Cập nhật ngày: 07/05/2024 13:28 (GMT +7)
Cách đây vừa tròn 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tiến hành thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân viễn chinh Pháp, đập tan cố gắng chiến tranh cao nhất của Chính phủ Pháp.
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là bản anh hùng ca của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”(I), mà còn đánh dấu sự phát triển cao về nghệ thuật quân sự Việt Nam và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó có bài học về xây dựng “thế trận lòng dân”.
Có thể quan niệm “thế trận lòng dân” là sự tổ chức, bố trí, xây dựng, tạo lập điều kiện trong thế trận chung của đất nước nhằm quy tụ sức mạnh tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân theo mục tiêu chính trị thống nhất, thực hiện thắng lợi những yêu cầu của nhiệm vụ cứu nước và giữ nước, mà thực chất là nhân tố tinh thần của nhân dân được quy tụ và phát huy tạo thành sức mạnh chiến thắng kẻ thù. Vấn đề lòng dân, “thế trận lòng dân” luôn luôn là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu trong công cuộc giữ nước, chống ngoại xâm, trong chiến lược xây dựng sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc.
Vào giữa thế kỷ XX, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một thiết chế vật chất quân sự mạnh của một quân đội đế quốc cỡ hàng đầu thế giới và đã có truyền thống lục quân hằng mấy trăm năm. Một lực lượng vật chất quân sự như vậy chỉ có thể bị đánh bại bởi một lực lượng vật chất đối sánh mạnh hơn. Lực lượng tinh thần, “thế trận lòng dân” dù to lớn đến đâu thì tự bản thân nó và chỉ riêng nó cũng không giải quyết được mọi vấn đề. Quy luật nghiệt ngã của chiến tranh là “mạnh được yếu thua”, để chiến thắng, nhất thiết phải tạo ra được sức mạnh, ưu thế hơn hẳn kẻ thù, nhất là ta phải đối phó với quân Pháp có ưu thế tuyệt đối hơn ta về xe tăng và không quân trong cuộc đối đầu giữa chủ lực hai bên ở chiến trường Điện Biên Phủ...
Nhưng, lại đúng là sức mạnh tinh thần Việt Nam, là “thế trận lòng dân” mà cốt lõi là tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, ý chí quật cường, quyết chiến, quyết thắng của nhân dân được khơi dậy, quy tụ, được phát huy trong thế trận chung theo mục tiêu chính trị của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh… đó là sức mạnh trước hết, trên hết khởi nguồn, đồng thời cũng là chất xúc tác cực mạnh cho mọi sức mạnh đánh thắng quân xâm lược của dân tộc ta trong Chiến cục Đông Xuân 1953 -1954 nói chung, Chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ nói riêng đạt đến đỉnh cao nhất. Không có sức mạnh tinh thần đó, không có “thế trận lòng dân” đó thì rất khó có Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ngày 7-5-1954, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. Ảnh tư liệu
Trong đó, sức mạnh tinh thần, “thế trận lòng dân” của quân và dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ là sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện đại, một chủ nghĩa yêu nước trong khi kế thừa truyền thống yêu nước từ ngàn xưa để lại đã biết đổi mới phát triển và hấp thu những luồng gió mới của thời đại trong thế kỷ XX đầy sôi động của các phong trào giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đó còn là chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, lại nằm trong cao trào của Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, khi mà những người tham gia kháng chiến hầu hết vừa được giải phóng khỏi cảnh bị áp bức, bị bóc lột và cảnh thống khổ bởi sưu cao, thuế nặng; của bầu không khí ngột ngạt vì nghèo đói xác xơ mà tiêu điểm là nạn đói khủng khiếp năm 1945 ở Việt Nam...
Thế rồi, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở nước ta đã nổ ra và thành công, làm thay đổi căn bản bộ mặt của đất nước Việt Nam, nhân dân ta đã giành được độc lập, tự do và vô cùng phấn khởi, hân hoan với thành quả mới giành được ấy. Cũng do đó, để bảo vệ chế độ mới, bảo vệ những thành quả của nền độc lập, tự do vừa mới giành được ấy, người dân tự giác chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để có được thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và làm cho tinh thần yêu nước Việt Nam, “thế trận lòng dân” của dân tộc ta đạt tới đỉnh cao, nó có sức mạnh để nhấn chìm và cuốn trôi mọi thế lực cướp nước và bán nước đương thời.
Đặc biệt, Chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 là một chiến dịch lớn, dài ngày, trên địa bàn rừng núi ở cách xa vùng tự do của ta (từ Việt Bắc sang tới Điện Biên Phủ khoảng 200km, từ Thanh - Nghệ - Tĩnh ra tới Điện Biên Phủ khoảng 500-700km). Khó khăn lớn nhất của Quân đội và nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là đảm bảo hậu cần (riêng gạo cần có khoảng 80 tấn/ngày).
Để giành được thắng lợi, quân và dân ta đã khắc phục nhiều khó khăn do mưa lũ gây nên, chủ động triển khai tuyến vận tải, tiếp tế trên quãng đường dài để bảo đảm cung cấp kịp thời đạn dược, lương thực, thuốc men và lực lượng mới cho chiến dịch diễn ra dài ngày với lượng tiêu thụ, tiêu hao lớn chưa từng có. Theo số liệu từ Hội đồng Cung cấp Trung ương của Mặt trận, trong cả Chiến cục Đông Xuân 1953-1954, ta đã huy động gần 40.000 tấn gạo, hàng nghìn tấn thực phẩm, hơn 500.000 dân công, 23.000 xe đạp thồ, hơn 4.000 thuyền và các lực lượng vận tải khác.
Riêng đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện chủ trương “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành thắng lợi cho chiến dịch này”(II), một cuộc vận động nhân dân về vật chất để chi viện cho tiền tuyến đã diễn ra rầm rộ, rộng lớn nhất trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ đầu tháng 12-1953, công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ được tiến hành hết sức khẩn trương; từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4, vùng mới giải phóng Tây Bắc, đến vùng du kích và căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ đều dồn sức người, sức của cho Điện Biên, cả hậu phương hùng hậu một lòng hướng ra mặt trận.
Nhân dân ở các vùng tự do và vùng tạm chiếm đều hăng hái tự nguyện đóng góp thuế nông nghiệp, bán thực phẩm, đóng góp tiền của cung cấp cho bộ đội ở tiền tuyến; nhiều gia đình mang cả thóc giống cung cấp cho bộ đội; cùng với đó là hàng chục vạn dân công và thanh niên xung phong được huy động phục vụ chiến dịch. Đặc biệt, khi địch phá đường, thanh niên xung phong, bộ đội, dân công hoả tuyến lại làm đường, mở thêm đường mới; quân và dân ta đã tận dụng cả đường bộ và đường sông và sử dụng mọi phương tiện vận chuyển từ thô sơ đến hiện đại làm tăng thêm khả năng và khối lượng vận chuyển, tiếp tế…
Mặc dù Pháp đã sử dụng tận lực không quân để phá tuyến đường vận tải, nhưng với tinh thần dũng cảm, quên mình, dân công cùng các chiến sĩ công binh, vận tải đã vô hiệu hoá mọi thủ đoạn của kẻ thù. Dưới sự uy hiếp thường xuyên của máy bay địch, những xe ô tô vận tải vẫn vượt đèo Pha Đin, những chiếc mảng chở từ 2 tạ đến 3 tạ gạo do dân công phụ trách theo dòng Nậm Na vượt hơn 100 ghềnh thác; những đoàn xe đạp thồ, mỗi chiếc chở hàng tạ gạo (cao nhất tới 352kg) vượt hàng trăm km đường đèo dốc ngày đêm chuyển hàng ra tiền tuyến…
Theo thống kê của Tổng cục Hậu cần, số lương thực, thực phẩm được huy động tính tại gốc là 20.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt, hàng nghìn tấn thực phẩm. Chỉ tính riêng số được chuyển ra mặt trận là 23.056 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm. Riêng “nhân dân Tây Bắc đã cung cấp cho tiền tuyến 47% nhu cầu gạo, 43% nhu cầu thịt, 100% rau tươi, 100% thuyền và ngựa được sử dụng, cung cấp 14% số ngày công chủ yếu từ trung tuyến ra tiền tuyến” (III) …
Rõ ràng, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã xây dựng và phát huy được “thế trận lòng dân”, huy động được tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải, cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc, với tinh thần toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến… Sự kết hợp huy động khả năng hậu cần tại chỗ và đưa từ hậu phương chiến lược ra đã góp phần cung cấp nhanh chóng các nhu cầu hậu cần cho chiến dịch… Đây là “cái” đã làm cho quân Pháp bị bất ngờ và là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Navarre cùng Bộ chỉ huy của ông ta mắc sai lầm về đối phương và chấp nhận kết cục thảm bại.
Có thể nói: Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của toàn bộ sức mạnh Việt Nam, cả lực lượng vật chất và tinh thần được phát triển đến đỉnh cao trong kháng chiến chống Pháp và biểu hiện một cách trực tiếp trong sức mạnh quân sự Việt Nam để đủ sức đánh bại sức mạnh quân sự của Pháp. Trong đó, sức mạnh tinh thần, “thế trận lòng dân” làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là sức mạnh của lòng dân Việt Nam, là chủ nghĩa yêu nước đã làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và tiếp tục là động lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp và Điện Biên Phủ.
Điều đó đã cho thấy vì sao Chiến dịch Điện Biên Phủ có quy mô rất lớn, diễn ra trong một thời gian dài, trên một địa bàn rừng núi xa hậu phương, vận tải, tiếp tế rất khó khăn, thời tiết bất lợi, sinh hoạt của bộ đội Việt Nam rất gian khổ và thiếu thốn. Đặc biệt phải chiến đấu với đối thủ có trang bị mạnh, phải đánh trong điều kiện ác liệt, liên tục căng thẳng... vậy mà, quân và dân Việt Nam vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ “Cụ Hồ”; đồng thời cũng phần nào lý giải vì sao người Pháp lại thất bại, người Pháp phải kinh hoàng. Điều mà trong cuộc chiến này, từ Chính phủ Pháp đến những tướng lĩnh cao cấp nhất của họ vẫn chưa thể giải thích được.
Như vậy, nội dung “thế trận lòng dân” trong Chiến thắng Điện Biên Phủ phản ánh sâu sắc quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về vũ trang toàn dân, về vai trò quần chúng nhân dân trong lịch sử; là sự kế thừa, phát triển và nâng lên tầm cao mới truyền thống nghệ thuật quân sự, tư tưởng “trăm họ là binh, toàn dân đánh giặc”, xây dựng “bức thành lòng dân” của dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới; đồng thời, thể hiện bản chất, sự vững chắc của thế trận, sức mạnh quốc phòng-an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là sợi chỉ đỏ chỉ đạo xây dựng “thế trận lòng dân” Chiến dịch Điện Biên Phủ, mà còn trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Ngày nay, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế đã có thêm nhiều nội dung mới, không chỉ giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, mà còn là bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng- văn hóa và an ninh xã hội; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc mọi thành quả của cách mạng...
Do đó, “thế trận lòng dân” vẫn là chỗ dựa vững chắc, nguồn sức mạnh chính trị tinh thần của nền quốc phòng toàn dân; là một bộ phận trong thế trận chung của cả nước, gắn kết tất cả các vùng lãnh thổ, các lĩnh vực hoạt động của mọi tầng lớp nhân dân hướng vào mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa.
Cũng do đó, những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ Chiến thắng Điện Biên Phủ (trong đó có bài học về “thế trận lòng dân”) đã được khắc sâu vào truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam, được các thế hệ người Việt Nam vun đắp, kế thừa và phát triển cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử cụ thể của đất nước và con người Việt Nam. Đến ngày nay, vấn đề này đã được quân và dân Việt Nam nâng lên một tầm cao mới và sẽ còn tiếp tục hoàn thiện hơn nữa trong tương lai.
Thượng tướng, PGS, TS TRẦN VIỆT KHOA, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng
1. Bộ Quốc phòng- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (1991), Chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ (13-3 - 7-5- 1954), Nhà in Quân đội, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị - Quốc gia, Hà Nội, 2001.
3. Lê Duẩn, Tuyển tập, Tập 2: 1965 -1975, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008
4. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Điện Biên, BTL Quân khu 2- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2004), Chiến thắng Điện Biên Phủ mốc vàng lịch sử chân lý thời đại, Nxb QĐND, Hà Nội.
5. Tổng cục Hậu cần, Tổng kết công tác hậu cần Chiến dịch Điện Biên Phủ Đông xuân 1953 -1954, Ban Khoa học Tổng cục Hậu cần xuất bản, Hà Nội, 1979.
I. Lê Duẩn, Tuyển tập, Tập 2: 1965 -1975, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.582.
II. Đảng Công sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị - Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.88
III. Tổng cục Hậu cần, Tổng kết công tác hậu cần Chiến dịch Điện Biên Phủ Đông Xuân 1953 -1954, Ban Khoa học Tổng cục Hậu cần xuất bản, Hà Nội, 1979, tr.131
- In trang này
Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục