Trong những ngày tháng hào hùng và sôi động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân khu 1 tại nhà riêng. Trong căn phòng ấm cúng, bên cạnh những tấm huân, huy chương là những bức ảnh ghi dấu một thời ăm ắp kỷ niệm, Trung tướng Phạm Xuân Thệ hồi tưởng về những năm tháng trên chiến trường khói lửa, rồi kể cho chúng tôi nghe về trận đánh ác liệt ở động Cô Tiên, chiến trường bắc Quảng Trị, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi đó, ông là Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân khu 1 kể chuyện về những năm tháng ở chiến trường khói lửa. Ảnh: HẢI BIÊN
Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhớ lại: “Sau Tết Nguyên đán Canh Tuất (năm 1970), Mỹ rút dần về phía sau để thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, lực lượng địch ở phía trước trên địa bàn bắc Quảng Trị chỉ còn chủ yếu là quân đội ngụy. Những ngày cuối tháng 5-1970, bộ chỉ huy vùng 1 chiến thuật ngụy đổ quân xuống động Cô Tiên nhằm đẩy ta ra xa và tạo vành đai an toàn cho vùng tiếp giáp đồng bằng Quảng Trị. Thực hiện ý định của cấp trên, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66 được giao nhiệm vụ vượt sông Đăk Krông từ phía đông sang phía tây để bao vây, tiêu diệt quân địch ở động Cô Tiên”.
Trong ký ức của Trung tướng Phạm Xuân Thệ, động Cô Tiên là một dãy điểm cao liên hoàn nằm sát sông Đăk Krông. Lực lượng địch đóng trên động Cô Tiên gồm một tiểu đoàn bộ binh và một sở chỉ huy nhẹ thuộc Trung đoàn 54, Sư đoàn bộ binh số 3 quân ngụy. Đây là một căn cứ khá kiên cố, trước đây quân đội Mỹ đã chiếm đóng, có nhiều lô cốt và hầm hào. Khi địch đổ quân, chúng đã đổ cả lô cốt bê tông cốt thép đúc sẵn xuống, nhanh chóng xây dựng thành một cứ điểm ở trên cao có công sự vững chắc. Cùng với các hàng rào cũ ở vòng ngoài của căn cứ Mỹ trước đây, bên trong chúng bố trí thêm hai lớp hàng rào bùng nhùng mới và rất nhiều các loại mìn. Lực lượng chủ yếu của địch bố trí trên điểm cao 372 có mặt bằng rộng và cao, lực lượng còn lại bố trí trên hai mỏm đồi, mỏm nọ cách mỏm kia khoảng gần 200m.
Ánh mắt nhìn xa xăm nhớ về một thời khói lửa, đầy bom rơi, đạn nổ trên chiến trường năm xưa, Trung tướng Phạm Xuân Thệ chầm chậm kể: “Đêm 29 rạng sáng ngày 30-5, đơn vị của chúng tôi tổ chức vượt sông Đăk Krông. Ngày 1-6, đơn vị bắt đầu tiếp cận đến được chân điểm cao động Cô Tiên. Trong quá trình vượt sông, bộ phận đi cuối cùng của Tiểu đoàn 9 bị máy bay trực thăng địch phát hiện và đánh vào đội hình làm bị thương và hy sinh một số đồng chí. Ngay sau đó, địch dùng pháo binh và máy bay bắn phá vào các dải địa hình xung quanh động Cô Tiên.
Trong khi cơ động tiếp cận địch, đồng chí Trương Đình Thăng, Đại đội trưởng Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, quê ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa) bị thương nặng không tham gia chiến đấu được. Đồng chí Lê Hải Triền, Đại đội phó, quê ở Hưng Yên được cấp trên chỉ định lên thay đồng chí Trương Đình Thăng làm Đại đội trưởng. Lúc này, tôi được cấp trên chỉ định làm Đại đội phó thay đồng chí Triền. Đêm mùng 1 rạng sáng ngày 2-6, đơn vị của chúng tôi thực hành tiềm nhập tiếp cận địch. Đội hình Tiểu đoàn 9 chia làm 3 hướng. Hướng chủ yếu là Đại đội 9, Đại đội 10 (thiếu). Đại đội 11 đảm nhiệm hướng thứ yếu. Một trung đội của Đại đội 10 đảm nhiệm hướng chốt chặn. Đại đội 12 là đại đội trợ chiến đảm nhiệm nhiệm vụ sử dụng súng cối 82mm chi viện trong quá trình chiến đấu”.
Từng chi tiết của trận đánh năm xưa cứ thế ùa về trong tâm khảm của Trung tướng Phạm Xuân Thệ. Nhấp tạm chén trà, ông bồi hồi kể tiếp: “Khoảng 4 giờ sáng, tôi cùng đồng đội vượt qua được 2 hàng rào cũ của địch. Khi bắt đầu chạm hàng rào thứ 3, là hàng rào chúng mới bố trí trước đó mấy ngày, thì đúng lúc đó trên hướng chủ yếu, khi tiềm nhập bộ đội vấp phải mìn địch nên bị lộ. Trước tình huống trên, Tiểu đoàn ra lệnh cho các đơn vị đồng loạt nổ súng. Địch bắn ra xối xả và chống trả quyết liệt, do vậy tốc độ tiến công của ta rất chậm, đến gần sáng mà hướng chủ yếu của Đại đội 9 và Đại đội 10 vẫn gặp khó khăn, không phát triển chiến đấu được. Lệnh của Tiểu đoàn trưởng cho hướng thứ yếu của Đại đội 11, nhanh chóng dùng bộc phá ống để phá rào, mở cửa phát triển vào bên trong cứ điểm địch, chi viện cho hướng chủ yếu. Tôi chỉ huy đội cửa mở mang bộc phá ống lên phá nốt hai hàng rào còn lại của địch. Khi hai lớp hàng rào còn lại được mở tung, lực lượng Đại đội 11 lập tức xung phong đánh thẳng vào trung tâm mỏm B (mỏm cao nhất) của dãy động Cô Tiên. Tôi cùng đồng đội nhanh chóng đánh chiếm từng lô cốt, ụ súng, tiêu diệt từng hỏa điểm của địch. Đúng lúc này, Đại đội trưởng Lê Hải Triền bị thương, tôi đã thay đồng chí Triền tiếp tục chỉ huy đơn vị phát triển chiến đấu đánh vào trung tâm cứ điểm địch, tạo điều kiện cho hướng chủ yếu phát triển. Khi đánh chiếm được lô cốt cao nhất trên đỉnh đồi, dưới ánh sáng của pháo sáng địch, tôi quan sát thấy bộ đội ta ở các hướng đang tiếp tục tiến công vào trung tâm. Riêng hướng vu hồi của một trung đội thuộc Đại đội 10 thì chưa nghe thấy tiếng súng của ta.
Ngay sau đó, tôi đứng lên trên đỉnh lô cốt cao đó và hô to: Tôi - Phạm Xuân Thệ đây, Phạm Xuân Thệ đây! Đại đội 11 đã vào đánh chiếm được điểm cao trung tâm rồi, tất cả các hướng xông lên!” Kể đến đây, Trung tướng Phạm Xuân Thệ đứng vùng dậy, giọng hào sảng như đang trực tiếp chỉ huy các hướng đồng loạt tiến công tiêu diệt địch.
Đã gần 55 năm trôi qua, tuổi thì cao, tóc cũng bạc, vậy mà Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể không bỏ sót một chi tiết nào về trận đánh: “Đến khoảng 6 giờ sáng, tôi phát hiện thấy một tốp địch cách mình khoảng 100m đang chạy. Tôi liền giương khẩu AK siết cò. Nhưng bỗng nhiên tôi thấy mặt mũi tối sầm lại. Sau một thoáng bị choáng, tôi mới biết mình bị một quả đạn M79 của địch bắn trúng khẩu AK đang cầm trên tay. May mà tôi đội mũ sắt nên chỉ bị những mảnh đạn nhỏ găm vào cánh tay, bàn tay và mặt, nên bị thương nhẹ, còn khẩu AK bị gãy làm đôi. Lúc này bên cạnh tôi có mấy đồng chí bị thương đang được đồng đội băng bó. Trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Biên, quê ở Đô Lương (Nghệ An). Tôi liền chạy lại, lấy khẩu AK của đồng chí Biên để tiếp tục chiến đấu.
Đến khoảng 8 giờ sáng, Tiểu đoàn 9 chúng tôi đã đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn cứ điểm địch ở động Cô Tiên. Toàn đơn vị tiếp tục truy lùng bọn tàn bình và thu gom chiến lợi phẩm. Khoảng 9 giờ sáng, sau khi địch biết cứ điểm ở động Cô Tiên đã bị mất, chúng bắt đầu dùng máy bay và pháo binh đánh phá vào các khu vực xung quanh động. Tiểu đoàn 9 được lệnh của Trung đoàn nhanh chóng thu dọn chiến trường, đưa thương binh, tử sĩ về phía sau, đồng thời rời khỏi trận địa, chỉ để lại một bộ phận tổ chức chốt giữ những điểm cao của động Cô Tiên, sẵn sàng đánh địch phản kích. Ngày 3-6, đơn vị chúng tôi tiến hành giải quyết thương binh, tử sĩ, sau đó lui về đứng chân cách động Cô Tiên 3km, tiếp tục củng cố, bổ sung lực lượng, sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không ra các điểm cao khác”.
Kể đến đây, Trung tướng Phạm Xuân Thệ hào hứng cho chúng tôi xem những tấm hình, kỷ vậy và cả những cuốn hồi ký về một thời hoa lửa. Ông nói: Tiểu đoàn 9 đã chiến đấu dũng cảm và kiên quyết, tiêu diệt và làm thiệt hại nặng một tiểu đoàn và sở chỉ huy nhẹ của Trung đoàn 54, Sư đoàn 3 ngụy. Đây là trận đánh có hiệu suất chiến đấu rất cao. Sau trận đánh này, chúng tôi còn được đơn vị và báo chí ca ngợi là “Cơn lốc động Cô Tiên”.
Với tinh thần chỉ huy, chiến đấu quả cảm, sáng tạo và kiên cường trong trận đánh địch ở động Cô Tiên, cùng những thành tích đã đạt được, ông được trên tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Hai và được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp Sư đoàn, được báo cáo thành tích điển hình trong Đại hội mừng công của Sư đoàn 304. Trong đợt tập huấn của Sư đoàn 304 cuối năm 1970, ông được chọn báo cáo điển hình để trao đổi kinh nghiệm chiến đấu với các cán bộ từ cấp trung đội đến tiểu đoàn.