Kỳ tích của ngành y Việt Nam
Cập nhật ngày: 14/07/2020 14:26

Sau 116 ngày điều trị đầy gian nan, có những giai đoạn thập tử nhất sinh, tiên lượng khó qua khỏi nhưng đến giờ phút này, bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh) mắc Covid-19 đã trở về quê hương khỏe mạnh, an toàn.

Trong suốt thời gian điều trị, nam phi công này đã được các thầy thuốc và ngành y chăm sóc bằng tất cả tấm lòng, trí tuệ và cả trách nhiệm quốc tế cao cả của con người Việt Nam.

“Phép màu” Việt Nam

Ngày 18-3, bệnh nhân 91 được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh trong tình trạng sốt cao liên tục, suy hô hấp nặng. Kết quả chụp X-quang phổi cho thấy phổi bị tổn thương mô kẽ, phế nang lan tỏa hai phế trường. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân 91 nhập viện với xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, tình trạng diễn tiến ngày càng nặng. Liên tiếp những ngày sau đó, phổi  bệnh nhân ngày càng xấu đi, phải thở máy, rồi bị suy hô hấp nặng, phải dùng ECMO (máy hỗ trợ tim, phổi); bệnh nhân 91 nằm bất động trên giường bệnh, sự sống hoàn toàn phụ thuộc vào máy móc. Đỉnh điểm là ngày 13-5, kết quả chụp CT-Scanner cho thấy, toàn bộ 2 lá phổi của bệnh nhân bị xơ hóa, đông đặc, chỉ còn hoạt động khoảng 10%. Nhưng, bằng trí tuệ, y đức và tình người, đội ngũ y sĩ, bác sĩ Việt Nam quyết không buông bỏ bệnh nhân, đã tận tâm tận lực từng phút, từng giây để cứu sống người bệnh; đưa ra phác đồ điều trị mới, đồng thời với việc chuẩn bị mọi mặt cho ca ghép phổi.


Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tới thăm bệnh nhân 91. Ảnh: BVCC

Thời điểm đó, mọi thông tin về quá trình điều trị, giành giật sự sống cho bệnh nhân 91 đều được truyền thông, mạng xã hội cả trong nước và quốc tế quan tâm, cập nhật. Khi có thông tin bệnh nhân 91 có khả năng phải ghép phổi, đã có hàng chục người Việt Nam đề nghị sẵn sàng hiến phổi cứu sống nam phi công người Anh.

Và rồi sự quyết tâm, nỗ lực của các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và cả hệ thống y tế Việt Nam đã được đền đáp khi bất ngờ ngày 18-5, kết quả chụp CT lần 2 cho thấy phổi của bệnh nhân 91 đã hồi phục 10-20%. Ngày 20-5, kết quả xét nghiệm cho thấy virus SARS-CoV-2 đã không còn tồn tại trong cơ thể bệnh nhân 91. Ngày 22-5, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy với hy vọng mong manh hồi phục được các cơ quan nội tạng bị tổn thương và để chuẩn bị lên phương án ghép phổi thì những kỳ tích bắt đầu xuất hiện. Chỉ một tuần sau, các cơ quan tổn thương như phổi, thận bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Bệnh nhân âm tính hoàn toàn với virus SARS-CoV-2, bệnh nhân được ngưng lọc máu. Khi phổi hồi phục đến 60%, bệnh nhân 91 được ngưng ECMO, ngưng máy thở và sau đó đã tỉnh táo hoàn toàn, ngồi dậy, tự đứng lên, tập đi… Như một “phép màu”, phổi của bệnh nhân cũng đã hồi phục gần như 100%, thận và các chỉ số khác trở về ngưỡng bình thường... Ngày 3-7-2020 là một cột mốc rất đáng nhớ với bệnh nhân 91 và cả Việt Nam khi căn cứ kết luận hội chẩn quốc gia bệnh nhân số 91 được chính thức công bố khỏi bệnh Covid-19 có thể ra viện và không cần cách ly.

Việt Nam đã giúp tôi tái sinh

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), thành công của bệnh nhân 91 là minh chứng cho sự đoàn kết, tập trung trí tuệ, tâm sức của đội ngũ y sĩ, bác sĩ Việt Nam. Trong quá trình điều trị 116 ngày cho bệnh nhân 91, Bộ Y tế  đã tổ chức 6 lần hội chẩn quốc gia, 4 lần thay đổi phác đồ điều trị và ở mỗi một giai đoạn các y, bác sĩ đã đưa ra những giải pháp mới phù hợp với diễn tiến sức khỏe bệnh nhân. Điều đáng mừng là những giải pháp này mang lại hiệu quả tốt đẹp khi bệnh nhân 91 đã khỏe mạnh, được xuất viện, trở về quê nhà. “Để giữ được mạng sống cho bệnh nhân này, Bộ Y tế đã huy động tất cả chuyên gia đầu ngành trong các ngành truyền nhiễm, hô hấp, hồi sức, huyết học, phục hồi chức năng… với nhiều cuộc hội chẩn cấp quốc gia, dốc toàn lực của ngành để cứu sống bệnh nhân. Đây cũng có thể được coi là trường hợp bệnh nhân đặc biệt chưa từng có trong tiền lệ y tế Việt Nam”, PGS, TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.


Bệnh nhân 91 chụp ảnh lưu niệm với đại diện Lãnh sự quán Anh tại TP Hồ Chí Minh và các y sĩ, bác sĩ trong ngày xuất viện sáng 11-7. Ảnh: TTXVN

GS, TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn các bệnh nhân Covid-19 nặng, Tiểu Ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chia sẻ: Để điều trị cho nam phi công người Anh, 20 cán bộ y tế gồm 8 bác sĩ và 12 điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân trong phòng cách ly đặc biệt. Chưa kể đội ngũ hỗ trợ phía ngoài có đến hàng trăm người tham gia.

Theo GS, TS Nguyễn Gia Bình, mặc dù đội ngũ y tế của chúng ta ít, nhưng với tình thương yêu người bệnh vốn có của mình, với quyết tâm cứu chữa bằng được người bệnh, kết hợp với học hỏi kinh nghiệm điều trị từ nước ngoài và sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, chúng ta đã có được kết quả thật tự hào. Đây có thể coi là một kỳ tích trong y khoa của nền y tế Việt Nam.

Để có kỳ tích trên đó là kết quả nỗ lực của cả hệ thống, đội ngũ y sĩ, bác sĩ Việt Nam; sự quan tâm sát sao của các cấp, ngành hữu quan, cũng như sự theo dõi, động viên của đông đảo người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Thành công trong cứu chữa bệnh nhân 91 cũng là minh chứng cho sự đoàn kết, tập trung trí tuệ, tâm sức của đội ngũ y sĩ, bác sĩ Việt Nam. Với sự chăm sóc và điều trị của các y sĩ, bác sĩ, nam phi công người Anh-bệnh nhân 91 đã hồi phục thần kỳ và không cần phải ghép phổi, anh trở thành một biểu tượng về thành công của Việt Nam trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19. Kỳ tích trong y khoa này không chỉ thể hiện sự nỗ lực cứu chữa hết mình của các y bác sĩ mà còn khẳng định tinh thần nhân văn với truyền thống “thương người như thể thương thân” từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam. 

Và với Stephen Cameron-bệnh nhân 91, anh thấy mình thật sự may mắn khi ở Việt Nam, được các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng, các bác sĩ hàng đầu ngành y tế Việt Nam nói chung điều trị, trong khi có hàng trăm nghìn người trên thế giới tử vong do Covid-19. “Các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy thật xuất sắc, họ đã làm nên điều kỳ diệu. Từ đáy lòng mình, tôi muốn nói thật nhiều lời cảm ơn đến họ. Việt Nam đã giúp tôi tái sinh. Tôi xin cảm ơn Việt Nam”, Stephen Cameron chia sẻ.

Ngay sau khi bệnh nhân 91 xuất viện và lên máy bay về nước vào ngày 11-7, các hãng truyền thông lớn trên thế giới đồng loạt đưa tin về sự kiện này.

* Hãng tin Reuters có trụ sở chính tại Anh đánh giá, bệnh nhân 91 là biểu tượng chống đại dịch thành công của Việt Nam.

Reuters cho biết, ca bệnh Covid-19 nặng nhất tại Việt Nam đã xuất viện vào ngày 11-7 và trở về nhà sau khi hồi phục một cách kỳ diệu. Hãng tin này dẫn nguồn tin truyền thông nhà nước Việt Nam thông báo, các bác sĩ Việt Nam sẽ đi cùng bệnh nhân 91 trên chuyến bay đặc biệt đưa anh trở về quê hương. 

Việc điều trị thành công cho phi công Cameron nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của các bác sĩ người Việt Nam và sự ủng hộ của đông đảo người dân. Đã có lúc, bệnh nhân 91 vào tình trạng nguy kịch, dung tích phổi chỉ còn 10%, nhưng có cả chục người dân tình nguyện hiến phổi cứu bệnh nhân, trong đó có cả một cựu quân nhân 70 tuổi. Thậm chí, Việt Nam còn nhập khẩu thuốc từ nước ngoài để điều trị cho bệnh nhân.

Với sự chăm sóc và điều trị của các y, bác sĩ, viên phi công đã hồi phục thần kỳ và không cần phải ghép phổi, anh trở thành một biểu tượng về thành công của  Việt Nam trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19.

Nhờ sự chăm sóc không quản ngày đêm của Việt Nam, bệnh nhân 91 đã hồi phục một cách kỳ diệu. Ngày 11-7, khi rời bệnh viện trên xe lăn với các bác sĩ Việt Nam đứng bên cạnh, bệnh nhân 91 xúc động nói: “... Tôi chỉ có thể cảm ơn tất cả những con người nơi đây về những gì họ đã làm. Ngay sau khi khỏe lại, tôi sẽ quay trở lại”, bệnh nhân 91 chia sẻ. 

* Đài BBC của Anh ngày 12-7 đưa tin, nam phi công người Anh đã trải qua 4 tháng nằm viện tại TP Hồ Chí Minh và trở về nước với sự biết ơn những người đã chạy đua với thời gian để cứu anh khỏi “cửa tử”. BBC dẫn lời bệnh nhân 91 chia sẻ: “Tôi choáng ngợp trước sự hào phóng của người dân Việt Nam, sự cống hiến và chuyên nghiệp của các bác sĩ, y tá... Tôi cảm thấy hạnh phúc vì được về nhà, nhưng cũng cảm thấy buồn khi phải tạm biệt những người mà tôi đã kết bạn ở đây”. 

* Theo hãng thông tấn AFP của Pháp cho biết, bệnh nhân 91 là ca bệnh nặng nhất tại Việt Nam kể từ khi đại dịch bùng phát. Sau gần 4 tháng điều trị tại TP Hồ Chí Minh, trong đó có 10 tuần phụ thuộc vào máy thở, bệnh nhân 91 đã được xuất viện vào ngày 11-7 và trở về quê hương.  Theo AFP, tính đến ngày 10-7, Việt Nam đã trải qua 85 ngày không ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong nào sau khi triển khai chương trình ứng phó nhanh và mang tính tiên phong đối với đại dịch Covid-19. 

* Tờ New York Times của Mỹ cho rằng, trường hợp bệnh nhân phi công người Anh chính là biểu tượng cho nỗ lực toàn diện của Việt Nam khi đối phó với đại dịch. New York Times cho rằng, Việt Nam là một trong những đất nước thành công nhất trong việc khống chế và khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19.

* Còn tờ USA Today thì đánh giá cao các biện pháp phòng ngừa đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, coi đây là yếu tố giúp Việt Nam duy trì số ca mắc Covid-19 thấp và chưa có trường hợp tử vong. Cũng theo bài viết, nỗ lực cao độ của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam trong điều trị bệnh nhân số 91 đã trở thành một biểu tượng cho thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. 

* Tờ Daily Mail ca ngợi Việt Nam rằng, dù là nước có đường biên giới với Trung Quốc, song đã giữ không có ca Covid-19 tử vong và chỉ có hơn 300 ca mắc từ khi dịch bùng phát đến nay.

* Bên cạnh đó, nhiều hãng truyền thông lớn của Mỹ như: USA Today, New York Times … đều đánh giá cao các biện pháp phòng ngừa đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Bài viết khẳng định, nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ trong điều trị bệnh nhân số 91 đã trở thành một biểu tượng cho thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và được thế giới ngưỡng mộ.

 

 

QĐND