Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến cuộc đua chế tạo vũ khí siêu thanh ngày càng nóng lên giữa các cường quốc quân sự, Nga tuyên bố sẽ sớm có phương tiện đối phó với loại vũ khí này.

Mới đây, phát biểu trên chương trình “Tin tức trong tuần” của kênh truyền hình Russia-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới đang nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh. Tuy nhiên, ông chủ Điện Kremlin lưu ý, Nga đang dẫn đầu trong lĩnh vực này và sẽ có cách bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh. Theo ông Vladimir Putin, khi các nước khác chế tạo thành công loại vũ khí này thì Moscow đã có phương tiện đối phó một cách hiệu quả. “Chúng ta sẽ khiến các đối tác vô cùng ngạc nhiên với thực tế rằng, khi họ sở hữu vũ khí siêu thanh thì khả năng cao chúng ta đã có phương tiện đối phó”, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.

Tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin được đưa ra không lâu sau khi ông ký sắc lệnh về các nguyên tắc cơ bản của chính sách quốc gia trong lĩnh vực răn đe hạt nhân hồi đầu tháng 6 này. Trong chính sách răn đe hạt nhân mang tính chất phòng thủ trên, Moscow đưa ra các mối đe dọa đối với quốc gia, bao gồm cả việc đối phương triển khai vũ khí siêu thanh.


Tổ hợp laser Peresvet. Ảnh: Mil.ru. 

Vũ khí siêu thanh là loại vũ khí di chuyển với tốc độ lớn hơn Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh) và có thể mang theo đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân. Với tốc độ và khả năng cơ động cao, vũ khí siêu thanh khó bị phát hiện và đánh chặn. Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, hiện nay chưa có quốc gia nào có khả năng đánh chặn vũ khí siêu thanh.

Trước thông tin được Tổng thống Nga đưa ra, các chuyên gia quân sự bày tỏ tin tưởng ngành công nghiệp quốc phòng Nga có đủ các nguồn lực cần thiết để tạo ra phương tiện đối phó với vũ khí siêu thanh trong tương lai. Trao đổi với hãng tin RT, chuyên gia quân sự Yuri Knutov, Giám đốc Bảo tàng Phòng không ở thành phố Balashikha của Nga nói: “Tôi cho rằng các hệ thống tên lửa phòng không như S-500, S-400 ở phiên bản sửa đổi và tổ hợp laser tự hành Peresvet ở phiên bản nâng cấp sẽ có thể đánh chặn các mục tiêu siêu thanh”. Cùng quan điểm với ông Yuri Knutov, ông Dmitry Kornev, người sáng lập cổng thông tin quân sự Nga Military Russia nhận định, nếu cải tiến, nhiều hệ thống phòng không của Nga như tổ hợp Peresvet và các loại vũ khí tối tân khác vốn được chế tạo dựa trên các nguyên tắc vật lý mới và sử dụng nguồn năng lượng định hướng có khả năng đánh chặn được vũ khí siêu thanh. Theo ông Dmitry Kornev, phương tiện đánh chặn hiệu quả vũ khí siêu thanh cần được trang bị hệ thống radar mạnh mẽ, hệ thống xử lý tín hiệu kỹ thuật số, thiết bị tính toán hiệu suất cao, hệ thống sàng lọc các mục tiêu giả có chất lượng tốt cùng các tên lửa tốc độ cao. “Đánh chặn vũ khí siêu thanh là một nhiệm vụ rất khó khăn”, ông Dmitry Kornev khẳng định. Trong khi đó, trên tờ Vzglyad, bình luận về tuyên bố của Tổng thống Nga, chuyên gia quân sự Alexei Leonkov nhận định, các phương tiện đối phó với vũ khí siêu thanh sẽ được phát triển trong vòng 5 năm tới. Ông Alexei Leonkov cho biết: “Đó sẽ là phương tiện phòng không, chính xác hơn là phòng không-vũ trụ, có thể tiêu diệt mục tiêu ở nhiều độ cao khác nhau, kể cả độ cao 100km. Những phương tiện này phải có hai đặc tính. Thứ nhất, ở chế độ “đối đầu”, tốc độ của chúng không được thấp hơn tốc độ của mục tiêu siêu thanh, hoặc thậm chí còn nhanh hơn. Thứ hai, nếu muốn hạ mục tiêu siêu thanh ở chế độ “bắt kịp” thì cần có tốc độ nhanh gấp rưỡi so với tốc độ của mục tiêu".

Hiện nay, trên thế giới, Nga là quốc gia duy nhất sở hữu vũ khí siêu thanh. Theo Tổng thống Vladimir Putin, việc sở hữu loại vũ khí mà chưa quốc gia nào có được, cho thấy nền tảng khoa học-kỹ thuật vững chắc của Nga. Những thông tin về hai hệ thống tên lửa siêu thanh Kinzhal và Avangard của Nga đã thu hút sự chú ý của truyền thông và giới phân tích quân sự thế giới. Trong "Thông điệp liên bang" năm 2018, lần đầu giới thiệu về Kinzhal, ông Vladimir Putin cho biết, hệ thống tên lửa siêu thanh này đạt tốc độ lớn hơn Mach 10 (gấp 10 lần so với tốc độ của âm thanh) và có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không hiện đang được sử dụng trên thế giới. Trong khi đó, Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov tiết lộ với kênh truyền hình Zvezda rằng, hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard có tốc độ Mach 27 (gấp 27 lần tốc độ âm thanh) và có khả năng xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tân tiến nào hiện nay mà không bị đánh chặn. Cả hai hệ thống tên lửa siêu thanh này đang được quân đội Nga đưa vào trạng thái trực chiến.

Nhà lãnh đạo Vladimir Putin nhiều lần khẳng định rằng Nga phát triển vũ khí hiện đại để bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chứ không nhằm mục đích chạy đua vũ trang hay gây chiến với bất kỳ nước nào. Hồi tháng 3 năm nay, trong một cuộc trả lời phỏng vấn phục vụ dự án “20 câu hỏi dành cho Vladimir Putin” do hãng tin TASS thực hiện, ông chủ Điện Kremlin cho biết, bằng cách chế tạo các vũ khí hiện đại, Nga đã duy trì được sự ổn định và cân bằng chiến lược trên thế giới. Ông Vladimir Putin nói thêm rằng điều đó có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ đối với Moscow, mà còn đối với an ninh toàn cầu. Theo người đứng đầu nước Nga, chính nhờ có sự cân bằng chiến lược, trên thế giới đã không diễn ra cuộc xung đột vũ trang lớn nào kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

QĐND