Sáng 21-5, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội nghe Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Trình bày tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có đường biên giới dài với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia. Hiện nay, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển là xu thế chung, tuy nhiên tình hình chính trị-an ninh thế giới và khu vực đang diễn biến khá phức tạp, khó lường, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai... Các thế lực thù địch tăng cường chống phá; vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy và các loại tội phạm có tính chất xuyên biên giới, di dịch cư tự do diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường... ngày càng gia tăng; nhất là trong tình hình hiện nay, dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ, liên quan trực tiếp đến công tác biên phòng trong phòng, chống lây lan dịch bệnh qua biên giới của Việt Nam; qua đó, công tác phòng, chống dịch bệnh ở khu vực biên giới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, lực lượng chức năng trong nước và lực lượng bảo vệ biên giới của nước có chung đường biên giới... Tình hình trên đặt ra nhiều yêu cầu đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và tư duy mới về hoạt động biên phòng để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

“Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đang đặt ra cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết; đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.


Đại tướng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Quốc hội. 

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 33 điều. Trong đó, đáng chú ý là chương 1 gồm những quy định chung, tập trung làm rõ một số vấn đề quan trọng như: Giải thích thuật ngữ “Biên phòng”, “Nền biên phòng toàn dân”; quy định chính sách của Nhà nước về biên phòng được thể chế hóa từ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, bảo đảm thống nhất với chính sách của Nhà nước về quốc phòng. Chương 4 về lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới, hệ thống tổ chức; trang bị, ngày truyền thống, tên giao dịch quốc tế, con dấu, trang phục, trang bị, màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết phương tiện của BĐBP. Trong đó đã bổ sung chức năng, một số nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tiễn hiện nay; quy định hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; đồng thời, xác định rõ thẩm quyền quyết định chuyển hình thức quản lý, bảo vệ biên giới từ thường xuyên lên tăng cường và trong tình trạng quốc phòng bảo đảm thống nhất với quy định pháp luật về quốc phòng....

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (sau đây gọi là Nghị quyết số 33-NQ/TW), quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của BĐBP nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh BĐBP, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.


Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội. 

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cần tổng kết, đánh giá để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Biên giới quốc gia, pháp luật khác có liên quan; quy định đầy đủ, cụ thể các chính sách mới và nội hàm của Luật Biên phòng Việt Nam cho phù hợp quan điểm của Đảng và yêu cầu thực tiễn.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt cũng nhấn mạnh, đây là một đạo luật mới nên cần đánh giá kỹ 3 nhóm chính sách được xác định trong Báo cáo đánh giá tác động để làm rõ mục đích, yêu cầu xây dựng luật; lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, đánh giá việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan và cung cấp thêm thông tin về pháp luật, kinh nghiệm của một số nước trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Liên quan đến tên gọi của dự án luật, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt cho rằng, việc xác định đúng tên Luật có ý nghĩa quyết định đến phạm vi điều chỉnh, nội dung của dự thảo Luật; nếu giữ tên “Luật Biên phòng Việt Nam” thì cần quy định một cách tổng thể tất cả các vấn đề liên quan đến biên phòng theo hướng công tác biên phòng là một bộ phận của công tác quốc phòng, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia. Mặt khác, nhiệm vụ này có sự tham gia của nhiều lực lượng ở khu vực biên giới và đã được quy định tại nhiều luật, đặc biệt là Luật Biên giới quốc gia, nên cần rà soát kỹ, đánh giá đầy đủ các chính sách, quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới để tránh chồng chéo và bảo đảm tính khả thi...

QĐND