Theo các nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, máy bay ném bom tàng hình tương lai B-21 Raider sẽ không thực hiện tác chiến ở độ cao thấp. Thông tin trên được giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định dựa trên hình dáng khí động học của máy bay B-21 và được giới chức Không quân Mỹ thừa nhận.

Theo cổng thông tin quân sự Aviation Week, để máy bay B-21 Raider vượt qua các bài thử nghiệm hàng không, Không quân Mỹ buộc phải cung cấp một số thông tin liên quan tới thiết kế và tính năng chiến đấu của dòng máy bay ném bom tương lai này. Chính từ những công bố này, một số khả năng chiến đấu của máy bay B-21 đã được tiết lộ.


Máy bay ném bom B-21 Raider.

Giới chức Không quân Mỹ cho biết, thiết kế tính năng chiến đấu của máy bay B-21 có nhiều điểm tương đồng với máy bay ném bom B-2 Spirit ở thiết kế đầu tiên. Chúng đều được thiết kế phù hợp để hoạt động ở độ cao lớn. Tuy nhiên, thiết kế của máy bay B-2 đã phải thay đổi ở phút chót để phù hợp với yêu cầu của Lầu Năm góc. Hãng chế tạo Northrop Grumman đã phải thiết kế lại phần đuôi máy bay dạng răng cưa thay vì kiểu chữ W để B-2 có thể bay ở độ cao thấp, giống như các dòng máy bay ném bom tầm xa của Không quân Mỹ thời điểm đó như B-52 và B-1B.

Ngoài thiết kế, trong quá trình hoạt động, máy bay B-21 cũng phát ồn ít hơn so với các dòng máy bay B-1B và B-52. Giới chức Không quân Mỹ cho rằng, mức độ phát ồn của B-21 gần tương đương với máy bay B-2. Điều này được giải thích bằng việc B-21 cũng sử dụng động cơ phản lực không có chế độ đốt tăng lực và có tốc bay ở dải cận âm.

Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, chuyến bay đầu tiên của nguyên mẫu máy bay B-21 Raider có thể diễn ra trong năm 2021 và đưa vào trang bị Không quân Mỹ vào năm 2025.

B-21 Raider được xếp thuộc lớp máy bay ném bom tàng hình thế hệ thứ 5. Dòng máy bay ném bom mới của Mỹ sử dụng cơ cấu khí động học cánh bay, tương tự như máy bay ném bom B-2 Spirit.


Hình dạng của máy bay B-21 (bên phải) có nhiều điểm khác biệt so với máy bay B-2 Spirit (bên trái).

Dù tính năng kỹ-chiến thuật chưa được công bố chính thức, nhưng máy bay ném bom B-21 được phỏng đoán được tích hợp công nghệ tàng hình hiện tại, tầm hoạt động rộng và mang theo nhiều chủng loại vũ khí thông minh. Ngoài ra, sự tiến bộ của công nghệ trí thông minh nhân tạo cũng có thể biến B-21 trở thành phương tiện chiến đấu chiến lược có khả năng tự hành một phần hoặc hoàn toàn.

Với những thông tin được công bố, B-21 được trang bị hệ thống cảm biến, kết nối vào mạng chỉ huy trung tâm giúp tăng khả năng tác chiến và đối phó tình huống trên chiến trường. Tính tới thời điểm hiện tại, Mỹ đã chi khoảng 23,5 tỷ USD cho quá trình phát triển máy bay B-21.

QĐND