Trung tá TRƯƠNG ĐỨC HIẾU, Chính ủy Trung đoàn 12, Sư đoàn 3

Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 - Đoàn Tây Sơn anh hùng được thành lập ngày 15-5-1947, tại thôn Còi, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, (tiền thân là Trung đoàn 18 thuộc Liên khu 4). Trải qua 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ lập được nhiều thành tích xuất sắc, góp phần viết nên truyền thống “Dũng mãnh, kiên cường, đánh giỏi, diệt gọn”. Trong giai đoạn cách mạng mới, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn hôm nay đã và đang ra sức phấn đấu xây dựng đơn vị chính quy, tinh nhuệ, theo hướng hiện đại.


Hoạt động vui chơi ngày nghỉ cho cán bộ, chiến sĩ​.

Ngay khi được thành lập Trung đoàn đánh giành thắng lợi vang dội trong kháng chiến chống thực dân Pháp, điển hình là Chiến thắng Xuân Bồ (tháng 5-1950) do Trung đoàn 18 (tiền thân của Trung đoàn 12) thực hiện trên địa bàn huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Trong Chiến cuộc Đông Xuân (1953-1954), Trung đoàn tổ chức các trận đánh ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, tạo thế bao vây, cô lập địch ở Trung Lào, đánh tiêu diệt Tiểu đoàn An-giê-ri số 27, lập chiến công xuất sắc ở Đường số 9, căn cứ Khăm He... bao vây, cô lập lực lượng lớn quân thực dân Pháp ở Trung Lào, góp phần giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy Quân khu 5, ngày 2-9-1965, Trung đoàn 18 chính thức được đứng trong đội hình của Sư đoàn 3, với phiên hiệu là Trung đoàn 12 (Đoàn Tây Sơn). Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, trên địa bàn An Nhơn, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12 được giao nhiệm vụ đánh địch ở thị trấn Đập Đá (An Nhơn), thu hút địch về nông thôn để quân giải phóng tiến công vào thị xã Quy Nhơn. Sau khi tấn công vào trung tâm huấn luyện Phù Cát ngày 19-1-1968, Tiểu đoàn đã tiêu diệt địch giữ cầu Xita - Nhơn Hưng trên Quốc lộ 1. Lo sợ mất Đập Đá, chi khu quận lỵ An Nhơn và Quy Nhơn sẽ bị uy hiếp, địch đã điều về đây 1 trung đoàn lính Nam Triều Tiên, 4 đại đội bảo an, 32 xe tăng, xe bọc thép bao vây Tiểu đoàn 6 và dùng phi pháo để phản kích. Với ưu thế vượt trội về quân sự và vũ khí, địch lùa dân ra ngoài, ra sức bao vây và cô lập các chiến sĩ Tiểu đoàn 6 trong khu vực Tây Phương Danh để tiêu diệt. Đơn vị đã chiến đấu dũng cảm với địch suốt 5 ngày đêm, từ ngày 20-1-1968 đến ngày 24-1-1968 cho đến khi không còn đạn, các chiến sĩ dùng cuốc, xẻng, lưỡi lê xông lên đánh giáp lá cà với quân thù và hy sinh anh dũng. Trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, Trung đoàn 12 đã đánh bại 1 trung đoàn quân Nam Triều Tiên, diệt hơn 600 tên, góp phần đập tan kế hoạch bình định nông thôn và làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn tham gia giải phóng và bảo vệ huyện Hoài Ân, chốt chặn Đường 19, đánh thiệt hại nặng Sư đoàn “Mãnh Hổ” Nam Triều Tiên, kiên cường giữ vững vùng giải phóng Hoài Nhơn, kìm chân Sư đoàn 22 của địch và làm chủ Đường 19 - cô lập lực lượng địch trên chiến trường Tây Nguyên, góp phần vào Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Bình Định.

Những bước chân thần tốc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 12 tham gia hướng tiến công chủ yếu giải phóng quận lỵ Đức Thạnh, thành phố Vũng Tàu và Côn Đảo, cùng với các đơn vị bạn đưa hơn 5.000 chiến sĩ cách mạng bị địch giam cầm ở Côn Đảo trở về đất liền, góp phần quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu của Sư đoàn 3, giải phóng 4 huyện, 2 thị xã và giải phóng Côn Đảo, góp phần quan trọng vào sự ng-hiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông liền một dải.

Đất nước hòa bình thống nhất, ngày 13-7-1976, Trung đoàn 12 theo đội hình Sư đoàn 3 hành quân ra Bắc nhận nhiệm vụ mới - bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Cuộc hành quân lịch sử vượt 1.400km từ Nam ra Bắc của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 trong đội hình Sư đoàn 3 kết thúc vào đầu tháng 8-1976 và được biên chế thành các khung huấn luyện và huấn luyện tân binh để bổ sung cho biên giới Tây Nam và các đơn vị khác.

Ngày 25-5-1978, Hội đồng Chính phủ ra sắc lệnh thành lập Quân khu 2 và đưa Sư đoàn Bộ binh 3 từ Quân khu 3 về Quân khu 1. Đến tháng 7-1978, Trung đoàn 12 cùng đội hình Sư đoàn 3 cơ động về vị trí đóng quân mới tại huyện Văn Lãng thuộc tỉnh Lạng Sơn, bảo vệ từng tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc. Tháng 4-1988, theo sự điều chỉnh chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu, Trung đoàn 12 đã chuyển đơn vị về tiếp quản doanh trại đóng quân của Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 tại xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn cho đến nay.


Giờ huấn luyện trên thao trường.

Trải qua 77 năm trưởng thành đi lên từ trong máu lửa của cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trung đoàn 12, luôn khẳng định tấm lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân. Ghi nhận những chiến công đó, Đảng, Nhà nước đã phong tặng Trung đoàn 12 và 1 tiểu đoàn, 5 đại đội, 7 cá nhân danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống, Trung đoàn Bộ binh 12 - Đoàn Tây Sơn anh hùng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thư khen ngợi. Đây là nguồn động viên, cổ vũ để cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 nói riêng Sư đoàn 3 nói chung tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ.

Cùng với sự phát triển của đất nước và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh theo hướng hiện đại, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng SSCĐ, huấn luyện, tạo sự chuyển biến tiến bộ vững chắc, toàn diện. Kết quả huấn luyện các nội dung hằng năm có 100% nội dung đạt khá, giỏi; diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật các cấp đạt giỏi, an toàn tuyệt đối; tham gia hội thi, hội thao các cấp đạt nhiều giải cao. Cán bộ, chiến sĩ luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đơn vị thực hiện tốt hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và thực hiện hiệu quả phong trào “Đoàn Tây Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới”, giúp đỡ nhân dân trên địa bàn, tạo sự đoàn kết, gắn bó tốt đẹp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.


Phút giải lao trên thao trường.

Trung đoàn đã chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện; nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng cán bộ. Tổ chức huấn luyện đúng kế hoạch, nội dung, thời gian; tập trung khắc phục khâu yếu; bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát nhiệm vụ, đúng thực chất, đối tượng, địa bàn tác chiến, phù hợp với tổ chức, biên chế. Huấn luyện bộ đội sử dụng thành thạo các loại VKTB có trong biên chế; tăng cường huấn luyện dã ngoại, huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật cho quân nhân. Tăng cường các biện pháp quản lý tư tưởng, quản lý kỷ luật, các mối quan hệ xã hội của quân nhân. Làm tốt công tác xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; các tập thể, cá nhân có thành tích cao trong thực hiện các phong trào thi đua. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi, giải trí, nhất là trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, xây dựng đơn vị là điểm sáng về văn hóa.

Viết tiếp truyền thống hào hùng “Dũng mãnh, kiên cường, đánh giỏi, diệt gọn”, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn nguyện chung sức, đồng lòng, đoàn kết thống nhất, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không sợ gian khổ, hy sinh, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, xứng đáng với sự quan tâm, tin tưởng của Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu, Sư đoàn, sự đùm bọc, giúp đỡ tận tình của các cấp ủy Đảng, chính quyền nhân dân nơi Trung đoàn đã và đang công tác.

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục