Trước những thách thức nghiêm trọng do tấn công mạng, nhiều nước trên thế giới đã chủ động đầu tư, tăng cường các biện pháp để đối phó, như: Thành lập bộ chỉ huy tác chiến mạng, các cơ quan chuyên trách về lĩnh vực an ninh mạng (ANM); xây dựng trung tâm ANM…

Các nước có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phát triển đã bắt đầu coi ANM là một bộ phận của tổng thể chiến lược quốc phòng chung. Song hầu hết các nước đều khẳng định, cần có đạo luật đủ mạnh mới có thể bảo đảm an toàn, ANM...

Không để tội phạm mạng lộng hành

Mỹ đã thành lập Bộ chỉ huy Tác chiến mạng với nhiệm vụ bảo vệ hệ thống hạ tầng mạng của Mỹ, cũng như tấn công hệ thống của các quốc gia khác (trong trường hợp có chiến tranh). Liên minh châu Âu (EU), cũng như Anh, Nga đều có các cơ quan chuyên trách về lĩnh vực ANM. Trong khi đó, Đức cũng khẳng định nước này đang nhìn nhận một cách nghiêm túc về các mối đe dọa can thiệp chính sách quốc nội của đất nước, bao gồm cả thông qua không gian mạng. Cơ quan tình báo nước ngoài Đức (BND) có kế hoạch đầu tư tiền để thành lập "một đội trinh sát kỹ thuật" nhằm thu thập và xử lý các thông tin liên quan tới ANM.

Đối với Pháp, nước này đã triển khai kế hoạch đối phó với các cuộc chiến tranh mạng trị giá 2 tỷ USD và đây là ưu tiên chiến lược của ngân sách quân sự Pháp trong 5 năm tới. Theo đó, Bộ Quốc phòng Pháp tuyển dụng các chuyên gia công nghệ thông tin và lập trình để tăng cường khả năng bảo vệ, huấn luyện nhân viên hiện có; đồng thời sử dụng công nghệ mạng để hỗ trợ tốt hơn cho quân đội Pháp. Tại châu Á, nhiều nước đã hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn cho các công nghệ hàng đầu của mình trước các hoạt động tình báo công nghiệp, các tổ chức khủng bố.

Các quốc gia khi xây dựng luật đều chung nhận thức rằng, cần có chế tài và quy định luật pháp đủ mạnh để phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm phòng ngừa, xử lý thông tin sai sự thật, tin giả trên không gian mạng; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên mạng... bảo vệ người dân khỏi các thông tin xấu, độc khi tham gia trao đổi trên không gian mạng. Việc xây dựng luật ANM gần đây trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, khu vực.


Mỹ đã thành lập Bộ chỉ huy Tác chiến mạng với nhiệm vụ bảo vệ hệ thống hạ tầng mạng của Mỹ. Ảnh: af.mil.

Các nước có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phát triển hiện coi ANM là một bộ phận của tổng thể chiến lược quốc phòng chung. EU là một trong những khu vực đầu tiên trên thế giới có chiến lược bảo đảm ANM. Chiến lược ANM châu Âu 2013 xác định 4 nguyên tắc cho không gian mạng, bao gồm: Bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, quyền tự do biểu đạt, quyền bảo đảm dữ liệu và đời tư cá nhân; bảo đảm khả năng tiếp cận internet; đảm bảo quản lý đa chủ thể dân chủ và có hiệu quả; trách nhiệm chung trong tăng cường ANM.

Tại Anh, bắt đầu từ ngày 10-5-2018, luật mới về tăng cường ANM có hiệu lực. Các quy định mới nghiêm ngặt đã trao thêm quyền hạn cho các cơ quan quản lý; bảo đảm thực thi nhiều kế hoạch ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Ở Mỹ, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố, hệ thống cơ sở hạ tầng mạng là "tài sản chiến lược cấp quốc gia". Bộ chỉ huy tác chiến mạng đã chính thức thành lập và Luật ANM là một trong những luật được điều chỉnh nhiều nhất và cập nhật thường xuyên với tốc độ thay đổi chóng mặt của công nghệ. Mới đây nhất, ngày 15-5-2018, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã công bố chiến lược ANM mới nhằm giúp chính phủ liên bang đối phó với các mối đe dọa về ANM và an ninh hạ tầng quan trọng.

Tại Ấn Độ, ngoài biên chế 15.000 nhân viên trong cơ quan ANM của quân đội, nước này còn có một cơ chế "xã hội hóa" để thành lập "biệt đội chống tin vịt". Chính phủ Ấn Độ đã công bố “chính sách ANM quốc gia” nhằm bảo vệ thông tin và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Ngày 4-4-2018, Chính phủ Ấn Độ thành lập Trung tâm Điều phối mạng quốc gia (NCCC) để đối phó với các mối đe dọa ANM, trong đó có cả những mối đe dọa từ việc sử dụng sai mục đích các phương tiện truyền thông xã hội… Indonesia chính thức thành lập cơ quan chuyên xử lý tin giả mạo trên internet. Nhiệm vụ của cơ quan này là kiểm chứng sự thật và chỉ ra những tin giả mạo; triệt phá các mạng lưới khủng bố và xử lý các nội dung thù địch trên mạng.

Chuẩn bị tốt mọi mặt để Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống

Vừa qua, tổ chức khủng bố phản động Việt Tân cùng với cái gọi là tổ chức phóng viên không biên giới đã vận động một số nghị sĩ Hoa Kỳ phản đối Luật ANM của Việt Nam với những lý do được họ lập luận, như: “Luật này hạn chế các quyền tự do ngôn luận”, “gây cản trở cho các doanh nghiệp nước ngoài”. Họ còn kêu gọi các dân biểu, các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ yêu cầu Facebook, Google không hợp tác với Việt Nam và cản trở việc Việt Nam thực thi Luật ANM. Trước đó, tổ chức khủng bố Việt Tân công bố thư của gần 50 cái gọi là "tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập Việt Nam" gửi chủ tịch điều hành Facebook để phản đối việc mạng xã hội này gỡ bài, khóa tài khoản. 

Sau khi Luật ANM được Quốc hội chính thức thông qua, đại diện Facebook tại Việt Nam, bà Lê Diệp Kiều Trang cho biết: Hoạt động của Facebook không hề bị ảnh hưởng tại Việt Nam. Hơn thế nữa, luật sẽ mở ra nhiều cánh cửa giúp Facebook hoạt động tốt hơn, cũng như phối hợp tốt hơn với Chính phủ Việt Nam. Ban giám đốc Facebook đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để chuẩn bị thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Trước đó, tuy Facebook có một bộ phận quản lý Facebook người Việt dành riêng cho thị trường Việt Nam nhưng lại đóng trụ sở tại Singapore; thì nay, việc chuyển văn phòng về Việt Nam sẽ giúp hỗ trợ tốt hơn cho các hoạt động của Facebook tại Việt Nam. Đặc biệt, các hoạt động kinh doanh quảng cáo và hỗ trợ doanh nghiệp...

Giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Saint Peterburg (Nga) cũng đồng tình, đánh giá cao Luật ANM của Việt Nam. Giáo sư Kolotov khẳng định, những đạo luật tương tự trong bối cảnh chiến tranh mạng đang triển khai hiện nay, đặt mục đích không phải là xâm phạm quyền lợi của công dân, mà ngược lại, bảo vệ những quyền lợi riêng của họ. Những đạo luật tương tự cũng được thông qua ở Nga và nhiều nước trên thế giới. Với sự cần thiết và những nội dung đạo luật phù hợp thông lệ quốc tế, Luật ANM của Việt Nam cần sớm được hoàn thành công tác thực thi thông qua việc hoàn thiện các văn bản pháp lý hướng dẫn, cũng như chuẩn bị tốt nhất mọi mặt để luật sớm đi vào cuộc sống ngay sau khi có hiệu lực ngày 1-1-2019.

QĐND