Chiều 24-10, tiếp tục chương trình làm việc, tại phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự cần thiết ban hành nghị quyết, nhằm hiện thực hóa đường lối hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta; qua đó khẳng định vai trò, trách nhiệm, uy tín, vị thế của nước ta trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.

Lực lượng tham gia GGHB đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Tại phiên họp, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh sự cần thiết ban hành nghị quyết. 

Đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) ra đời từ năm 1948, là một cơ chế đặc biệt được Liên hợp quốc giao cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thành lập dưới hình thức các phái bộ nhằm giúp tạo điều kiện chấm dứt xung đột và gìn giữ hòa bình, thông qua việc triển khai các lực lượng do các nước thành viên đóng góp đặt dưới sự chỉ huy của Liên hợp quốc.


Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cử lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ. Điều này, theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, nhằm thực thi Hiến pháp năm 2013 và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phù hợp với Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Thực tế, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 172 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ GGHB LHQ tại các Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Xu-đăng và Cục Hoạt động hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai lực lượng công binh thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ (quân số khoảng 320 người). Lực lượng tham gia của Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

“Tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, đóng góp vào sự thành công của Việt Nam trong việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng cho biết, Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam đã có chủ trương về việc Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam tham gia các hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, việc tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc là một nhiệm vụ mới, hiện nay chưa được thể chế hoá bằng các văn bản pháp luật của Quốc hội để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về lĩnh vực này. Trong quá trình triển khai tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc đã và đang phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là về cơ sở pháp lý: Cơ chế xây dựng lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm nguồn lực, chế độ, chính sách đối với việc tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc nhằm quán triệt quan điểm của Đảng về đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thông lệ quốc tế, các điều ước và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ.

Dự thảo Nghị quyết gồm 6 chương, 17 điều; cụ thể: Chương I quy định chung về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc, hình thức và lĩnh vực tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc; xử lý vi phạm, khiếu nại. Chương II quy định các vấn đề: Xây dựng lực lượng; trang phục, trang bị, phương tiện, vũ khí. Chương III quy định thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ. Chương IV quy định về kinh phí bảo đảm và chế độ, chính sách. Chương V quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương liên quan. Chương VI quy định điều khoản thi hành.

Thực hiện quan điểm của Đảng ta về hội nhập quốc tế

Đại diện cơ quan thẩm tra dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt bày tỏ sự nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc; nhấn mạnh việc LLVT nhân dân tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc là thể hiện truyền thống yêu chuộng hòa bình, trách nhiệm với cộng đồng thế giới của Việt Nam, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; là cơ hội để mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực của LLVT nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tán thành việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 10 theo quy trình một kỳ họp.


Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Bày tỏ tán thành cao với dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nhấn mạnh, thực tế Việt Nam đã cử quân đội tham gia lực lượng GGHB và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các phái bộ Liên hợp quốc nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh. Việc ban hành nghị quyết này không chỉ ghi nhận về mặt pháp lý hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời gian qua mà còn tạo cơ sở pháp lý để chúng ta đưa lực lượng khác đi tham gia các lực lượng GGHB của Liên hợp quốc.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) cũng nhấn mạnh đến hình ảnh đẹp của lực lượng GGHB: Lực lượng GGHB của Liên hợp quốc trong 6 năm qua không nhiều (gần 200 lượt người), chủ yếu là cứu trợ nhân đạo ở khu vực khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh, địa hình, khí hậu khắc nghiệt, nhân dân nghèo đói và lạc hậu. “Lực lượng không nhiều nhưng đã để lại hình ảnh tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tính lan tỏa lớn, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hai lần Liên hợp quốc gửi lời cảm ơn Chính phủ Việt Nam”, đại biểu tỉnh Nghệ An nói.

Còn đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì cho rằng, Nghị quyết này khi được Quốc hội thông qua thì có thể được coi là một minh chứng rõ ràng nhất về thực hiện quan điểm của Đảng ta về hội nhập quốc tế cũng như tham gia các hoạt động một cách tích cực nhất, không chỉ với tư cách một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc mà còn là thành viên không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hơn nữa, trong thời gian vừa qua, mặc dù chưa có luật hay nghị quyết nhưng Chính phủ mà cụ thể là Bộ Quốc phòng cũng đã triển khai các hoạt động GGHB của Liên hợp quốc một cách rất nghiêm túc, có hiệu quả và bài bản, được quốc tế đánh giá cao.  

Quan tâm chế độ, chính sách cho “nguồn nhân lực quý”

Tại phiên họp, nhấn mạnh lực lượng tham gia GGHB của Liên hợp quốc là nguồn “nhân lực quý”, các đại biểu đề nghị nên có chế độ, chính sách cho người tham gia LLGGHBLHQ sao cho phù hợp với tính chất, đặc thù nhiệm vụ, địa bàn hoạt động và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt, kịp thời, nhằm động viên, khuyến khích người được cử đi làm nhiệm vụ. 

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) nêu quan điểm: Lực lượng tham gia GGHB là một lực lượng đã được tuyển chọn, đào tạo kỹ lưỡng và đây là một lực lượng quan trọng, một nguồn nhân lực rất quý, tuy nhiên, chế độ, chính sách quy định trong dự thảo còn khá chung chung. “Tôi đề xuất riêng đối với lực lượng này, đặc biệt là lực lượng Việt Nam trực tiếp tham gia hoạt động GGHB của Liên hợp quốc, cần bổ sung các chính sách về sử dụng, trọng dụng lực lượng này sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế và trở về”, đại biểu kiến nghị.


Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng đề nghị cần quan tâm và tăng cường chế độ chính sách cho cán bộ, chiến sĩ tham gia các hoạt động này. Bởi vì, tham gia lực lượng này là đến những địa bàn rất khó khăn, thậm chí còn nguy hiểm đến cả tính mạng. Chính vì vậy, ngoài những chế độ chính sách của Liên hợp quốc thì cũng nên có thêm những chế độ, chính sách khác nữa dành cho các cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng này. 

Theo QĐND