Chính quyền Tổng thống Joe Biden tái khẳng định quan điểm phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) hồi năm 2016 về Biển Đông là cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý.


Tàu sân bay USS Ronald Reagan hoạt động trên biển. Nguồn: TTXVN

Mạng Philstar ngày 22/2 đưa tin, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan mới có cuộc điện đàm với đồng cấp người Philippines Hermogenes Esperon.

Theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Emily Horne, trong trao đổi, đại diện hai nước bày tỏ vui mừng trước dịp kỉ niệm 70 năm ký kết Hiệp ước phòng thủ tương trợ Mỹ-Philippines, thảo luận cơ hội mở rộng liên minh song phương. 

Ông Horne cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan tái khẳng định quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden công nhận phán quyết của PCA chiểu theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý. 

Ngày 12/7/2016, PCA ra phán quyết quan trọng liên quan đến vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn” ở Biển Đông. Đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Tại thời điểm đó, Mỹ cho rằng phán quyết của PCA là đóng góp quan trọng cho giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp ở Biển Đông. 

Theo PCA, yêu sách của Trung Quốc về "quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong cái gọi là "đường 9 đoạn" là trái với UNCLOS, Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái gọi là "đường 9 đoạn". 

Về phần mình, Trung Quốc đã ra tuyên bố cho biết nước này không chấp nhận cũng như không công nhận phán quyết của PCA. 

TTXVN