Ai đã từng sống trong vùng lũ lụt mới thấy rõ được trong lúc hoạn nạn, cơ cực ấy, người dân cần những gì để duy trì cuộc sống sau bão lũ...

Một đoàn cứu trợ chuyển hàng hóa từ Hà Nội vào Quảng Bình hỗ trợ bà con và đưa clip lên cho thấy, tất cả bà con nhận mì tôm, bánh chưng, gạo, sữa và nước uống rồi, nhưng một số cứ nán lại hỏi xin cái đèn pin, cái bật lửa, thuốc chữa bệnh. Anh em trong đoàn cứu trợ hơi bất ngờ bởi không nghĩ đến những thứ đồ dùng ấy lại được bà con quan tâm thế nên hẹn đến chuyến hàng hôm sau sẽ có. Ngay sau đó, anh em điện ra Hà Nội mua bổ sung những mặt hàng đó chuyển vào.

Thực tế nhiều năm nay, mỗi khi địa phương nào bị thiên tai bão lụt thì các đoàn cứu trợ lập tức lên đường và hàng hóa mang theo đầu tiên vẫn chủ yếu là mì tôm, gạo, bánh kẹo, tiền. Nhưng ở những vùng lũ lụt đã ngập trắng và cuốn sạch mọi thứ thì bà con có nhận được mì tôm và gạo cũng không có nước sôi để pha mì tôm, không có bếp nấu cơm. Củi bị cuốn trôi hoặc có còn thì mưa dài ngày đã ướt hết, không có gì để đun nấu. Để bảo đảm an toàn lưới điện nên các vùng ngập lụt, điện cũng đã bị cắt hết, tối đến là tất cả chìm trong bóng đêm. Vì vậy, công tác ứng cứu người trong đêm cũng rất khó khăn.


Các đoàn thiện nguyện phối hợp với lực lượng chức năng địa phương ủng hộ đồng bào miền Trung. Ảnh: qdnd.vn

Hiện nay, cơn bão số 9 đang đổ vào miền Trung, sẽ gây mưa lớn trên diện rộng và tình trạng ngập lụt có khả năng tiếp tục xảy ra. Do đó, việc cứu trợ cho bà con vẫn là nhiệm vụ cấp bách, kéo dài. Các đoàn cứu trợ nên quan tâm đến những nhu cầu thiết yếu bảo đảm cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài của bà con vùng lũ lụt. Vậy một túi quà, nên đóng gói vào đó: Mỗi nhà cần có một chiếc đèn pin với vài ba cơ số pin dự phòng để dùng được ít nhất trong một tuần; kèm theo là vài chiếc bật lửa ga. Mỗi nhà cần được trang bị một chiếc bếp ga mi ni kèm theo mấy bình ga để đun nấu. Một cơ số thuốc đơn giản gồm thuốc chống tiêu chảy, chống viêm nhiễm, bông băng, dầu gió phòng cảm lạnh, dầu xoa khi bị sưng đau, băng vệ sinh cho phụ nữ, thuốc khử trùng nước sinh hoạt. Bên cạnh đó là bình lọc nước mi ni, nến thắp sáng…

Đi lại trong điều kiện bùn đất, từ người già đến trẻ em cần dép nhựa có quai hậu, tránh trơn trượt. Những người phải tham gia khắc phục hậu quả cần có giày ủng, áo mưa, mũ nhựa bảo hiểm.

Vì nhiều nhà đã bị nước lũ cuốn sạch cả nhà cửa và đồ gia dụng nên ngay một lúc, các đoàn cứu trợ chưa thể giúp họ có ngay những đồ dùng gia đình nên việc ủng hộ tiền là hết sức quan trọng. Có tiền thì bà con sẽ chủ động mua sắm những gì thiết yếu theo nhu cầu từng gia đình. Có tiền thì bà con sẽ mua sắm vật liệu, dựng lại nhà ở tạm; mua lại sách vở, đồ dùng học tập cho con cháu trở lại trường. Có tiền thì bà con mua được giống vật nuôi, cây trồng, khôi phục sản xuất…Tiền mặt bây giờ là niềm mơ ước cháy bỏng của tất cả bà con.

Do đặc điểm địa hình bị chia cắt, nơi nào xe ô tô hoặc xuồng tới được thì bà con được cứu trợ nhiều; nơi hẻo lánh, bị cô lập thì chịu cảnh đói khát, thiệt thòi. Từ thực tế ấy, cán bộ từ cấp thôn, bản đến cấp xã phải sâu sát, nắm chắc thực trạng của từng gia đình mà điều phối tiền và hàng cứu trợ cho công bằng, hợp lý. Khi thấy địa bàn mình phụ trách, bà con đang cần gì thì kịp thời phản ánh lên cấp trên để điều chỉnh. Đồng thời, cán bộ các cấp ở cơ sở cũng kịp thời cung cấp thông tin cho các đoàn cứu trợ về địa phương mình, cần đến nơi nào trước, nơi nào sau, hàng nào đã dư thừa để nhường cho nơi khác đang còn thiếu.

Những vật dụng nêu trên và tiền là thứ mà bà con đang cần.

Theo THU THỦY/QĐND