VAC hiệu quả cao ở K23
Cập nhật ngày: 21/05/2018 14:39

Thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, cán bộ, chiến sĩ Kho K23 (Cục Kỹ thuật) đã phát huy tối đa lợi thế diện tích đất trồng trọt, khắc phục khó khăn về điều kiện thổ nhưỡng, đẩy mạnh áp dụng các mô hình tăng gia cho hiệu quả kinh tế cao.


Cán bộ, nhân viên Kho K23 chăm sóc vườn cây ăn quả.    Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Ấn tượng với chúng tôi khi đến Kho K23 (Cục Kỹ thuật), là cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, khuôn viên đơn vị tràn ngập màu xanh của các loại cây ăn quả và vườn giàn tăng gia. Thượng tá Tô Văn Quảng, Chủ nhiệm Kho K23 cho biết: Đây là thành quả sau nhiều ngày cán bộ, chiến sĩ đơn vị tích cực lao động củng cố doanh trại, quy hoạch, xây dựng lại hệ thống vườn - ao - chuồng phục vụ tăng gia chăn nuôi, đặc biệt là triển khai các mô hình trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Năm 2017, Kho K23 đã huy động gần 1.600 ngày công, cùng 750 triệu đồng chủ yếu là quỹ vốn để quy hoạch, cải tạo nâng cấp nhà ăn, nhà bếp và các khu tăng gia, chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống bộ đội.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, Kho K23 đã xây dựng được khu vực tăng gia chăn nuôi tập trung theo mô hình VAC và theo hướng thâm canh tăng vụ. Hệ thống chuồng trại được xây dựng chắc chắn, có hệ thống xử lý chất thải biogas, 3 ao thả cá với diện tích 5.500m2 được củng cố bảo đảm về độ sâu và khả năng trữ nước. Hệ thống vườn cây với 1.700 cây lấy gỗ và bóng mát, 350 cây ăn quả lâu năm, 3 vườn cây ăn quả giá trị cao với tổng diện tích 9.500m2.

Quan sát quy mô vườn cây ăn quả của Kho K23, chúng tôi nhẩm tính, khi bắt đầu cho thu hoạch, mỗi năm, trừ chi phí đơn vị có thể thu lãi vài trăm triệu đồng. Thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy đơn vị đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất và giá trị kinh tế với các loại cây đặc sản. Trên diện tích đất trồng cây bạch đàn chậm cho thu hoạch và giá trị cũng không cao, đơn vị đã trồng thay thế 760 gốc bưởi diễn, xen canh nghệ vàng để tận dụng quỹ đất. Với vườn bưởi này, Kho K23 đã xây dựng thí điểm 7.500m2 theo mô hình tưới tự động nhỏ giọt, đến nay đã bắt đầu ra quả, dự kiến thu hoạch từ năm 2019 trở đi đạt 500-700 nghìn đồng mỗi cây. Cùng với bưởi là diện tích 1.200m2  trồng gần 60 gốc ổi, dự kiến cho thu hoạch vào đầu năm 2019. Tại Khu Kỹ thuật, đơn vị duy trì 171 cây nhãn có độ tuổi trên 10 năm, vừa tạo bóng mát vừa cho thu hoạch từ 80-100 triệu đồng mỗi năm. Đối với diện tích trồng sắn cao sản 72.000m2, hằng năm đơn vị thu trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, đơn vị đang chuyển bớt diện tích trồng sắn sang trồng cây nghệ vàng để sản xuất tinh bột nghệ cung cấp ra thị trường, hứa hẹn thu lãi cao vì hiện nay tinh bột nghệ được tiêu thụ mạnh, mức giá dao động khoảng 300 nghìn/kg.

Theo Thượng tá Hoàng Văn Cao, Chính trị viên Kho K23, yếu tố quan trọng trong tăng gia chăn nuôi theo hướng năng suất, chất lượng cao, đó là đơn vị bảo đảm tốt đời sống bộ đội và quyền lợi của người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tăng gia. Theo đó, ngoài việc giao chỉ tiêu tăng gia chăn nuôi cho các đầu mối trực thuộc, Kho K23 đã thành lập 3 tổ tăng gia, mỗi tổ gồm 3 người để phụ trách chăm sóc các vườn cây ăn quả. Nguồn thu từ các vườn cây ăn quả, 70% được nộp vào quỹ vốn đơn vị, trích 30% cho tổ tăng gia.

Nhờ đẩy mạnh tăng gia sản xuất với các mô hình hiệu quả, trong năm 2017, giá trị thu từ tăng gia sản xuất sau khi trừ chi phí của Kho K23 đạt 260 triệu đồng (110% so với kế hoạch), chỉ tiêu bình quân đầu người đạt 1.450.000 đồng/năm. Từ nguồn thu tăng gia sản xuất, đơn vị tiếp tục đầu tư xây dựng, củng cố khu tăng gia tập trung, cảnh quan môi trường, đầu tư phát triển mô hình tăng gia mới, đồng thời chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, tổ chức thăm hỏi ốm đau, tặng quà, bảo đảm cho đoàn viên, hội viên các tổ chức quần chúng đi tham quan với số tiền gần 40 triệu đồng.

NGUYÊN MẠNH