Quân và dân Bắc Kạn với Chiến dịch Điện Biên Phủ
Cập nhật ngày: 27/04/2024 07:01 (GMT +7)

Tự hào trên quê hương cách mạng Việt Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bắc Kạn đã huy động tối đa sức người, sức của, cùng với nhân dân các dân tộc Việt Bắc có những đóng góp quan trọng, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.


Xe đạp thồ vận chuyển lương thực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó, nhân tố tiên quyết là sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng ấy còn có sự đóng góp xứng đáng của nhân dân các dân tộc Việt Bắc nói chung và quân dân tỉnh Bắc Kạn nói riêng. Với vai trò là hậu phương của Chiến dịch, quân và dân Bắc Kạn đã ngày đêm chiến đấu trên các tuyến giao thông huyết mạch tiếp vận cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, các địa phương huy động với nỗ lực cao nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ giao thông. 

Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Chiến dịch Điện Biên Phủ, những tháng đầu năm 1954, với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, quân và dân Bắc Kạn đã góp sức cùng cả nước đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi, hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo giao thông vận tải và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Bắc Kạn đã huy động 4.789kg thực phẩm, trị giá 6.495.000 đồng, hoàn thành chỉ tiêu trên giao. Tháng 1-1954, tỉnh Bắc Kạn huy động 1.000 người tham gia Chiến dịch. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết tâm cống hiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc, toàn tỉnh đã có 992 con em đồng bào lên đường tham gia Chiến dịch, đạt 99% kế hoạch được giao.

Là một trong những thanh niên ưu tú thời bấy giờ, Ông Đinh Viết Tý (ở tổ 11A, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn), tuổi 90 sức khỏe đã giảm sút nhưng khi nhắc tới những năm tháng tham gia vận chuyển hàng hóa phục vụ Chiến dịch bằng xe đạp thồ, ông Tý vẫn nhớ: “Ngày đó tôi vừa tròn 20 tuổi, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, đáp lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước; tôi cùng hơn 100 thanh niên trong tỉnh đã tự nguyện tham gia thành lập Đại đội Xe thồ với nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường”. Ông Tý cho biết thêm, vào thời điểm đó, Đại đội Xe thồ của tỉnh Bắc Kạn do đồng chí Ngô Duy, Phó Ty giao thông tỉnh làm Chính trị viên, còn đồng chí Lê Văn Trọng, Phó Chủ tịch thị xã Bắc Kạn làm Đại đội trưởng. Hơn 100 chiến sĩ xe thồ của tỉnh đã ngày đêm không quản khó khăn cùng quân dân cả nước vận chuyển hàng hóa ra chiến trường… Ngày 7-5 -1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng đã tung bay trên nóc hầm Đờ Cát-xtơ-ri, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Sau một tuần Chiến dịch kết thúc thắng lợi, ông Tý cùng các chiến sĩ Đại đội đạp xe gần 600km từ đèo Pha Đin (tỉnh Điện Biên) trở về Bắc Kạn tiếp tục xây dựng quê hương. Ghi nhận những đóng góp của các chiến sĩ xe thồ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Tý và các chiến sĩ thuộc Đại đội được Ủy Ban hành chính tỉnh Bắc Kạn trao giấy chứng nhận: “Dân công vẻ vang” vì đã góp phần giải phóng Điện Biên, hiện ông Tý đã hiến kỷ vật tặng Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn để làm tư liệu tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ.

Ở tuổi 94, ông Nguyễn Quân (tổ 10B, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn), người đảng viên gần 70 năm tuổi đảng, cựu chiến binh trải qua hơn 40 năm quân ngũ, qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Ông Quân nhớ lại: Năm vừa tròn 16 tuổi, ông Quân tình nguyện xung phong ra chiến trận với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Tháng 2-1954, ông vừa học xong lớp Quân chính của Liên khu thì nhận được lệnh lên đường phục vụ cho Chiến dịch Trần Đình (tên bí danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ). Ông Quân cho biết: “Khi nhận được lệnh phân công tôi thấy vinh dự lắm. Ở tỉnh Bắc Kạn khí thế nhân dân sục sôi với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, các gia đình có xe đạp đều sẵn sàng tham gia với hơn 100 chiếc xe thành lập 1 Đại đội Xe thồ để chở hàng lên Chiến dịch”.

Trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn không quản ngại khó khăn đã anh dũng đứng lên cùng cả nước đấu tranh chống lại cuộc chiến tranh xâm lược, đóng góp toàn diện cả về kinh tế, chính trị, quân sự... Phát huy truyền thống ấy, đảng bộ, các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn tiếp tục ra sức thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo QPAN, xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh.

KIM TẬP

 

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục