Khi dịch COVID-19 tạm lắng, Trung Quốc đã đẩy mạnh “cách mạng bàn ăn” để thay đổi truyền thống dùng đũa riêng gắp món trên bàn ăn chung.


Việc dùng đũa riêng gắp món ăn chung có thể lây truyền virus. Ảnh: Guardian

Ngày 18/1, trên 40.000 gia đình tại khu Baibuting, Vũ Hán (Trung Quốc) cùng tụ tập ăn uống mừng năm mới. Hình ảnh về sự kiện này được đăng trên truyền thông địa phương, với người dân dùng đũa gắp hàng trăm món ăn thịnh soạn trên bàn tiệc.

5 ngày sau đó, thành phố Vũ Hán bị phong tỏa và chỉ sau vài tuần, đã có vài ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại Baibuting.

Tờ Guardian (Anh) cho biết, chỉ trong vài tháng, bữa tiệc mừng năm mới tại Baibuting đã trở thành ví dụ điển hình cho thấy giới chức địa phương đã sơ hở trong ngăn chặn virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.

Do vậy, chính quyền địa phương đã khởi động chiến dịch khuyến khích người dân sử dụng dụng cụ nhà bếp đặc biệt có tên gongkuai hoặc gongshao – có nghĩa là “đũa chung”, “thìa chung” dùng để gắp thức ăn từ mâm vào bát thay vì dùng đũa cá nhân để gắp thức ăn. Các quan chức cũng khuyến khích người dân phân chia khẩu phần ăn riêng biệt thay vì phong cách gia đình với một nhóm cùng chia sẻ vài món ăn.

Nhưng điều này được đánh giá khó khả thi. Sau đại dịch SARS (2002-2003), sáng kiến tương tự được đưa ra nhưng chưa thể hiện thực hóa bởi chia sẻ thức ăn là một phần quan trọng trong đời sống xã hội Trung Quốc.

Gongkuai thường được sử dụng tại những nhà hàng sang trọng ở Trung Quốc. Nhưng đối với sinh hoạt gia đình, việc dùng gongkuai hoặc gongshao được coi là kỳ lạ và đôi khi là khiếm nhã.

Tác giả cuốn sách “Đũa: Lịch sử Văn hóa và Ẩm thực” (2015) - Q Edward Wang nhận định: “Rào cản nằm ở định nghĩa truyền thống cho rằng chúng ta phải cùng ăn và uống với nhau, không có bất cứ khoảng cách nào. Điều này đã ăn sâu vào xã hội Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới”.

Theo quy ước sử dụng đũa được dạy từ nhỏ tại Trung Quốc, chỉ nên đụng vào món chúng ta muốn ăn. Nhưng các quan chức y tế Trung Quốc cho biết điều này vẫn khiến vi khuẩn từ nước bọt của một người lây lan sang những người khác cùng bàn ăn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chia sẻ thức ăn là nguồn khiến virus lây truyền ở Trung Quốc, đặc biệt chiếm số đông trong các ổ dịch ở tỉnh Quảng Đông và Tứ Xuyên.

Truyền thông nhà nước cùng người nổi tiếng, chuyên gia y tế… tại Trung Quốc đã tích cực khuyến khích công chúng dùng khẩu phần riêng. Truyền thông tại khu tự trị Ninh Hạ còn giới thiệu với người dân về “xu hướng dùng bữa văn minh” theo đó dùng khẩu phần ăn riêng và đũa riêng. Một quan chức địa phương tại Hàng Châu còn kêu gọi dùng ngày 11/11 là “Ngày dùng Đũa Nhân dân” bởi con số có hình tượng giống 2 đôi đũa.

Ở Bắc Kinh còn có biển hiệu kêu gọi người dân tham gia chiến dịch có tên “Tình yêu là thêm một đôi đũa”. Kể từ tháng 6, các nhà hàng địa phương được yêu cầu phải phục vụ khẩu phần ăn riêng và cung cấp gongkuai hoặc gongshao.

Tại chuỗi nhà hàng bán vịt quay tại Bắc Kinh có tên Huajia Yiyuan, mỗi bàn đều có hai đôi đũa và thìa để đưa thức ăn vào bát. Tại nhà hàng lẩu nổi tiếng ở Bắc Kinh, mọi bàn ăn đều có một cặp gongkuai hoặc gongshao.


Việc ăn lẩu dùng đũa chung đã gây lây lan COVID-19 trong một số trường hợp ở Trung Quốc. Ảnh: LA Times

Việc thay đổi thói quen tại nhà và đối với người cao tuổi có thể là điều khó khăn. Cảnh tượng thường thấy là thành viên trong gia đình cùng dùng đũa riêng để gắp thức ăn cho bản thân hoặc cho người khác. Việc bậc con cháu gắp thức ăn cho người lớn còn thể hiện sự kính trọng.

Trong cuộc khảo sát trực tuyến gần đây do Sina Thượng Hải thực hiện, một nửa trong sô 650 người tham gia cho biết họ sẽ không sử dụng gongkuai hoặc gongshao tại nhà.

Văn hóa ăn uống tại Trung Quốc đã thay đổi, nhiều nhà hàng đã hạn chế với bàn ăn chỉ dành cho 2 người và các bàn ăn cách nhau ít nhất 1 mét. Trong Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1, giới chức trách đã kêu gọi người dân không đi thăm họ hàng, đầu bếp có tên Shi làm việc tại một nhà hàng mì ở Bắc Kinh chia sẻ: “Dịch COVID-19 đã thay đổi nhiều thứ. Và khi dịch thay đổi được việc thăm họ hàng dịp Tết thì nó cũng thay đổi được cách chúng ta sử dụng đũa”.

Ông Q Edward Wang cho biết phải mất hàng trăm năm đũa mới trở thành dụng cụ phổ biến trên bàn ăn do vậy việc thay đổi thói quen dùng bữa hiện đại có thể khó khăn. Ông nói: “Truyền thống có sức mạnh hơn cả chính sách. Dịch COVID-19 và chỉ đạo của chính phủ sẽ tạo ra nhiều thúc đẩy. Dần dần chúng ta sẽ thích nghi với ý tưởng rằng ngay cả khi không chia sẻ thức ăn, chúng ta vẫn là bạn”.

Theo cơ quan chức năng Vũ Hán, dịch COVID-19 bùng phát trong khoảng thời gian từ ngày 12/12 – 29/12, trong đó có nhiều bệnh nhân làm việc tại một chợ hải sản trong thành phố.

TTXVN