Trong đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận giai đoạn 1 năm 2024, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị LLVT Quân khu đã đến từng thôn, bản, nhất là những địa phương vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn để triển khai, thực hiện nhiều hoạt động dân vận thiết thực, ý nghĩa. Qua đó để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng người dân các địa phương; góp phần thắt chặt tình cảm quân dân và lan tỏa hình đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Các anh về mái ấm, nhà vui
Nằm ở phía Bắc của huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên), Văn Lăng là 1 trong 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện. Trong đó Liên Phương là xóm thuộc vùng sâu của xã, với 193 hộ cùng 984 nhân khẩu, trong đó 95% là đồng bào dân tộc Mông, Dao, hơn 1/3 dân số theo đạo Tin Lành và tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 67%. Đời sống nhân dân ở Liên Phương gặp nhiều vất vả, do địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, xóm lại xa trung tâm, chủ yếu là tự cấp, tự túc, đa số nhà cửa tuềnh toàng, xuống cấp, trình độ, nhận thức của người dân không đồng đều.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 601 trộn bê tông làm nền nhà cho hộ dân tại xóm Liên Phương, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Để giúp đời sống người dân nơi đây vơi bớt khó khăn, hơn 40 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Thông tin 601 đã đến giúp bà con ổn định cuộc sống, xây dựng, mở rộng đường giao thông, sửa chữa nhà cửa. Gia đình anh Ngô Văn Vàng là một trong những hộ nghèo nhất của xã được bộ đội giúp sửa mái nhà, bưng lại vách và đổ bê tông nền nhà. Năm nay, anh Vàng 40 tuổi song đã có 4 đứa con. Con gái cả năm nay vừa 18 tuổi nhưng đã lấy chồng được 2 năm, còn cậu con út mới lên hai. Cũng như nhiều hộ dân nơi đây, thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào việc đi cắt gỗ thuê, hôm có, hôm không, bấp bênh như chính cuộc đời của họ. Bởi thế, ở xóm Mông này, cái nghèo dường như được di truyền từ đời này sang đời khác, cũng bởi những hủ tục lạc hậu, nhận thức hạn chế của người dân. Anh Vàng trầm ngâm bảo: Trước kia, do thiếu hiểu biết nên mình bị lôi kéo đi theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Sau đó được sự vận động, giảng giải của cán bộ, chính quyền địa phương và bộ đội nên mình đã từ bỏ, không đi theo tà đạo nữa. Nhưng vẫn nghèo lắm, vì một mình đi làm nên chẳng đủ tiền nuôi mẹ già cùng vợ và các con. Bởi thế, dù nhà xuống cấp, nắng thì nóng, mưa thì dột nhưng đành chịu.
Sau 2 ngày được bộ đội thông tin tiếp sức, ngôi nhà gỗ nằm cheo leo cạnh bìa rừng của anh Vàng như được “thay áo mới” trở nên khang trang, sạch đẹp, chắc chắn hơn. Anh Vàng phấn khởi: “Gia đình tôi và bà con trong xã rất cảm động trước sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và bộ đội. Cảm ơn bộ đội Quân khu nhiều lắm”. Theo Thượng tá Nông Văn Lục, Phó chính ủy Lữ đoàn Thông tin 601, đây chỉ là 1 trong 26 gia đình được cán bộ, chiến sĩ đơn vị giúp thay mái, lát nền, lát sân, củng cố tường sạch đẹp, chắc chắn; dọn dẹp, tu sửa nhà cửa, chuồng trại làm cho cuộc sống của bà con trở nên văn minh hơn. Qua đó, giúp nhân dân nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường đoàn kết quân dân, bác bỏ luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, củng cố niềm tin của bà con với cấp ủy, chính quyền.
Những con đường mang nặng tình “cá nước”
Trên con đường liên thôn tại Cao Minh (Bằng Hữu, Chi Lăng, Lạng Sơn) mới gần bảy giờ sáng đã đông vui, nhộn nhịp. Trước kia, con đường này vẫn là đường đất, mặc dù là tuyến chính dẫn ra khu vực sản xuất, nhưng lại chi chít “ổ trâu”, “ổ gà”, lầy lội, trơn trượt về mùa mưa. Nguồn thu chính của người dân địa phương đến từ cây hồi, song mỗi đợt thu hoạch dược liệu, bà con lại phải vất vả gồng gánh, đi lại khó khăn. Con đường bê tông do cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3) triển khai thi công chính là niềm mơ ước của những người dân nơi đây. Chị Nông Thị Thùy, Trưởng thôn Cao Minh chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến nhiều lần con đường được tu sửa, mở rộng nhưng lần này được bộ đội đổ bê tông vững chắc, người dân đi lại sẽ thuận tiện, an toàn hơn nhiều”.
Quá trình thi công, mặc dù thời tiết mưa nắng thất thường, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ, nhưng cán bộ, chiến sĩ đơn vị và người dân địa phương luôn tích cực, khẩn trương để con đường sớm hoàn thiện, giúp người dân đi lại đỡ vất vả. Trung sĩ Đỗ Trường Linh, Chiến sĩ thuộc Trung đội 1, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 phấn khởi: “Sau mỗi đoạn đường được hoàn thành, nhìn bà con vui mừng, chúng tôi cũng thấy vui lây và tự hào vì đã góp một phần công sức nhỏ bé để đời sống người dân được tốt hơn”. Sau hơn 10 ngày thi công, con đường dài 750m, rộng 2,5m, dày 14cm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ nay, việc sản xuất, thu hoạch dược liệu của 124 hộ dân thôn Cao Minh sẽ không còn vất vả như xưa. Ngắm nhìn con đường bê tông mới như “dải lụa” uốn theo sườn núi trong nắng chiều, anh Hoàng Văn Trung, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Bằng Hữu cho biết: Con đường mới đã góp phần tạo thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ dược liệu của nhân dân. Điều đó không chỉ tác động tích cực đến việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương mà còn cho thấy sự hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa trong quá trình làm dân vận của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị.
Về nơi gian khó, thắm tình quân dân
Đợt 1 hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, các đơn vị trong LLVT Quân khu đã tổ chức được 17 lượt đại đội với hơn 770 lượt cán bộ, chiến sĩ, cùng nhiều phương tiện, vật dụng hỗ trợ đến giúp nhân dân tại 17 xã của 9 huyện, thành phố thuộc 4 tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Giang. Trong đó, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân được 46 buổi/24.560 lượt người tham gia; giúp địa phương về đích nông thôn mới với tổng số hơn 10.480 ngày công lao động, tổng giá trị hơn 2,1 tỷ đồng; tặng 60 suất quà, trị giá 18 triệu đồng; khám bệnh cho 600 lượt người dân, cấp thuốc miễn phí trị giá 75 triệu đồng; tẩm hơn 1.000 chiếc màn, phun khử khuẩn, diệt côn trùng diện tích 20.000m2…
Đại tá Dương Văn Quang, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu nhấn mạnh: Thực hiện kế hoạch phân công địa bàn hành quân dã ngoại làm công tác dân vận của Quân khu, các đơn vị đã chủ động phối, kết hợp, hiệp đồng với địa phương tổ chức khảo sát, xác định công việc, xây dựng kế hoạch, thống nhất thời gian, địa điểm, lực lượng... Đồng thời tích cực giáo dục cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ công tác dân vận vừa là chức năng, vừa là tình cảm, trách nhiệm chính trị của quân đội với nhân dân. Với việc triển khai hiệu quả cách làm hay, mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn Quân khu.
Với phương châm “làm đến đâu, gọn đến đó”, tinh thần, trách nhiệm và hiệu suất làm việc cao nhất, nên dù thời gian dân vận ngắn, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị LLVT Quân khu đã triển khai, thực hiện được nhiều phần việc thiết thực, ý nghĩa, đồng thời, luôn duy trì nghiêm kỷ luật dân vận, giữ vững mối đoàn kết với nhân dân địa phương; xây dựng hình ảnh tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
- In trang này
Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục