Cả đời tâm huyết với văn hóa Nùng
Cập nhật ngày: 20/08/2020 14:12

Nghệ nhân Ưu tú Mạc Văn Đậu, 62 tuổi, dân tộc Nùng, thôn Quán Cà, xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã dành cả cuộc đời miệt mài đi tìm những giá trị văn hóa dân gian của dân tộc mình.


Ông Mạc Văn Đậu giới thiệu các bài hát sli, hát lượn của dân tộc Nùng.

Biên Sơn là xã vùng cao của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Đây là nơi tập trung phần lớn người Nùng sinh sống. Người Nùng không chỉ giỏi về làm ruộng, nương... mà họ còn có cả một kho tàng văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc. 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà hai gian, theo hướng cổ trên dãy đồi nhỏ, bên chén trà đặc, ông Đậu kể: Ông sinh ra trong một gia đình neo người. Năm lên 10 tuổi, ông hay được đi chợ theo những đàn anh, chị để nghe những câu hát sli, hát lượn. Lớn lên một chút ông lại càng yêu mến dân ca và phong tục của dân tộc mình hơn.

Năm 1979, ông Đậu lên đường đi bộ đội, chiến đấu ở Lạng Sơn. Thời gian ở quân ngũ sớm có năng khiếu về âm nhạc, lên những lúc rảnh là ông lại hát, hay kể cho đồng đội nghe về dân tộc mình. Ngày ấy, đói khổ, vất vả chiến tranh nguy hiểm lắm nhưng hễ có ông Đậu ở đâu là rộn ràng tiếng cười nói ở đó. Sân khấu hay sàn tập đôi khi chỉ là sân nhà giữa leo lét đèn dầu vậy nhưng vẫn đông vui đến lạ. Năm 1982, ông Đậu xuất ngũ về công tác ở địa phương.

Từ năm 2010, lo cho di sản văn hóa của người Nùng bị lãng quên, ông Đậu thầm lặng đi sưu tập các bài hát, phong tục, tập quán của người Nùng. Nhiều bài được ông ghi chép lại theo trí nhớ từ hội hát ở những phiên chợ Tết xưa, thậm chí có nhiều làn điệu do ông tự đặt lời mới. Với ông, việc ghi lại lời những bài hát vừa là cách lưu giữ tư liệu về văn hóa của dân tộc, vừa giúp ông ôn lại những làn điệu sli, lượn theo thời gian đã bị lãng quên.

Gần chục năm, lặn lội khắp các lối ngả vùng cao của Bắc Giang, thậm chí đến nhiều vùng có người Nùng sinh sống như Lạng Sơn, Cao Bằng để ghi chép và quay video về phong tục tập quán của dân tộc mình rồi kỳ công phiên dịch sang tiếng Việt để nhiều người cùng hiểu, cùng hát, gìn giữ cho muôn đời sau. Ông Đậu cho biết: Phong tục tập quán của người Nùng rất đa dạng và phong phú. Di sản của người Nùng gồm nhiều câu hát, câu đối, câu chuyện. Với mong muốn, con cháu của mình không quên những phong tục đó, nên tôi đã tự mình đi sưu tập những phong tục tập quán đó để giữ gìn cho đời sau. Điều quan trọng trước hết là lòng đam mê, yêu thích, quý trọng văn hóa truyền thống, dân ca dân tộc, sự ham muốn hiểu biết, luôn sẵn sàng đón nhận những tri thức được truyền dạy từ gia đình, làng bản, xã hội và sử sách. Hiểu và thấm sâu bản chất nội dung, trân quý người truyền dạy, có sức khỏe, nên nhớ lâu”.

Không chỉ là người tâm huyết sưu tầm các làn điệu dân ca, phong tục của người Nùng mà ông Đậu còn thành lập 1 câu lạc bộ (CLB) hát sli của xã. 4 năm CLB thành lập, đi vào hoạt động là từng ấy năm ông Đậu đóng vai trò người thầy truyền dạy dân ca cho các thành viên. Mỗi tháng một lần, nhà văn hóa thôn lại là điểm đến của các thành viên trong câu lạc bộ. Ông Đậu truyền dạy vốn hiểu biết về làn điệu sli, lượn cho mọi người bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ. Hiện nay, hầu hết các thành viên lớn tuổi trong CLB đã thành thạo rất nhiều bài hát đối đáp giao duyên của dân ca Nùng.

Ông Đậu cho biết thêm: “Bây giờ tối nào tôi cũng cùng các bạn người Nùng ở Cao Bằng, Lạng Sơn thậm chí là Đắc Lắc hát qua zalo, facebook. Hoặc cứ 12 âm lịch hằng tháng là tôi lại đi chợ Biên Sơn, Vân Phong, Bắc Hoa (huyện Lục Ngạn) và Lạng Sơn để hát giao lưu”.

Bên cạnh niềm say mê văn hóa Nùng, ông Đậu còn là người có uy tín trong thôn, xã, ông Đậu luôn tuyên truyền cho bà con hiểu rõ và thực hiện tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc, mà trước hết là phải vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. 
Với những đóng góp cho việc bảo tồn văn hóa của dân tộc Nùng, năm 2019, ông Mạc Văn Đậu được phong tặng là nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa dân tộc Nùng. 

Bài và ảnh: LONG VŨ