“Cơm ngon đâu bởi nhiều tiền, vẫn tiêu chuẩn ấy cộng thêm nhiệt tình”. Câu nói quen thuộc đó từ lâu đã trở thành khẩu hiệu hành động của mỗi nhân viên, chiến sĩ nuôi quân Lữ đoàn Pháo binh 382. Để có “cơm dẻo, canh ngọt” phục vụ bộ đội, các “anh nuôi” luôn hết mình với công việc bằng tình yêu “nghề” sâu sắc.
Tìm hiểu về công việc bảo đảm nuôi quân tại đơn vị, chúng tôi được biết: Lực lượng “anh nuôi” được biên chế công tác tại mỗi bếp ăn thuộc Lữ đoàn 382 chiếm quân số không nhiều, với bếp ăn cấp tiểu đoàn được biên chế khoảng từ 6 đến 8 đồng chí, chịu trách nhiệm nấu ăn phục vụ khoảng 200 quân nhân. Công việc hằng ngày của họ là đảm bảo ba bữa ăn sáng, trưa và chiều trong ngày. Thời gian bắt đầu công việc thường là từ 3 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 19 giờ 30 phút tối mỗi ngày sau khi đã dọn dẹp xong.
Đại úy QNCN Đào Thị Thủy, Tiểu đội trưởng nuôi quân bếp ăn Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo binh 382 cùng các chiến sĩ nuôi quân sơ chế thực phẩm chuẩn bị bữa ăn phục vụ bộ đội.
Thiếu tá Nguyễn Gia Biên, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn cho biết: Mỗi bếp ăn có một tiểu đội phục vụ với 3 bộ phận gồm: bộ phận sơ chế, tinh chế; bộ phận chế biến nhiệt (hay còn gọi là nấu ăn) và bộ phận nhà bàn, vệ sinh. Mặc dù được chia ca phục vụ, tuy nhiên, nghề “anh nuôi” thực sự là một nghề vất vả, ví như là “làm dâu trăm họ”. Chính vì vậy, việc chọn lựa người đảm nhiệm chức trách này cũng phải được tiến hành rất kỹ càng. Trước hết, phải đảm bảo yếu tố có năng khiếu về nấu ăn, rồi phải có đam mê, tinh thần trách nhiệm cùng với tính kiên trì nhẫn nại cao…
Thăm bếp ăn Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 382, quan sát bảng thực đơn trong ngày và công việc bếp núc, chúng tôi thấy rõ hơn sự vất vả của những người lính nuôi quân. Toàn bộ cả ba bữa sáng, trưa, chiều trong ngày đều phải đảm bảo thực đơn: món có hàm lượng đạm cao như thịt, cá, đậu… hai món rau luộc, xào; canh, nước chấm. Ngoài ra, mỗi bàn ăn còn có thêm các lọ gia vị như nước mắm, giấm ớt, giấm tỏi, muối lạc và trái cây tráng miệng.
Đại úy QNCN Đào Thị Thủy, Tiểu đội trưởng nuôi quân cho biết: Hiện nay, các bếp ăn của đơn vị đều sử dụng lò hơi công nghệ mới nên việc nấu ăn có thuận tiện hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo phục vụ bộ đội ăn ngon miệng, ăn hết tiêu chuẩn thì đòi hỏi những chiến sĩ nuôi quân phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc; thường xuyên nghiên cứu thay đổi phương pháp chế biến món ăn hợp khẩu vị chiến sĩ ở từng địa phương, vùng miền; điều chỉnh thời gian, lực lượng hợp lý trong tiểu đội... để chất lượng phục vụ tốt nhất.
Mặc dù chưa qua đào tạo về nấu ăn, song với niềm đam mê công việc, vào thời gian rảnh rỗi, chị Thủy thường xuyên đọc sách, nghiên cứu về những món ăn, tìm hiểu cách chế biến những thực phẩm có trong thực đơn bữa ăn hằng ngày của bộ đội để nâng cao tay nghề. Với chị, phục vụ bữa ăn hằng ngày cho bộ đội cũng như phục vụ bữa ăn cho chính những người thân trong gia đình mình. Chị tiết lộ: Việc lên thực đơn hay nấu nướng cũng cần hết sức chú ý đến việc kết hợp các món ăn hay gia vị, vì có những món ăn hay gia vị khi kết hợp cùng nhau sẽ gây ra phản ứng không mong muốn như giảm tỷ lệ dinh dưỡng trong thực phẩm, cá biệt có thể gây ra ngộ độc…
Với thâm niên 28 năm công tác, gắn bó tại đơn vị, Thiếu tá QNCN Trần Văn Dũng, nhân viên nuôi quân bếp ăn Lữ đoàn bộ có nhiều kỷ niệm với công việc của mình, anh kể: Vất vả, khó khăn nhất của chiến sĩ nuôi quân đó là các đợt phục vụ đơn vị hành quân dã ngoại và diễn tập. Khi đó, chiến sĩ nuôi quân vừa phải triển khai làm hệ thống bếp Hoàng Cầm đúng quy cách, bảo đảm yếu tố bí mật, sát thực tế chiến đấu, vừa phải có kế hoạch tiếp phẩm, khai thác chất đốt, nguồn nước tại chỗ, lo khẩu phần ăn cho bộ đội đúng, đủ, ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm… đó là công việc phải triển khai thực hiện trong điều kiện thuận lợi, còn khi vào tình huống, có khi cơm đang sôi vẫn phải cơ động di chuyển sang địa điểm khác do bị “địch” tấn công vào khu vực bếp nấu. Những lúc như vậy thì không thể tả hết nỗi vất vả của bộ phận phục vụ hậu cần, song anh em luôn động viên nhau vượt qua khó khăn, bảo đảm “ăn chín, uống sôi”, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ bộ đội tham gia diễn tập.
Gần 2 năm tuổi quân và tròn 1 năm tuổi “nghề”, mặc dù thời gian chưa dài, nhưng cũng giúp Binh nhất, “anh nuôi” Vũ Văn Thắng có những trải nghiệm khó quên. Được biết, trước khi nhập ngũ Thắng đã làm đầu bếp tại một nhà hàng tại địa phương với thu nhập gần 8 triệu đồng/tháng. Do có chút năng khiếu, tay nghề nấu ăn và tính tình hiền lành, nên kết thúc khóa huấn luyện tân binh, chuyển sang huấn luyện chuyên ngành binh chủng pháo binh được một thời gian ngắn thì đơn vị lựa chọn, chuyển Thắng về công tác về tiểu đội nuôi quân của Tiểu đoàn 3.
Tâm sự về “nghề” của mình, Thắng chia sẻ: Làm chiến sĩ nuôi quân thì không chỉ phải giỏi công việc của bộ phận mình, mà còn phải biết làm nhiệm vụ của bộ phận khác. Sơ chế, tinh chế yêu cầu phải phân loại, làm sạch sẽ các loại thực phẩm. Đặc biệt khi thái thực phẩm như thịt, cá, rau, củ, quả… phải đẹp, đúng kích cỡ để khi chia món ăn theo khẩu phần, bảo đảm đều như nhau cả về số lượng, chất lượng. Công việc hằng ngày đã như con mọn, khi đơn vị hành quân diễn tập, huấn luyện dã ngoại, đường xa, vác nặng còn vất vả hơn nhiều phần. Đến địa điểm dừng chân, chiến sĩ nuôi quân phải bắt tay ngay vào lo cơm nước, gặp lúc thời tiết nắng ráo thì đỡ, khi mưa gió, củi ướt thì rất khó khăn…Vất vả là vậy, tuy nhiên Thắng cho biết em rất vui vì được phân công nhiệm vụ này, vì nó giúp em phát huy tốt năng lực, sở trường của bản thân.
Nói về các anh, chị nuôi quân, Thiếu tá Nguyễn Gia Biên, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 382 khẳng định: Thời gian qua, Lữ đoàn đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” một cách hiệu quả; tất cả các bếp ăn tập thể đều đăng ký thi đua và hằng năm đều đạt “Bếp nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”. Nhờ sự tận tình của đội ngũ “anh nuôi” nên đơn vị luôn bảo đảm quân số khỏe, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Bài và ảnh: Bùi Hiệp, Xuân Giang