Ph.Ăng-ghen (1820-1895) là một nhà khoa học, triết học và một nhà lý luận chính trị người Đức. Với trí tuệ uyên bác, tinh thần khoa học cần mẫn và phẩm chất nhân văn cao đẹp, luôn mong muốn đem đến những điều tốt đẹp cho nhân loại, Ph.Ăng-ghen đã luôn sát cánh cùng C.Mác nghiên cứu, chỉ ra quy luật tất yếu khách quan của quá trình vận động, biến đổi, phát triển xã hội loài người, từ đó khẳng định tiến trình phát triển của nhân loại sẽ đi đến xã hội cộng sản chủ nghĩa tốt đẹp, tiến bộ, văn minh, ấm no, hạnh phúc.
Đặc biệt, Ph.Ăng-ghen đã có những luận giải sâu sắc về bản chất ưu việt, dân chủ, tiến bộ của nhà nước vô sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa. Những tư tưởng có giá trị thời đại ấy của Ph.Ăng-ghen đã, đang và sẽ mãi soi đường, chỉ lối cho Việt Nam trên con đường xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam.
Không chỉ có những tác phẩm viết chung cùng C.Mác, Ph.Ăng-ghen còn có rất nhiều tác phẩm riêng nghiên cứu sâu về vấn đề nhà nước (“Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”, “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh”, “Bàn về quyền uy”,…) và là người có công lớn trong việc hoàn thiện lý luận về nhà nước của chủ nghĩa Mác. Những tư tưởng của Ph.Ăng-ghen về nhà nước, đặc biệt là về bản chất của nhà nước, bản chất ưu việt của nhà nước vô sản đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ph.Ăng-ghen khẳng định nhà nước xuất hiện và tồn tại trong giai đoạn xã hội có sự phân chia thành giai cấp. Nguồn gốc trực tiếp nảy sinh nhà nước là do những giai cấp có quyền lợi kinh tế đối lập, mâu thuẫn, xung đột với nhau ở mức không thể điều hòa được, “nhà nước nảy sinh ra từ nhu cầu phải kiềm chế những sự đối lập giai cấp…, cho nên theo lệ thường, nhà nước là nhà nước của giai cấp có thế lực nhất, của cái giai cấp thống trị về mặt kinh tế và nhờ có nhà nước mà cũng trở thành giai cấp thống trị về mặt chính trị và do đó có thêm được những phương tiện mới để đàn áp và bóc lột giai cấp bị áp bức”,“nhà nước là một tổ chức của giai cấp hữu sản, dùng để bảo vệ giai cấp này chống lại giai cấp không có của”.
Ph.Ăng-ghen cũng chỉ rõ, dù trong bất kỳ chế độ xã hội nào, nhà nước luôn luôn “vẫn chỉ là nhà nước của giai cấp thống trị, và trong mọi trường hợp, về thực chất, vẫn là bộ máy dùng để đàn áp giai cấp bị áp bức, bị bóc lột”. Ngay cả đối với nhà nước tư sản trong chế độ tư bản chủ nghĩa, dù luôn được các học giả tư sản tuyên bố rằng đó là chính quyền của nhân dân, là một chế độ dân chủ, song thực chất “nhà nước đại nghị hiện đại là công cụ của tư bản dùng để bóc lột lao động làm thuê”, “giai cấp tư sản đã đem sự bóc lột công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn” đối với người lao động. Ph.Ăng-ghen nhấn mạnh:
“Người ta tưởng tượng là đã tiến được một bước táo bạo phi thường, nếu họ tự giải thoát khỏi lòng tôn sùng chế độ quân chủ thế tập và trở thành những người theo chế độ cộng hòa dân chủ. Nhưng thực ra, nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác, điều đó, trong chế độ cộng hòa dân chủ cũng hoàn toàn giống như trong chế độ quân chủ”.
Khi bàn về nhà nước vô sản, Ph.Ăng-ghen đồng tình với quan điểm của C.Mác về tính tất yếu của nhà nước vô sản trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, rằng: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia.
Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”, và “Mục đích trước mắt của những người cộng sản cũng là mục đích trước mắt của tất cả các đảng vô sản khác: tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”.
Đặc biệt, Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra bản chất ưu việt khác biệt của nhà nước vô sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa so với các nhà nước đã có trong lịch sử. Nhà nước vô sản là nhà nước dân chủ, là chính quyền của số đông người dân lao động, là một chế độ dân chủ thật sự. Ph.Ăng-ghen viết: “Dân chủ ngày nay là chủ nghĩa cộng sản. Bất cứ thứ dân chủ nào khác đều chỉ có thể tồn tại trong đầu óc của những nhà lý luận uyên bác không cần biết gì đến những sự kiện thực tế”.
Tính dân chủ, mục tiêu dân chủ của nhà nước vô sản đã được thể hiện ngay từ khi giai cấp vô sản tiến hành cuộc cách mạng lật đổ giai cấp tư sản: “trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”. Chính cuộc cách mạng của giai cấp vô sản đã “tạo ra một chế độ dân chủ”, một chính quyền dân chủ, một nhà nước dân chủ. Và, “thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.
Chính từ những luận giải khoa học ấy của Ph.Ăng-ghen cùng với Mác và sau này là V.I.Lênin về vấn đề nhà nước, nhất là lý luận về bản chất ưu việt của nhà nước vô sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thấy được chân lý, tìm ra con đường đúng đắn lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi, giành được độc lập tự do cho dân tộc, đồng thời lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, tổ chức xây dựng nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam đạt những thành tựu phát triển to lớn, đem lại cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, dân chủ, công bằng, văn minh cho đông đảo tầng lớp nhân dân Việt Nam.
Trên cơ sở những phân tích của Ph.Ăng-ghen về bản chất dân chủ ưu việt của nhà nước vô sản, nhiều năm qua Việt Nam luôn nhất quán kiên định và nỗ lực xây dựng và hoàn thiện nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng ngay từ đầu đã luôn xác định, đó phải là chế độ xã hội tốt đẹp dân chủ, tiến bộ, văn minh thật sự:
“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Bao năm qua, nhờ luôn kiên định theo những chỉ dạy của Ph.Ăng-ghen, nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ngày càng được hoàn thiện và chứng minh trong thực tế là nhà nước của nhân dân, là chính quyền của nhân dân. Nhà nước Việt Nam ngay từ đầu đã luôn nỗ lực để trở thành một nhà nước dân chủ, một chế độ dân chủ thực sự, phấn đấu không ngừng để thực hiện những mục tiêu tốt đẹp vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân.
Mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước đều “xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”; “Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”, “thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”. Nhà nước luôn đồng hành cùng mọi tầng lớp nhân dân nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu cao đẹp của cả dân tộc, “phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn”.
Nhà nước Việt Nam cũng luôn chú trọng công tác đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để kịp thời có sự điều chỉnh, đổi mới trong cách thức tổ chức và phương thức hoạt động, đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu quả phân công, phối hợp thực thi nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước,… để ngày càng hoàn thiện Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam dân chủ, nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Mặc dù thực lực nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song với quyết tâm xây dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa ưu việt, dân chủ thật sự trong thực tế theo tư tưởng của Ph.Ăng-ghen, nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn cố gắng thực hiện tốt nhất vai trò của mình, điều hành, chỉ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tăng cường thực hiện an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, luôn chú trọng chăm lo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, bảo đảm công bằng, dân chủ xã hội,... kể cả trong những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng của nền kinh tế hay trong những bối cảnh đại dịch, thiên tai,... trên tinh thần không để người dân phải chịu khổ, chịu đói... hay bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước.
Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được đến nay, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm nước cao của thế giới.
“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” là minh chứng sống động cho những nỗ lực và bản chất dân chủ ưu việt của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc điều hành, chỉ đạo công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trên tinh thần luôn kiên định theo chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, Ph.Ăng-ghen nói riêng đã chỉ dạy, với mục tiêu duy nhất là đem lại cuộc sống ngày càng ấm no, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, tiến bộ, văn minh cho mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam.
Theo Báo Nhân Dân