lục Bình, tỉnh Lạng Sơn tâm sự: Về đơn vị tôi thấy cái gì cũng nghiêm, cũng chuẩn, từ cách phơi khăn mặt, quần áo cho đến việc gấp chăn màn… việc nào cũng phải gọn gàng, ngăn nắp, khác hẳn với nếp sinh hoạt lúc còn ở nhà. Ban đầu mới thực hiện cũng cảm thấy hơi căng thẳng, nhưng tôi tin chúng tôi sẽ sớm làm được như các đồng chí chiến sĩ cũ.

Cùng chung suy nghĩ, chiến sĩ Ngô Đức Mạnh, quê ở xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên bộc bạch: Vừa về đơn vị, chúng tôi đã thấy biển tên của từng người tại phòng ở; cán bộ các cấp rất chu đáo tận tình hướng dẫn cách sắp xếp quân tư trang cho gọn gàng, ngăn nắp. Đáp lại tình cảm đó, tôi sẽ noi gương chỉ huy, phấn đấu học tập, rèn luyện tốt.
Trao đổi với Đại tá Tô Quang Vinh, Chính ủy Lữ đoàn về công tác huấn luyện chiến sĩ mới, chúng tôi được biết: Đảng ủy Lữ đoàn ra nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo các đơn vị rà soát, lựa chọn, biên chế khung huấn luyện; đồng thời tổ chức tập huấn cán bộ, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực tổ chức quản lý, chỉ huy bộ đội; thống nhất nội dung, phương pháp huấn luyện, phổ biến kinh nghiệm huấn luyện chiến sĩ mới của những năm trước. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với địa phương, gia đình trong quản lý, giáo dục chiến sĩ mới.

Để quản lý, huấn luyện tốt chiến sĩ mới ngay từ những ngày đầu, Lữ đoàn đã đầu tư kinh phí, nhân lực, tiến hành củng cố, làm mới thao trường, bãi tập, mô hình học cụ, thông qua giáo án và bảo đảm vật chất huấn luyện. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn vị tăng cường các biện pháp bảo đảm sức khỏe bộ đội, mỗi cá nhân khi qua cổng đều được kiểm tra thân nhiệt, các phương tiện được phun khử trùng diệt khuẩn trước khi vào đơn vị.

Những ngày đầu quân ngũ là quãng thời gian để lại những ấn tượng sâu sắc, lưu giữ nhiều kỷ niệm khó quên đối với mỗi người chiến sĩ. Để những ngày tháng đó thành kỷ niệm đẹp, tạo động lực phấn đấu cho chiến sĩ ngay từ ngày đầu tiên, Trung úy Hoàng Văn Tuấn, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 cho biết: Đội ngũ cán bộ từ tiểu đội đến đại đội luôn thấm nhuần quan điểm: Lấy giáo dục, thuyết phục là chính, kiên trì, nhẫn nại hướng dẫn chiến sĩ từ những việc nhỏ nhất, như: Cách sắp xếp giày dép, gấp chăn màn; chấp hành nền nếp, chế độ ngày, tuần, đến những việc mới và khó hơn, như: Huấn luyện điều lệnh đội ngũ, huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh... Chiến sĩ còn yếu nội dung nào trong huấn luyện đều được cán bộ bố trí thời gian ngoài giờ để kèm cặp, giúp đỡ, huấn luyện bổ sung.

Không chỉ gần gũi, sẻ chia những khó khăn với chiến sĩ trẻ, đội ngũ cán bộ các cấp trong đơn vị còn chú trọng việc phát huy vai trò, khả năng của từng người. Đại tá Tô Quang Vinh, Chính ủy Lữ đoàn cho biết thêm: “Trong số chiến sĩ mới nhập ngũ về đơn vị năm nay có 85 đồng chí viết đơn tình nguyện nhập ngũ; 41 đồng chí tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp và 1 đảng viên. Những đồng chí này không chỉ có trình độ mà còn có kinh nghiệm, vốn sống hơn các chiến sĩ khác. Lữ đoàn đã chỉ đạo đơn vị bồi dưỡng cách thức, kinh nghiệm để những chiến sĩ này cùng với cán bộ tiểu đội tham gia nắm bắt, động viên tư tưởng và giúp các đồng đội khắc phục khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật”.

Khó khăn lớn nhất đối với chiến sĩ mới là yêu cầu cao về tính kỷ luật và cường độ huấn luyện, rèn luyện cao của quân đội. Nhiều chiến sĩ trước khi nhập ngũ đã quen sinh hoạt không đúng giờ giấc; nay phải làm việc, sinh hoạt theo nền nếp, chế độ sẽ cảm thấy bị gò bó, dễ nảy sinh tư tưởng chán nản. Sự gần gũi, giúp đỡ của đội ngũ cán bộ những ngày qua đã giúp các đồng chí chiến sĩ mới của Lữ đoàn 210 vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, nhanh chóng bắt nhịp với nhịp sống quân ngũ. Đó là cơ sở để đơn vị phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới năm 2020.

Bài và ảnh: NGỌC ANH