Thời gian qua, tình hình tư tưởng, kỷ luật trong LLVT Quân khu cơ bản ổn định, tuy nhiên, gần đây một số đơn vị thuộc Quân khu và toàn quân đã xảy ra những vụ việc nghiêm trọng như: quân nhân tham gia đánh bạc; vay nợ số tiền lớn dẫn tới không có khả năng thanh toán; quân nhân đánh nhau trong đơn vị với cách hành xử manh động, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội... Những vụ việc trên đã tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống của quân đội và hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, đặt ra yêu cầu đối với cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, quản lý bộ đội.

Nguyên nhân xảy ra các vụ việc trên, trước hết là do công tác nắm tư tưởng, giáo dục, quản lý bộ đội ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, nhất là việc cán bộ quản lý trực tiếp thiếu sâu sát, buông lỏng quản lý đơn vị hoặc chủ quan, không có biện pháp giải quyết triệt để những vấn đề tư tưởng nảy sinh và các mối quan hệ xã hội phức tạp của quân nhân. Trong các vụ việc đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng, bên cạnh nguyên nhân do quân nhân thiếu ý thức rèn luyện, thiếu bản lĩnh và kỹ năng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, còn có nguyên nhân quan trọng khác là tác động xấu từ phim ảnh bạo lực, cách hành xử kiểu côn đồ đang tồn tại ở một bộ phận giới trẻ trong xã hội.


Phút giải lao trên thao trường Tiểu đoàn Trinh sát 31 (Bộ Tham mưu). Ảnh: MẠNH NGUYÊN

Để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật, nhất là các vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong đơn vị, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường thực hiện các biện pháp giáo dục, quản lý bộ đội, trong đó, tập trung vào các nội dung:

Một là, tăng cường chỉ đạo, tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật và bảo đảm an toàn, trọng tâm là Chỉ thị số 91/CT-BQP ngày 22-11-2016 của Bộ Quốc phòng về “Tăng cường quản lý, giáo dục và chấp hành kỷ luật trong quân đội”, Chỉ thị số 121/CT-BQP ngày 21-8-2017 của Bộ Quốc phòng về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong tình hình mới”, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chức năng các cấp, tăng cường giáo dục, quản lý bộ đội chặt chẽ về mọi mặt; chú trọng rèn luyện, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật và tình thương yêu đồng chí, đồng đội trong đơn vị.

Hai là, nâng cao chất lượng sinh hoạt Ngày chính trị và văn hóa tinh thần, Ngày pháp luật ở đơn vị cơ sở. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức, chính sách; quan tâm chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; xây dựng đơn vị có môi trường văn hóa lành mạnh, tập thể quân nhân đoàn kết, quyết tâm cao, có ý chí khắc phục khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ.

Ba là, phát huy trách nhiệm, tính gương mẫu của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp phân đội; tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực tiến hành công tác giáo dục, quản lý tư tưởng, tư vấn, trợ giúp về tâm lý, pháp lý, kinh nghiệm và phương pháp giải quyết những vấn đề tư tưởng nảy sinh; nêu cao trách nhiệm, bám nắm bộ đội, làm chỗ dựa tin cậy để cán bộ, chiến sĩ gần gũi, chia sẻ tâm tư tình cảm. Chú trọng rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng sống cho đội ngũ cán bộ trẻ, hạ sĩ quan, chiến sĩ, xây dựng niềm tin, nghị lực, làm chủ bản thân, giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.

Bốn là, rà soát tình hình chính trị nội bộ, nắm chắc hoàn cảnh gia đình, nhận thức, tâm lý, sức khỏe, các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là vấn đề liên quan đến vay nợ của quân nhân. Phối hợp giữa gia đình, địa phương và đơn vị, phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức, các cơ quan chuyên môn và các nhân tố tích cực trong quản lý bộ đội, nhất là những quân nhân cá biệt, quân nhân có hoàn cảnh khó khăn... Chú trọng quản lý quân nhân trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, công tác phân tán, ngoài đơn vị.

Năm là, duy trì nền nếp giao ban, phản ánh, báo cáo tình hình tư tưởng, kỷ luật. Khi phát hiện vụ việc cần lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, bình tĩnh xử lý đúng phân cấp, hợp tình, hợp lý, tránh nóng vội, quy chụp; chủ động dự báo các vấn đề nảy sinh, không để vụ việc đơn giản trở thành phức tạp. Khi có vụ việc xảy ra phải kịp thời báo cáo theo quy định, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả, ổn định tình hình đơn vị.

 Đại tá NGUYỄN ĐÌNH CHIÊU, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu