Đến Trạm sửa chữa tổng hợp X82 (Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang), chúng tôi gặp hình ảnh cán bộ, chiến sĩ trong bộ trang phục bảo hộ, đeo khẩu trang đang miệt mài làm việc trong tiếng nổ của động cơ xe. Trong Trạm có từng khu vực riêng dành để sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô, động cơ… Nhìn quanh, chúng tôi không thấy bàn ghế ngồi làm việc như các cơ quan, đơn vị khác mà chỉ có máy móc, bàn, giá đỡ để dụng cụ bảo dưỡng, sửa chữa trang bị kỹ thuật… Hiệu quả công việc của những người “lính thợ” được đánh giá qua chất lượng bảo dưỡng các loại TBKT.


Cán bộ, nhân viên Trạm X82 kiểm tra xe ô tô.

Dù vất vả nhưng cán bộ, nhân viên của trạm luôn gắn bó, tận tụy với nhiệm vụ đặc thù này. Thực hiện nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải kiểm tra từng chi tiết dù là nhỏ nhất trong từng bộ phận trang, TBKT được đưa vào trạm. Qua bàn tay của “lính thợ”, trang thiết bị kỹ thuật hư hỏng, gặp sự cố được bảo dưỡng, sửa chữa vận hành trở lại. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã gắn bó hơn 25 năm với nghề, coi trạm như mái nhà thứ hai. Điển hình như Thiếu tá Nguyễn Văn Khang, thợ sửa chữa ô tô, người gắn bó 27 năm với nghề cho biết: “Là người lính nhưng chúng tôi có nhiệm vụ riêng và luôn xác định đây là công việc quan trọng, không thể thiếu trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ”.

Trong quá trình sửa chữa máy móc, trang thiết bị kỹ thuật, nhiều “lính thợ” kịp thời có những sáng kiến góp phần nâng cao kỹ năng tay nghề, khả năng SSCĐ. Điển hình như năm 2015 và 2016, những chiếc xe Thiết giáp chạy động cơ xăng tiêu tốn nhiều nhiên liệu, lại do niêm cất ít sử dụng nên tính năng không ổn định. Trước thực tế đó, dưới sự chỉ đạo của cấp trên, những “lính thợ” của Bộ CHQS tỉnh đã thực hiện thay động cơ xăng cũ của xe Thiết giáp bằng động cơ dầu diesel. Qua đó tiết kiệm được 50% nhiên liệu tiêu hao và tăng tính ổn định cho xe. Trước đây, muốn thay thế lốp xe Thiết giáp cần ít nhất ba người bởi mỗi chiếc nặng hơn 100kg nên việc nâng lên, hạ xuống rất khó khăn. Mới đây, cán bộ, chiến sĩ ngành kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh đã nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị hạ nhanh lốp. Với thiết bị này, chỉ cần một chiến sĩ có thể dễ dàng vận hành thay thế lốp xe trong trường hợp khẩn cấp.

Ngoài những chiếc xe chuyên dụng, lực lượng vũ trang tỉnh còn được trang bị thêm nhiều phương tiện vận tải mới, hiện đại. Đặc biệt là hơn 10 chiếc ca nô cao tốc chuyên dụng trong phòng chống lụt bão. Do đó, để sửa chữa, bảo dưỡng tốt những phương tiện này, hằng năm, Bộ CHQS tỉnh cử cán bộ, chiến sĩ tham gia các lớp tập huấn của Ngành Kỹ thuật Quân khu, Tổng cục Kỹ thuật. Thiếu tá Ngụy Văn Đông, Trạm trưởng Trạm sửa chữa tổng hợp X82 cho biết: “Đội ngũ thợ sửa chữa của Trạm được đào tạo bài bản từ các trường trong quân đội, tuy nhiên họ chỉ quen sửa chữa các xe thế hệ 1 (xe do các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây sản xuất). Trong khi đó, những chiếc xe hiện đại được tích hợp nhiều công nghệ mới, tiềm ẩn nhiều “chứng bệnh” phức tạp, vì vậy những kiến thức được trang bị đã lạc hậu trước sự phát triển của khoa học công nghệ, nếu người thợ ít gặp phải sẽ rất khó xử lý. Điều đó đòi hỏi bộ đội phải thường xuyên tự nghiên cứu, học hỏi, tích cực bồi dưỡng để kịp thời cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ tay nghề”.

Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Chủ nhiệm Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang, được biết, do điều kiện nhân lực, kinh phí hạn chế nên đơn vị luôn khuyến khích cán bộ, chiến sĩ tích cực học hỏi, thực hành nhằm nâng cao trình độ tay nghề. Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thời gian và một phần kinh phí để các “lính thợ” yên tâm nghiên cứu đưa ra các sáng kiến nhằm cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn và lòng nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, cán bộ, chiến sĩ ngành kỹ thuật đang từng bước làm chủ trang, thiết bị, phương tiện có trong biên chế. Qua đó góp phần nâng cao khả năng SSCĐ của LLVT tỉnh.

BBG