Quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, thời gian qua, lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết kịp thời, chính xác chế độ cho thương binh.
Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang chi trả tiền truy lĩnh trợ cấp cho thương binh.
Vừa qua, Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang đã tổ chức chi trả truy lĩnh trợ cấp cho hàng chục thương binh. Ai cũng phấn khởi vì không chỉ được nhận một khoản tiền mà hơn hết, bao công sức của mình và đồng đội đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội ghi nhận. Ngồi quây quần bên đồng đội, ông Nguyễn Xuân Dục (SN 1947) ở phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) kể, ông nhập ngũ năm 1966. Trong một trận đánh ở Sài Gòn năm 1968, Đại đội 16, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 của ông bị địch tấn công, bản thân ông bị thương ở đầu, chân. Sau nhiều tháng điều trị, ông được điều động ra miền Bắc thực hiện nhiệm vụ khác, đến năm 1970 thì xuất ngũ.
Trên đường ra Bắc, xe ô tô chở ông Dục bị máy bay địch thả bom trúng, mọi giấy tờ, tư trang bị thiêu rụi. Vì thiếu giấy tờ nên đầu năm 2013, hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thương binh của ông bị thu hồi. Một thời gian dài ông bị mọi người hiểu lầm là trục lợi. Năm 2014, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 28 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chế độ chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Biết thông tin ấy, ông Dục đã làm đúng hướng dẫn của cán bộ chính sách, đi giám định thương tật với tỷ lệ 27% và mới đây ông đã được giải quyết chế độ.
Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 93 đồng chí được chi trả truy lĩnh thương binh; trong đó có 31 trường hợp bị thu hồi hồ sơ đã được bổ sung, hoàn thiện lại.
Do triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có 93 đồng chí được chi trả truy lĩnh thương binh; trong đó có 31 trường hợp bị thu hồi hồ sơ đã được bổ sung, hoàn thiện lại. Hồ sơ bị thu hồi chủ yếu do thiếu giấy tờ vì phần lớn thương binh không lưu giữ được giấy tờ gốc, trí nhớ giảm sút nên khai báo thiếu chính xác, phần do vẫn làm theo hướng dẫn cũ nên không được giải quyết. Trung tá Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh cho biết: Để có được kết quả này, Bộ CHQS tỉnh v đã quán triệt, thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu , Tỉnh ủy về tổ chức xét duyệt, giải quyết chế độ cho thương binh.
Theo đó, công tác này được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, kịp thời. Từ khi có Thông tư liên tịch số 28, cán bộ chính sách các cấp tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người thuộc diện hưởng chế độ viết bản khai, cung cấp các giấy tờ còn lưu giữ được sau đó gửi các cấp để xét duyệt, thẩm định. Để tránh trường hợp có đối tượng trục lợi, cơ quan chức năng đã gửi hồ sơ đến Phòng Giám định Kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng) giám định lại các giấy tờ có nét chữ, hình chân dấu có dấu hiệu lạ, đồng thời giám định mức độ thương tật.
Trước, trong và sau khi được giải quyết chế độ, nhiều thương binh đã trở thành tuyên truyền viên để tuyên truyền tới quần chúng nhân dân, nhất là những người thuộc diện được giải quyết chế độ về quy trình, thủ tục hưởng chế độ. Ông Nguyễn Quang Tiến (SN 1958) ở thị trấn Bích Động (Việt Yên) là một người như thế. Trong các cuộc họp của địa phương, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi của thị trấn, ông đều khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quân đội luôn quan tâm giải quyết chế độ cho thương binh. Ông cũng nhấn mạnh những người từng tham gia kháng chiến và bị thương cần khai báo chính xác, đúng hướng dẫn. Trước sự tích cực, nhiệt tình đó, nhiều thương binh tại nơi ông sinh sống đã nắm rõ quy trình, thủ tục, tiết kiệm thời gian giải quyết và được hưởng chế độ đúng quy định.
Để kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, ngày càng nâng cao chất lượng xác lập, xét duyệt, thẩm định hồ sơ, các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về chế độ, chính sách, điều kiện xác nhận đối với người có công với cách mạng. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện những vướng mắc, sai sót trong quá trình xác lập hồ sơ; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho đối tượng chính sách; các hành vi giả mạo, khai man. Bên cạnh đó, kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết.