Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 6 giờ sáng 4/6 (giờ Việt Nam), thế giới đã có 6.551.376 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 386.196 người tử vong. Số ca mắc mới tăng ở một số nước châu Á. Còn tại châu Âu, các hãng hàng không bắt đầu mở lại chuyến bay.

Trong 24 giờ qua, 213 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 110.094 người mắc COVID-19 và 4.337 người tử vong. Nước ghi nhận nhiều ca mắc nhất trong 24 giờ qua là Brazil (20.745 ca) và nước đứng ngay sau là Mỹ với 18.415 ca. Tiếp đó là Ấn Độ và Nga với lần lượt 9.633 và 8.536 ca trong 24 giờ qua.

Xét về khu vực, châu Á ghi nhận nhiều ca mắc trong 24 giờ qua nhất với tổng cộng 32.403 ca, tiếp đó là Nam Mỹ với 31.791 ca.

Về số người tử vong, ba nước châu Mỹ là Mỹ, Brazil và Mexico tiếp tục đứng đầu với lần lượt 992 ca, 839 ca và 470 ca trong 24 giờ qua. Các nước còn lại chỉ ghi nhận trên dưới 300 ca tử vong trong 24 giờ qua.


Nhân viên y tế nghiên cứu để tìm ra vaccine phòng COVID-19 tại phòng thí nghiệm bệnh viện ở Bologna, Italy ngày 15/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên quan tới phát triển vaccine, giới chức Hà Lan ngày 3/6 cho biết Pháp, Đức, Italy và Hà Lan đã thành lập một liên minh để thúc đẩy nỗ lực sản xuất vaccine trên đất châu Âu nhằm ngăn ngừa virus SARS-CoV-2. Trong tuyên bố tại La Haye, Bộ Y tế Hà Lan nhấn mạnh 4 nền kinh tế lớn nhất châu lục đang hợp lực nghiên cứu các sáng kiến phát triển vaccine đầy triển vọng cũng như đang thảo luận với các công ty dược phẩm nhằm đảm bảo có đủ vaccine cho Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác, đặc biệt là các nước thu nhập thấp tại châu Phi. 

Mục tiêu của"Liên minh vaccine" này là cho phép sản xuất vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 ở bất kỳ nơi nào có thể tại châu Âu. Việc hợp tác 4 nước cùng với các công ty then chốt trong ngành dược phẩm được kỳ vọng sẽ có thể giúp gặt hái những kết quả tốt nhất và nhanh nhất từ những sáng chế vaccine đầy tiềm năng. Tuyên bố của Bộ Y tế Hà Lan cũng nêu rõ Đức, Pháp, Italy và Hà Lan tin rằng một kết quả thành công đòi hỏi một chiến lược và nhiều vốn đầu tư chung.  

Các hãng hàng không châu Âu bắt đầu nối lại dịch vụ


Máy bay của Hãng hàng không Lufthansa tại sân bay Tegel ở Berlin, Đức ngày 26/5. Ảnh: THX/TTXVN

Các hãng hàng không tại châu Âu đang từng bước nối lại dịch vụ sau khi các nước đang nỗ lực "hồi sinh" ngành du lịch để khôi phục nền kinh tế vốn chịu nhiều thiệt hại do đại dịch COVID-19. 

Hãng hàng không Alitalia của Italy đã chính thức nối lại đường bay quốc tế từ Rome đến New York (Mỹ) từ ngày 3/6, một ngày trước khi quốc gia này mở cửa biên giới với các quốc gia Schengen khác. Chuyến bay kéo dài 8 giờ đồng hồ này được thực hiện 2 lần/tuần. Kể từ đầu tháng 3 đến nay, lệnh phong tỏa đã khiến hoạt động của hãng hàng không gần như tê liệt hoàn toàn, trừ một số chuyến bay chở hàng và hồi hương công dân Italy từ các điểm nóng dịch bệnh. Alitalia cũng sẽ nối lại các chuyến bay giữa Rome và các thành phố Alghero, Olbia ở đảo Sardinia từ ngày 3/6, cũng như các chuyến bay giữa Rome với thành phố Barcelona (từ ngày 3/6) và Madrid (từ ngày 4/6) của Tây Ban Nha. Tất cả các chuyến bay sẽ phải tuân thủ quy định về giãn cách xã hội, theo đó các chuyến bay sẽ chỉ hoạt động từ 33-50% công suất tùy theo từng loại máy bay. 

Hãng hàng không Lufthansa lớn nhất của Đức ngày 2/6 cũng thông báo về việc bắt buộc đeo khẩu trang che miệng và mũi khi đi máy bay từ ngày 8/6. Quy định này ban đầu sẽ được áp dụng đối với Lufthansa, Eurowings, Lufthansa Cityline và sẽ kéo dài đến ngày 31/8. Lufthansa cho biết lợi nhuận ròng của hãng trong quý I/2020 đã giảm 2,1 tỷ euro do đại dịch. 

Litva ngày 1/6 đã dỡ bỏ quy định tự cách ly 14 ngày đối với du khách đến từ 24 quốc gia châu Âu khác. Tuy nhiên, những người đến từ Malta, Ireland và Tây Ban Nha sẽ vẫn phải tự cách ly bắt buộc 14 ngày trong khi cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Bỉ, Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Anh, nơi số bệnh nhân COVID-19 vẫn ở mức hơn 25 trường hợp/100.000 dân. Đến nay, Litva đã nối lại các chuyến bay thường xuyên đến Latvia, Estonia, Đức, Na Uy, Hà Lan và dự kiến nối lại đường bay đến Đan Mạch, Israel và Phần Lan trong tuần tới. 

Từ ngày 1/7 tới, Malta cũng sẽ mở cửa trở lại sân bay đối với một số quốc gia châu Âu và Israel. Việc dỡ bỏ các hạn chế áp dụng đối với các chuyến bay thẳng và hành khách phải bảo đảm rằng họ đã lưu trú ở quốc gia đó trong vòng 4 tuần trước chuyến bay. 

Tại Cyprus, các sân bay dự kiến sẽ hoạt động trở lại từ ngày 9/6 tới khi các chuyến bay kết nối với 19 quốc gia mà giới chức nước này đánh giá là tương đối an toàn có thể nối lại. 

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết những biện pháp hạn chế đối với ngành du lịch đã được nới lỏng dần. Tuy nhiên, Tổng Thư ký của UNWTO Zurab Pololikashvili cho rằng cần cảnh giác, có trách nhiệm và hợp tác quốc tế khi thế giới dần dần mở cửa trở lại. Trước đó, UNWTO dự báo rằng số lượt du khách quốc tế sẽ giảm khoảng 60-80% trong năm 2020 do ảnh hưởng đại dịch COVID-19.

Châu Á: Một số nước tăng số ca nhiễm mới


Xét nghiệm máu nhằm phát hiện nhanh trường hợp nhiễm dịch COVID-19 tại Surabaya, Indonesia ngày 11/5. Ảnh: THX/TTXVN

Một số nước châu Á tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng. Có nước đứng trước nguy cơ bùng phát dịch trở lại.

Ngày 3/6, Bộ Y tế Indonesia thông báo số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 28.233 ca sau khi có 684 ca mắc trong 24 giờ qua, trong khi số ca tử vong lên tới 1.698 ca (35 ca mới). Cho đến nay, tổng số bệnh nhân phục hồi và xuất viện ở nước này là 8.406 người. Dịch bệnh đã lây lan tới 34 tỉnh, thành của Indonesia. Cơ quan chức năng Indonesia đang tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại những vùng dịch bệnh và kêu gọi người dân luôn đeo khẩu trang. 

Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này ghi nhận 93 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 7.970 ca trong khi số ca tử vong là 115 ca. 

Còn tại Philippines, Bộ Y tế thông báo có 751 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 19.748 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 974 ca sau khi có thêm 8 ca tử vong. Đến nay, số bệnh nhân phục hồi là 4.153  người.


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Dhaka, Bangladesh ngày 3/5. Ảnh: THX/TTXVN

Bangladesh thông báo có 2.695 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 55.140 ca, trong khi số ca tử vong hiện là 746 ca (thêm 37 ca tử vong). Trong 24 giờ qua, 470 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi phục hồi, nâng tổng số bệnh nhân bình phục ở nước này đến nay lên 11.590 người.

Tương tự, ngày 3/6, Iran cho biết trong 24 giờ qua có 3.134 ca nhiễm và 70 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 160.696 ca và 8.012 ca tử vong. Iran đã áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc hồi cuối tháng Hai vừa qua. Kể từ cuối tháng Tư,  nước này bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Trong những ngày gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang phải đối mặt với nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát.


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản ngày 8/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, ngày 2/6, chính quyền thủ đô Tokyo đã xác nhận 34 trường hợp nhiễm bệnh. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất ở Tokyo kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào ngày 25/5 và là ngày đầu tiên kể từ hôm 14/5, số ca nhiễm mới ở thành phố này vượt ngưỡng 30 người.

Trước đó, ngày 29/5, Tokyo đã phát hiện 22 ca nhiễm, trong đó có 13 ca không rõ nguồn lây nhiễm. Đây là ngày thứ tư liên tiếp số ca nhiễm mới ở Tokyo tăng và lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở thành phố này vượt ngưỡng 20 trong 2 tuần. 

Trong bối cảnh đã xuất hiện nguy cơ tái bùng phát của dịch bệnh, ngày 2/6, Thị trưởng Tokyo - bà Koike Yuriko - đã phát đi “Cảnh báo Tokyo" về dịch COVID-19 để kêu gọi người dân tăng cường cảnh giác. Bà Koike thúc giục người dân thủ đô phải rất cẩn trọng khi lui tới các khu vực như những địa điểm vui chơi, giải trí vào ban đêm, nơi mọi người có nguy cơ nhiễm bệnh trong không gian kín và đông người. 

Bà Koike cảnh báo nếu số lượng ca nhiễm mới tiếp tục tăng, chính quyền thủ đô Tokyo sẽ một lần nữa phải yêu cầu doanh nghiệp và người dân phải hạn chế hoạt động xã hội và kinh tế. Theo bà Koike, chính quyền thủ đô sẽ cân nhắc đề nghị tạm ngừng hoạt động kinh doanh khi số lượng các ca nhiễm mới vượt ngưỡng 50 ca/ngày cùng với một số tiêu chí khác.

Cùng với thủ đô Tokyo, nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 đã xuất hiện ở thành phố Kitakyushu thuộc tỉnh Fukuoka, phía Nam Nhật Bản. Mặc dù Tokyo và Fukuoka đang phải đối mặt với nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh nhưng Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Nishimura Yasutoshi cho biết chính phủ không có kế hoạch ngay lập tức ban bố tình trạng khẩn cấp ở hai địa phương này.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy với 49 ca nhiễm được phát hiện (46 ca lây nhiễm trong cộng đồng) trong ngày 3/6, tổng số ca mắc bệnh COVID-19 ở Hàn Quốc đã nâng lên thành 11.590 ca. 


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 29/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Đến nay, Hàn Quốc đã xét nghiệm COVID-19 cho trên 940.000 người và số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 là 273 người. Đại diện KCDC cho biết nếu số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 50 ca/ngày, nước này sẽ tính toán trở lại biện pháp "giãn cách xã hội", đóng cửa trường học và các cơ sở dịch vụ công cộng trên quy mô toàn quốc. 

Cơ quan chức năng Hàn Quốc bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm mới phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt tôn giáo đông người đã lên tới trên 100 người và đa phần đều không có triệu chứng nhiễm bệnh. Chỉ tính riêng trong ngày 2/6, số ca mắc bệnh liên quan đến 23 nhà thờ ở thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi đã lên tới 45 ca, tăng 22 ca so với một ngày trước đó (thời điểm phát hiện ca nhiễm mới từ các nhà thờ). 

Theo KCDC, số ca nhiễm tăng mạnh trở lại chủ yếu liên quan đến chuỗi lây nhiễm tập thể quy mô nhỏ ở các nhà thờ và trung tâm giáo dục, có khả năng là các ca thứ cấp từ ổ dịch tại trung tâm phân phối hàng hóa của công ty Coupang tại tỉnh Gyeonggi và khu phố Itaewon thuộc thủ đô Seoul.

Trong ngày 3/6, có 1.780.000 học sinh các bậc từ tiểu học đến phổ thông trung học ở Hàn Quốc đã trở lại trường học. Tuy nhiên, khu vực thủ đô Seoul và các vùng lân cận với mật độ dân số đông đúc lại liên tiếp phát hiện các ca lây nhiễm tập thể khiến cho các bậc phụ huynh cảm thấy bất an. 

Châu Âu tiếp tục nới lỏng giãn cách


Người dân đi thuyền gondola tại thành Venice, Italy ngày 30/5 khi lệnh hạn chế được nới lỏng. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau 3 tháng phong tỏa nhằm khống chế COVID-19, ngày 3/6, người dân Italy đã được phép đi lại tự do trở lại giữa các vùng trên phạm vi toàn quốc mà không cần phải khai báo lý do, đồng thời chính quyền nước này cũng đã cho phép mở cửa trở lại đối với công dân, khách du lịch đến từ các nước thuộc châu Âu. Cụ thể, khách du lịch châu Âu đến Italy hiện không còn phải bị cách ly trừ khi họ vừa đến thăm một châu lục khác gần đây. 

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số lo ngại rằng du khách châu Âu có thể sẽ chưa đến thăm Italy - vốn đang tiếp tục hứng chịu những tổn thất về người do dịch COVID-19 dù số ca nhiễm mới đang có chiều hướng giảm dần. Thụy Sĩ cảnh báo các công dân của mình rằng nếu đến Italy, họ sẽ phải trải qua các biện pháp kiểm tra y tế khi trở về. Mặc dù tuyên bố dỡ bỏ việc kiểm tra nhập cảnh tại toàn bộ các cửa khẩu biên giới trên bộ từ ngày 4/6, song Áo vẫn coi Italy là một "điểm nóng" dịch bệnh COVID-19 và vẫn sẽ giữ nguyên các biện pháp hạn chế đối với nước này. Các quốc gia châu Âu khác như Bỉ và Anh vẫn đang cấm hoặc khuyến cáo công dân của họ ra nước ngoài.

Cho đến nay, Italy đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phong tỏa được áp đặt kể từ ngày 9/3 do dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế được áp dụng, chẳng hạn như các nhà hát, rạp chiếu phim vẫn chưa được phép mở cửa trở lại cho đến giữa tháng 6. Trường học vẫn tiếp tục bị đóng cửa cho đến tháng 9. Ngoài những tổn thất lớn về người, dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế Italy lao đao. 


Khách du lịch tham quan Quảng trường Plaza de Espana ở Seville, Tây Ban Nha ngày 11/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng đang nỗ lực để dần bắt đầu đón lại du khách từ ngày 22/6 tới. Theo giới chức Tây Ban Nha, các du khách đến từ những nước được cho là an toàn hơn trong cuộc chiến chống COVID-19 có thể đến nước này. Trước đó, Madrid dự định sẽ mở lại biên giới để đón khách du lịch vào ngày 1/7.

Bỉ cũng thông báo sẽ mở lại các quán bar, nhà hàng và các lĩnh vực phục vụ đời sống văn hóa và xã hội từ ngày 8/6 tới. Tuy nhiên, các hộp đêm vẫn phải đóng cửa. Bên cạnh đó, người dân Bỉ cũng được phép gặp gỡ nhiều người hơn, khi chính phủ hủy bỏ quy định tụ tập không quá 4 người. Đầu tháng 5 vừa qua, Bỉ đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa, và quyết định mở lại biên giới với các nước

Tại Anh, giới chức sân bay thành phố London cho biết sẽ mở lại sân bay này vào cuối tháng 6. Các chuyến bay nội địa sẽ được khôi phục trước tiên, sau đó các chuyến bay quốc tế sẽ được nối lại vào đầu tháng 7. Để đảm bảo an toàn, những người đi và đến sân bay sẽ phải đo nhiệt độ, trong khi nhân viên phải đeo khẩu trang. Các hành khách cũng sẽ phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội. Sân bay thành phố London đã ngừng hoạt động vào ngày 25/3, hai ngày sau khi Anh áp đặt các biện pháp phong tỏa.

Tình hình dịch bệnh tại Nga, Ukraine và Kyrgyzstan 


Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Tver, Nga ngày 30/5. Ảnh: THX/TTXVN

Tính đến ngày 3/6, LB Nga ghi nhận 8.536 người mắc COVID-19 tại 84 chủ thể liên bang, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên 432.277 người. 

Trong khi đó Giám đốc Viện nghiên cứu khoa học trung ương số 48 Bộ Quốc phòng LB Nga, ông Sergei Borisevich cho biết các chuyên gia viện này đã hoàn tất thành công các thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine phòng ngừa COVID-19 trên khỉ và chuột. Ông cho biết: “Trong quá trình tiến hành nghiên cứu đã chứng minh sự an toàn của thuốc và hiệu quả phòng ngừa”.

Theo ông Borisevich, 50 tình nguyện viên đã được chọn để thử nghiệm vaccine ở người gồm 45 nam và 5 nữ từ 25-50 tuổi. Một nhóm các tình nguyện viên đã đến một cơ sở đặc biệt để kiểm tra y tế trước thử nghiệm. Trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tiếp theo, các chuyên gia của viện sẽ kiểm tra xem vaccine có an toàn với người hay không cũng như khả năng hấp thụ tới mức nào. Ngoài ra, thử nghiệm sẽ xác định vaccine giúp phát triển các kháng thể bảo vệ như thế nào. 

Trước đó, ông Ivan Vasilenko, Tiến sĩ hóa học, Giáo sư Viện Công nghệ sinh hóa và Công nghệ nano, Đại học tổng hợp hữu nghị giữa các dân tộc Nga (RUDN), cho biết vaccine ngừa COVID-19 của Nga có thể được sử dụng trước cuối năm 2020.


Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi đi tàu điện ngầm tại Kiev, Ukraine ngày 25/5. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Ukraine, Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine cho biết tính đến 3/6, nước này ghi nhận 483 trường hợp dương tính với COVID-19, tăng 155 ca so với ngày 2/6 và nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 24.823 trường hợp và 735 người tử vong. 

Cũng tại khu vực Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Chính phủ Kyrgyzstan ngày 3/6 cho biết nước này sẽ nối lại các chuyến bay trong nước, lưu thông xe bus giữa các tỉnh và trong tháng 6 cho phép các chuyến bay từ Trung Quốc vào Kyrgyzstan để đưa nhân viên của nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc vào nước này làm việc. Các công nhân của các công ty Trung Quốc sẽ được xét nghiệm COVID-19 trước và sau chuyến bay. Kyrgyzstan xác nhận nước này có 1.871 ca nhiễm COVID-19 và 20 trường hợp tử vong.

TTXVN