Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội. Đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ (KHCN), đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển...

Ngay từ năm 1442, khi danh sĩ Thân Nhân Trung được giao soạn bài văn bia cho bia tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã nêu bật tầm quan trọng của nhân tài với câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Điều đó có nghĩa, sự trường tồn của một quốc gia nằm ở chính tài năng của mỗi người trong quốc gia đó. Đây là những ý niệm rất rõ ràng về hiền tài, về giới trí thức. Trải qua lịch sử phát triển lâu dài, trí thức Việt Nam có những đóng góp quan trọng trong tất cả lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, quốc phòng, an ninh...


Ảnh minh họa. Nguồn: toquoc.vn 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách để xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nghị quyết đề ra mục tiêu: “Đến năm 2020 xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới”. Tại Đại hội XII, Đảng ta cũng đưa ra phương hướng nhiệm vụ phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2016-2020 là: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước...”. Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, nhất là nhiệm kỳ Đại hội XII, trí thức Việt Nam đã phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, hình thành một đội ngũ trí thức hùng hậu, chiếm tỷ lệ đặc biệt quan trọng trong cơ cấu giai cấp xã hội ở Việt Nam.

Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân; phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo cả trong và ngoài nước. Đội ngũ trí thức nước ta có tinh thần yêu nước, có lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc, luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Bằng hoạt động sáng tạo, trí thức nước ta đã có đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ban hành trong những năm qua đã tạo ra những chuyển biến rất tích cực, góp phần tạo động lực cho sự phát triển của đội ngũ trí thức, để giới trí thức có thể đóng góp tốt hơn cho quá trình đổi mới, phát triển đất nước. Thực tế cho thấy, đội ngũ trí thức Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, với tính năng động, sáng tạo ngày càng thể hiện rõ trong mỗi bước tiến triển đi lên của đất nước. Điều này được minh chứng qua việc chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục được cải thiện, đến năm 2019 đã đứng vị trí thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng mạnh so với vị trí thứ 71 của năm 2014.

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, cả nước đã tăng hơn 3,7 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Đội ngũ trí thức Việt Nam đã tăng thêm khoảng 2,8 triệu người. Lĩnh vực văn học-nghệ thuật có hơn 43.000 văn nghệ sĩ, đa phần đã qua đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; không ít văn nghệ sĩ có trình độ cao, tạo được hiệu ứng xã hội tốt. Trong các lĩnh vực đặc biệt như quốc phòng, so với năm 2008, số lượng trí thức đã tăng 68%, có những đơn vị như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội đã tăng 200%... Ngoài trí thức trong nước còn có khoảng hơn 400.000 trí thức Việt kiều (trong đó có hơn 6.000 tiến sĩ và hàng trăm trí thức tên tuổi được đánh giá cao). Những năm qua, đội ngũ trí thức trực tiếp tham mưu, góp ý, phản biện vào những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Trong xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở đều có sự đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức.

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của đất nước, sự phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế. Việt Nam đang thiếu các nhà lãnh đạo quản lý tầm cỡ, các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học thực sự tâm huyết với nghề, các công chức trong bộ máy chính quyền các cấp tinh thông nghề nghiệp và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về đạo đức công vụ. Cơ chế, chính sách đãi ngộ dành cho đội ngũ trí thức còn dàn trải, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, mức lương và phụ cấp thấp, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ và thu hút nhân tài của Việt Nam còn nhiều hạn chế và bất cập. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức còn thiếu, chưa đồng bộ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

 Các hạn chế nêu trên khiến những đóng góp của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển KT-XH của đất nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của con người Việt Nam, giá trị Việt Nam. Chúng ta đang rất cần các nhà trí thức lớn, các chuyên gia đầu ngành có thể đảm đương được các công trình, dự án có giá trị để đời. Ngoài ra, lực lượng trí thức nữ, trí thức làm việc ở vùng sâu, vùng xa; trí thức trong doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ. Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, các trường đại học còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Một bộ phận trí thức Việt Nam còn bị bó hẹp về môi trường tự do sáng tạo, còn thụ động đối với các vấn đề phát triển mà đất nước yêu cầu phải giải quyết.

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khi thế giới đang tiến hành cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đội ngũ trí thức nói chung, trong đó có các nhà trí thức KHCN đóng vai trò động lực, đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHCN, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ ở nhiều lĩnh vực. Để tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ này, phục vụ sự nghiệp đổi mới, trước hết là góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tới đây với tầm nhìn đến năm 2030, 2045 vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, cần chú trọng một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:

1. Sớm xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030. Việc xây dựng chiến lược này dựa trên yêu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của đất nước trong giai đoạn phát triển mới, chú trọng đến những ngành, lĩnh vực đang thiếu, mất cân đối, bất hợp lý về cơ cấu; ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số, trí thức nữ. Tiếp tục thực hiện tốt việc đưa cán bộ, công chức, nhà khoa học trẻ, sinh viên có đạo đức, triển vọng được giải thưởng quốc tế đi đào tạo ở nước ngoài.

2. Thay đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trong phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước. Định kỳ tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc với trí thức để lắng nghe ý kiến, đối thoại với trí thức về những vấn đề KT-XH quan trọng của địa phương, đơn vị. Tạo môi trường làm việc thực sự phát huy dân chủ và khuyến khích trí thức tự do sáng tạo trong nghiên cứu, sáng tác; công bằng trong học thuật, nghiên cứu, sáng tạo, trong triển khai ứng dụng khoa học...

3. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tổ chức nhiều diễn đàn để khuyến khích, bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển KT-XH của đất nước. Tôn vinh những trí thức giỏi, tài năng, có nhiều cống hiến cho đất nước.

4. Các tổ chức hội trí thức cần chủ động nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan chức năng để đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, tập hợp sức mạnh và trí tuệ của đội ngũ trí thức, phát huy đội ngũ trí thức trong tình hình mới. Chủ động phát hiện, thu hút, tập hợp trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp vào các tổ chức hội.

5. Bản thân đội ngũ trí thức cần nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức nghề nghiệp. Không ngừng học hỏi, tìm tòi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, có chí khí và hoài bão, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khắc phục hiện tượng suy thoái tư tưởng chính trị trong một bộ phận trí thức hiện nay.

6. Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KHCN, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp cho đất nước. Nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất của cán bộ quản lý KHCN ở các ngành, các cấp. Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức lồng ghép trong việc xây dựng các quy hoạch chiến lược phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh.

7. Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức, đẩy mạnh thể chế hóa về các cơ chế, chính sách để phát huy tốt năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức; nâng cao nhận thức chính trị và đề cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức với đất nước.

QĐND