Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều năm tháng gắn bó với núi rừng Việt Bắc. Tại đây, đồng chí đã có thời gian sống và làm việc cùng lãnh tụ Hồ Chí Minh, cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng hiện thực tư tưởng của Người vào xây dựng hậu phương, căn cứ địa, xây dựng lực lượng vũ trang, chỉ đạo quân và dân ta tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.


Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân khu phát biểu tham luận tại Hội thảo khoa học cấp Quốc gia: “Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam”.

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, Người đã quyết định chọn Cao Bằng làm nơi để xây dựng căn cứ địa cho cuộc đấu tranh giành chính quyền. Trong thời gian này, đồng chí Võ Nguyên Giáp với tên gọi là Dương Hoài Nam, được Người giao nhiệm vụ ở lại Trung Quốc tuyên truyền, vận động cách mạng người Việt Nam sinh sống tại đây và mở các lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ của Đảng. Đến cuối năm 1941, đồng chí về Cao Bằng được Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ “làm công tác vận động quần chúng, xây dựng các tổ chức cách mạng ở vùng căn cứ địa”[1].

Nhận nhiệm vụ, Võ Nguyên Giáp hăng hái đi đến các bản làng mở nhiều lớp huấn luyện quần chúng, làm công tác vận động nhân dân, tổ chức Việt Minh, tổ chức tự vệ. Đến công tác ở đâu, đồng chí cũng tìm hiểu kỹ tình hình địa phương, về đời sống, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc để triển khai công tác vận động quần chúng phù hợp thực tế, tìm mọi cách giúp đỡ các cơ sở, nhất là ở thời kỳ đầu để dìu dắt và đào tạo cán bộ lãnh đạo cho phong trào. Trong quá trình vận động quần chúng, Võ Nguyên Giáp còn tranh thủ học tiếng Tày, Nùng, Mông, Dao... để có thêm cơ hội gần gũi, trực tiếp trao đổi, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào thuộc nhiều dân tộc. Trong thời gian hoạt động ở Cao Bằng, đồng chí đã tham gia mở 3 lớp huấn luyện cán bộ ở Nguyên Bình, 6 lớp đào tạo cán bộ Việt Minh tại Hòa An... Các lớp huấn luyện cán bộ đã thu hút đông đảo hội viên trong đoàn thể cứu quốc của đồng bào các dân tộc ở cả vùng thấp lẫn vùng cao, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ cho tỉnh Cao Bằng và các tỉnh phụ cận... Từ những hạt giống đỏ này, các cơ sở cách mạng, các tổ chức cứu quốc nhanh chóng phát triển ra khắp các địa phương trong tỉnh.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng tại Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng quyết định mở rộng và phát triển căn cứ địa cách mạng theo ba hướng: Hướng Nam tiến từ trung tâm Cao Bằng phát triển xuống Bắc Kạn, Thái Nguyên do Võ Nguyên Giáp phụ trách. Đây là hướng trung tâm và quan trọng nhất, có nhiệm vụ mở con đường liên lạc từ Cao Bằng qua Ngân Sơn, Chợ Rã (Bắc Kạn) nối liền với Chợ Chu - Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên). Xác định Nam tiến là một yêu cầu chiến lược, là một chủ trương có tầm quan trọng đặc biệt, Võ Nguyên Giáp khẩn trương tập trung hơn 100 cán bộ, đội viên, phần lớn là con em của tỉnh Cao Bằng tình nguyện thoát ly gia đình tham gia. Đồng chí tổ chức ra 19 đội xung phong Nam tiến phối hợp cùng với các địa phương tiến hành vũ trang tuyên truyền, mở rộng địa bàn hoạt động theo các hướng đã xác định.

Để phong trào xung phong Nam tiến bảo đảm thắng lợi, Võ Nguyên Giáp vừa chỉ đạo các đội xung phong, vừa tranh thủ mở lớp huấn luyện cấp tốc cho các đội viên về phương hướng, nhiệm vụ mở đường. Các đội tỏa đi hoạt động theo phương thức “các tổ xung phong phát triển đi trước, hoạt động theo lối vũ trang tuyên truyền, bắt mối, điều tra, tuyên truyền gây cơ sở. Các tổ xung phong củng cố đến sau, chọn cốt cán trong quần chúng, mở lớp huấn luyện ngắn ngày, rồi dựa vào cán bộ địa phương mới được đào tạo mà phát triển phong trào”[2]. Những nơi có các “Đội Nam tiến” đi qua, quần chúng được giác ngộ, hăng hái tham gia các tổ chức cứu quốc, tinh thần cách mạng lên rất cao. Cùng thời điểm này, đồng chí Chu Văn Tấn từ Trung Quốc trở lại Bắc Sơn - Võ Nhai chỉ đạo Cứu quốc quân củng cốphong trào, mở đường “Bắc tiến” nối thông với Cao Bằng và tìm cách nối liên lạc với Trung ương Đảng ở An toàn khu 2 (Yên Thế, Hiệp Hoà - Bắc Giang, Phú Bình, Phổ Yên - Thái Nguyên). Đến tháng 10/1943, cánh quân Nam tiến do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách đã gặp đơn vị Bắc tiến của Cứu quốc quân, do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy ở xã Nghĩa Tá (Chợ Đồn). Từ đây, “Con đường quần chúng” cách mạng theo hướng “Nam tiến” trên địa bàn Việt Bắc đã nối liền với khu Căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai “mở ra triển vọng lớn, tạo điều kiện cho việc ra đời Khu giải phóng sau này”2. Kết quả của “Con đường Nam tiến”, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy đã thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng, phát triển lực lượng vũ trang ở các tỉnh Việt Bắc. Ngày càng nhiều các xã, các tổng hoàn toàn Việt Minh, các đội tự vệ chiến đấu được thành lập ở nhiều nơi. Cuối năm 1943 đầu năm 1944, các đội xung phong Nam tiến do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy sau khi hoàn thành nhiệm vụ, gây cơ sở và mở thông các đường liên lạc đã trở lại Cao Bằng tiếp tục củng cố xây dựng phong trào cách mạng, đào tạo cán bộ quân sự.

Cuối tháng 10/1944, sau khi lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về Nà Sác, huyện Hà Quảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp báo cáo kết quả “Con đường Nam tiến”, tình hình khủng bố của thực dân Pháp và chủ trương đối phó của ta. Qua nắm bắt tình hình và báo cáo của đồng chí Võ Nguyên Giáp, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ đạo hoãn ngay cuộc khởi nghĩa Cao - Bắc - Lạng và ra Chỉ thị thành lập một đội vũ trang giải phóng quân, quán triệt phương châm “Người trước, súng sau”, “Phải dựa chắc vào dân”3 và trực tiếp giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng ra thành lập.


Đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng 34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam đọc lời thề danh dự tại lễ thành lập đội, ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Nguyên Bình, Cao Bằng.

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình - Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chủ trì lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 đội viên, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, Dương Mạc Thạch làm Chính trị viên, Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch, tình báo. Ngay sau lễ thành lập, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp, trong 2 ngày 25, 26/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã tiến công hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần giành những thắng lợi đầu tiên. Thắng lợi đó “đã mở đầu cho truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu”[3] của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đầu năm 1945, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp, các lực lượng vũ trang cách mạng tại Căn cứ địa Việt Bắc gồm Cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân có bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra những tiền đề vững chắc để Trung ương Đảng đề ra các quyết sách quan trọng về quân sự tiến tới tổng khởi nghĩa. Thực hiện chủ trương Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ tại Hiệp Hoà (Bắc Giang) do Trung ương Đảng tổ chức (từ ngày 15/4 đến ngày 20/4/1945), Trung ương đã quyết định chia toàn quốc ra thành 7 chiến khu; tập trung xây dựng Việt Bắc thành căn cứ địa chống Nhật kiểu mẫu để mở rộng chiến tranh du kích; sáp nhập một sốtỉnh trung du vào Căn cứ địa Việt Bắc để làm vùng hoạt động du kích, bảo vệ căn cứ địa; thống nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân. Thực hiện chủ trương trên, ngày 15/5/1945, tại đình Làng Quặng, xã Định Biên Thượng, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chủ trì lễ thống nhất Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân thành “Việt Nam Giải phóng quân”. Đây là tổ chức quân sự có chỉ huy thống nhất có nhiệm vụ phối hợp với tự vệ, nhân dân chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, sẵn sàng tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước khi thời cơ đến. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân.

Mùa hè năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định di chuyển trung tâm lãnh đạo cách mạng từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang). Đồng chíVõ Nguyên Giáp đang công tác tại phía nam Việt Bắc lên đón Bác ở Chợ Đồn (Bắc Kạn), được Người chỉ đạo: “Cần phải chọn ngay trong vùng Tuyên Quang hoặc Thái Nguyên một địa điểm có dân tốt, địa hình tốt làm trung tâm liên lạc giữa miền xuôi, miền ngược, ra nước ngoài, làm nơi ở và làm việc”[4], đồng chíVõ Nguyên Giáp đã tham mưu để Người quyết định chọn Tân Trào, Sơn Dương (Tuyên Quang) làm nơi đặt đại bản doanh.

Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị tuyên bố thành lập Khu giải phóng. Tân Trào được chọn làm Thủ đô Khu giải phóng bao gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng phụ cận thuộc các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái. Khu giải phóng đặt dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng do Hồ Chí Minh đứng đầu, Võ Nguyên Giáp làm Ủy viên thường trực, đặc trách vấn đề quân sự.

Từ ngày 13/8 đến ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng được tổ chức tại Tân Trào (Tuyên Quang). Hội nghị đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngay trong đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8, “Quốc dân Đại hội” được tổ chức đã thông qua chủ trương toàn dân khởi nghĩa nhanh chóng giành chính quyền từ tay Nhật, trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Quy định Quốc kỳ, Quốc ca và thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) do lãnh tụHồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng. Thi hành Mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, chiều 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân. Một đơn vị giải phóng quân do ông chỉ huy từ Tân Trào, Tuyên Quang kéo về bao vây tấn công quân Nhật, giải phóng thị xã Thái Nguyên.

Từ ngày 18/8 đến 25/8/1945, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng khởi nghĩa đã hoàn toàn thắng lợi ở các tỉnh thuộc Việt Bắc. Chính quyền cách mạng của nhân dân Việt Bắc được thành lập từ tỉnh đến các thôn bản đã đặt dấu chấm hết cho gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp. Sau Việt Bắc, một loạt các tỉnh trong cả nước được giải phóng. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời, mở ra một thời kỳ mới trong chặng đường đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, với âm mưu và dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã nhanh chóng thỏa hiệp với phát xít Nhật để quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Trung ương Đảng, Chính phủ ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã phát động toàn quốc kháng chiến (19/12/1946).

Với địa thế “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ” và “địa lợi, nhân hòa” đáp ứng yêu cầu kháng chiến lâu dài, Trung ương và Chính phủ đã chọn huyện Định Hóa và các xã Bắc Đại Từ, Tây Phú Lương và huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), cùng với các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang); các xã Nam huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) làm nơi xây dựng An toàn khu - nơi ở và làm việc của các cơ quan đầu não kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Chính phủ, quân đội, các ban, ngành, đoàn thể.

Tại An toàn khu Việt Bắc, với tài năng quân sự của mình, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tham mưu cho Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đề ra các chủ trương đúng đắn về xây dựng căn cứ địa, về công tác quân sự; trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy quân và dân cả nước mở nhiều chiến dịch lớn góp phần quyết định, thay đổi cục diện chiến tranh, tiến tới kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, trên cương vị là Chỉ huy trưởng Chiến dịch, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo quân, dân ta chiến đấu bẻ gãy cuộc hành quân đầy tham vọng của thực dân Pháp, diệt và bắt hơn 6.000 tên địch, bắn rơi 18 máy bay, bắn cháy, bắn chìm 51 tàu chiến, phá hủy 255 xe cơ giới, trên 100 pháo cối các loại[5], thu hàng chục tấn vũ khí, đạn dược và quân trang quân dụng làm phá sản kế hoạch “Đánh nhanh thắng nhanh” chụp bắt Chính phủ kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao vây Căn cứ địa Việt Bắc. Với thắng lợi này, quân và dân Việt Bắc đã bảo vệ an toàn Trung ương Đảng và Chính phủ, bảo toàn và phát triển lực lượng vũ trang, giữ vững căn cứ địa kháng chiến, đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của địch, buộc chúng phải bị động đối phó với chiến lược đánh lâu dài của ta, thực hiện đúng quân lệnh của Tổng chỉ huy “phải đánh cho xứng với thanh danh Việt Bắc” và “tiêu diệt quân địch bảo vệ Việt Bắc”. Đêm 22/12/1947, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ đọc Nhật lệnh tuyên dương công trạng của quân và dân Việt Bắc. Từ thực tiễn chỉ huy chiến dịch đầu tiên, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã rút ra nhiều bài học bổ ích và những kết luận quan trọng để tiếp tục chỉ đạo xây dựng lực lượng, hoàn thiện khả năng tác chiến của quân đội đáp ứng yêu cầu cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc. Sau thắng lợi Việt Bắc Thu - Đông 1947, ngày 20/1/1948, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp.Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định sự trưởng thành và lớn mạnh của quân đội ta, khẳng định tài năng của đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Tại An toàn khu Việt Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều chỉ đạo, quyết sách quan trọng về công tác xây dựng lực lượng, phương thức tác chiến của quân đội. Năm 1949, tại An toàn khu Việt Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã chủ trì thành lập Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân tiên phong, đơn vị cấp sư đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Đây là cơ sở quan trọng để Trung ương Đảng và quân đội rút kinh nghiệm xây dựng các đơn vị chủ lực khác.

Nhằm tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch, mở thông đường giao lưu quốc tế, củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, Trung ương Đảng quyết định Chiến dịch Biên giới, đồng chí Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch. Trước khi Đại tướng lên đường ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này hết sức quan trọng, chỉđược thắng không được thua!”[6]. 

Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong gần một tháng chiến đấu (từ ngày 16/9 đến ngày 14/10/1950), quân và dân Việt Bắc đã phối hợp với các đơn vị chủ lực đánh hàng trăm trận, góp phần cùng quân dân cả nước tạo nên thắng lợi hết sức oanh liệt[7]. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã làm phá sản chiến lược quân sự, chính trị của Pháp. Ta tiêu diệt và bắt hơn 8.300 tên địch, thu trên 3.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh, trong đó có 600 tấn vũ khí, 1.000 tấn lương thực, thực phẩm; 750 km biên giới Việt - Trung từ Lào Cai đến Cao Bằng - Lạng Sơn được giải phóng; Căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và ngày càng được củng cố, nối liền với Liên khu 3, Liên khu 4 và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Thắng lợi này đã khẳng định sự chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau Chiến dịch Biên giới 1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục ở và làm việc tại An toàn khu Việt Bắc. Tại đây, đồng chí đã cùng Ban Thường vụ Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định nhiều chủ trương, quyết sách lớn về quân sự; trực tiếp chỉ huy các Chiến dịch Trung du, Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Chiến dịch Hà Nam Ninh, Chiến dịch Hòa Bình, Chiến dịch Tây Bắc, Chiến dịch Thượng Lào.


Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh Quân đội ta hoạch định kế hoạch tiến công Điện Biên Phủ, tháng 3-1954.

Tháng 9/1953, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh họp bàn nhiệm vụ quân sự, xác định chủ trương và chỉ đạo tác chiến chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954. Cuối tháng 12/1953, tại An toàn khu Việt Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi rời Việt Bắc lên đường ra mặt trận, Bác đã căn dặn: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền, có vấn đề gì khó khăn bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”; “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”[8]. Sau 56 ngày đêm anh dũng chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève (21/7/1954), chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Sau ngày Hiệp định Genève được ký kết, Đại tướngVõ Nguyên Giáp cùng Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tiếp tục ở lại Việt Bắc chỉ đạo các nhiệm vụ chống địch phá hoại, hàn gắn vết thương chiến tranh, chuẩn bị tiếp quản Thủ đô, cho đến ngày Thủ đô Hà Nội giải phóng (10/10/1954).

Quá trình hoạt động tại căn cứ địa Việt Bắc (1941-1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại những dấu ấn đậm nét, gắn liền với những chiến công hiển hách; để lại những tình cảm đặc biệt sâu đậm, gần gũi, thân thương. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cũng như quân và dân Việt Bắc - Quân khu 1 tưởng nhớ và tri ân những đóng góp vĩ đại của Đại tướng với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại những kinh nghiệm vô giá về tư tưởng, tổ chức, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm quý báu đó vẫn còn nguyên giá trị để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cũng như lực lượng vũ trang Việt Bắc kế thừa tiếp tục vận dụng vào xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và khu vực phòng thủ hiện nay. Lực lượng vũ trang Quân khu 1 đã cùng với các địa phương trên địa bàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị khóa X và Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22/2/2019 của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ. Từ kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy vận động xây dựng các tổ chức quần chúng, xây dựng các tổ chức vũ trang cách mạng trong xây dựng căn cứ địa Việt Bắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã phối hợp với các địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh, quốc phòng, an ninh với kinh tế; tăng cường củng cố tiềm lực chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ ngày càng vững mạnh.

Trung tướng NGUYỄN HỒNG THÁI, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân khu 

-----------------------------------------------------

[1].Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam: Võ Nguyên Giáp - Tiểu sử,Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.116.

[2], 2. Ban Nghiên cứu lịch sử quân đội thuộc Tổng cục Chính trị và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, t.1, tr. 73-74, 130.

3. Võ Nguyên Giáp:Những chặng đường lịch sử,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,1994,
tr. 134 - 135.

[3]. Ban Nghiên cứu lịch sử quân đội thuộc Tổng cục Chính trị vàViện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam,Sđd, t. 1, tr.120.

[4].Dẫn theo TS. Nguyễn Thành Hữu: “Nhớ Đại tướng trong mùa thu cách mạng”, Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 25/8/2014.

[5].Bộ Tổng tham mưu, Ban Tổng kết - Biên soạn lịch sử: Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Pháp, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản,Hà Nội, 1991, tr. 228.

[6].Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, Sđd, tr. 626.

[7].Việt Bắc, lần đầu tiên đã dốc toàn lực, sức người, sức của và đem hết tinh thần nghị lực, hăng hái tham gia chiến dịch. Ngoài hai Trung đoàn 174 và Trung đoàn 36 bổ sung cho Bộ Tổng Tư lệnh, Việt Bắc đã xây dựng Trung đoàn 176 và các tiểu đoàn chủ lực của tỉnh. Trong tổng số 121.700 dân công phục vụ chiến dịch, Việt Bắc đã góp gần 120.000 người. Đồng bào Việt Bắc đã cung cấp cho chiến dịch 316 tấn lương thực (16% nhu cầu của chiến dịch), 33 tấn muối, 530 con trâu, bò, lợn. Trong ba tháng phục vụ chiến dịch, đồng bào Việt Bắc vừa mở đường mới, sửa đường cũ, được gần 700 km...

[8].Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, Sđd, tr. 900.