Chiến sĩ Điện Biên hai lần được gặp Bác
Cập nhật ngày: 14/06/2024 08:59 (GMT +7)

“Bác hỏi tôi: Cháu về đây làm gì? Tôi đáp: Thưa Bác, cháu ở Gang thép đi học ạ. Bác nói: Muốn làm nhiều gang thép tốt thì cháu phải học văn hóa tốt. Tôi đáp: Vâng thưa Bác, cháu xin nghe lời Bác dạy ạ”. Câu chuyện về lần đầu tiên được gặp Bác Hồ vào ngày 13-3-1960 giống như một thước phim quay chậm, hiện ra theo từng lời kể của chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Minh Tâm (sinh năm 1927), ở tổ 12, phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên - người vinh dự 2 lần được gặp Bác khi Người về thăm tỉnh Thái Nguyên.

Sáu mươi tư năm sau ngày đầu tiên được gặp Bác, người chiến sĩ Điện Biên năm ấy, nay mắt đã mờ, tai nghe kém song ông Tâm vẫn vô cùng minh mẫn, kể chi tiết, rành mạch về những kỷ niệm của một thời trai trẻ chiến đấu trên chiến trường Điện Biên năm xưa, đặc biệt là dấu ấn lớn nhất trong đời khi 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ.


Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Minh Tâm cùng vợ ôn lại những kỷ niệm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Góp phần đảm bảo thông tin trong trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngược trở lại dòng lịch sử, cách đây tròn 70 năm, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa cùng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, nhân dân hành quân lên Tây Bắc, chiến sĩ Nguyễn Minh Tâm từ Tiểu đoàn Hoa Lư (Quân khu 3) hăng hái lên đường với hành trang là đôi chân trần và vỏn vẹn hai bộ quần áo cũ. Lên đến mặt trận, chiến sĩ Nguyễn Minh Tâm được bổ sung vào Đại đoàn 312, giữ chức vụ Tiểu đội trưởng thông tin thuộc Đại đoàn bộ. Lúc này, trang bị phương tiện vô tuyến điện chưa nhiều, nên hữu tuyến điện được xác định là phương tiện thông tin chính để bảo đảm liên lạc. Ngoài ra, thông tin vận động cũng sử dụng rộng rãi và đã phát huy tác dụng rất tốt trong chỉ huy chiến đấu. Trong rất nhiều tình huống, Tiểu đội trưởng Tâm cùng đồng đội đã nhanh chóng cơ động để giữ liên lạc giữa trong và ngoài cứ điểm.

Ngày 13-3-1954, Đại đoàn 312 có nhiệm vụ tiến công Him Lam, mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Tâm nhớ lại: “Vào khoảng 11 giờ ngày hôm ấy, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn lệnh cho tôi: “Chú xuống bảo ông Hoàng Cầm chuẩn bị nổ súng, đúng giờ G chiếm lĩnh trận địa”. Nghe lệnh xong, tôi lập tức chạy như bay xuống Trung đoàn 209 để đưa tin kịp thời, chính xác đến Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm”. Nhờ sự nhanh nhẹn, chính xác của Tiểu đội trưởng Tâm cùng đồng đội đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trước, trong và sau trận đánh, góp phần giúp Đại đoàn 312 nhanh chóng tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, mở toang “cánh cửa thép” trên Đường 41 tiến vào Mường Thanh, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực ta xông lên xốc tới, đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Tiểu đội trưởng Nguyễn Minh Tâm vinh dự được trao tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, Huân chương Kháng chiến Hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba... Song với ông, tấm Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ được trao tặng tại mặt trận là kỷ vật vô giá, được ông nâng niu, trân trọng và giữ gìn cẩn thận suốt 70 năm qua. Bởi đây là phần thưởng của Bác Hồ và Chính phủ tặng thưởng cho cán bộ, chiến sĩ quân đội đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là sự ghi nhận, một biểu tượng đầy tự hào đối với ông Tâm nói riêng cũng như với tất cả cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Vinh dự hai lần được gặp Bác

Tháng 2-1959, Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên chuẩn bị thành lập, do đó cần một lực lượng lớn cán bộ, nhân công có trình độ và năng lực. Lúc này, ông Tâm là cán bộ tuyên truyền thuộc Đoàn 23 (Quân khu 3) đã xin chuyển ngành về làm tại đây. Khi mới về nhận công tác, để nâng cao trình độ, ông và một số anh em được tăng cường cho nhà máy điện Cao Ngạn để thuận lợi cho việc vừa làm, vừa học tập bổ túc văn hóa ngoài giờ. Lớp học nằm trên địa phận phố Quan Triều, thị xã Thái Nguyên (nay là tổ 7, phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên), thuộc khuôn viên sinh hoạt chung của công nhân nhà máy điện và Trường Thiếu nhi Vùng cao Khu tự trị Việt Bắc (nay là Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc). Chính tại nơi này, đã giúp ông có cơ duyên lần đầu tiên được gặp và trò chuyện với Người.

Đó là ngày 13-3-1960, Bác Hồ về dự mít tinh nhân dịp Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho tỉnh Thái Nguyên và Huân chương Lao động hạng Hai tặng cho huyện Định Hóa. Hôm ấy, có hơn 4 vạn đại biểu nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng dự. Ngay từ sớm, ông Tâm cùng các đồng đội đã xuất ngũ áo quần chỉnh tề, có mặt đầy đủ, được xếp đứng ngay gần khán đài. Sau buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một số trường học, bệnh viện; trong đó có Trường Thiếu nhi Vùng cao Khu tự trị Việt Bắc và công trường xây dựng nhà máy điện Cao Ngạn. Tin Bác Hồ đến thăm đã đem lại niềm vui mừng, phấn khởi vô bờ bến cho tất cả mọi người, nhiều người quên cả ăn trưa, náo nức chuẩn bị đợi Bác.

Nhấp một ngụm trà, ông Tâm kể: Dự mít tinh xong, tôi về thẳng khu lớp học. Lúc đó khoảng 12 giờ trưa, đoàn xe của Bác từ từ tiến vào. Từ xa tôi trông thấy Bác không đi vào hội trường ngay, mà trước tiên Bác đi tham quan khu nhà ăn, kiểm tra nơi ăn ở của học sinh. Khi Bác đi vào hội trường, tất cả đồng loạt vỗ tay và hô vang: Bác Hồ muôn năm, Bác Hồ muôn năm! Sau đó, Bác cùng các em học sinh đi ra khoảng sân sinh hoạt chung, nơi có chiếc ghế đá dưới một cây đa to. Bác ngồi xuống đó nghỉ, ngay lập tức chúng tôi chạy ùa lại, vây quanh Bác. Tôi sà xuống, ngồi ngay phía dưới chân Bác. Lần đầu tiên trong đời tôi được gặp Người, được ngắm nhìn Người từ khoảng cách gần như vậy, thật xúc động biết bao. Bác giản dị trong bộ quần áo ka ki bạc màu, chân đi dép cao su cười hiền hậu với chúng tôi. Thấy tôi mặc quân phục, trên ngực gắn đầy huân chương, Bác biết tôi là chiến sĩ Điện Biên liền hỏi:

“Cháu về đây làm gì?

Tôi đáp: Thưa bác, cháu ở Gang thép đi học ạ.

Bác nói: Muốn làm nhiều gang thép tốt thì cháu phải học văn hóa tốt.

Tôi đáp: Vâng thưa Bác, cháu xin nghe lời Bác dạy ạ”.

Dù ký ức về lần đầu tiên gặp Bác đã đi qua quá nửa đời người, song ông Tâm vẫn bồi hồi: Khi được ngồi với Bác, trò chuyện cùng Bác, tôi có cảm tưởng như đang nói chuyện với ông của mình vậy, gần gũi và tình cảm lắm. Quá bất ngờ và xúc động, lâng lâng và hạnh phúc vì không tin đó là sự thật, nên lúc đó tôi cứ ngồi lại dưới gốc đa mãi, mặc anh em và các cháu học sinh ùa ra chụp ảnh cùng Bác.

Lời dặn của Bác ngày hôm đó khiến ông Tâm quyết tâm học tập thật tốt, hơn 1 năm miệt mài vừa làm, vừa tranh thủ học ban đêm, ông Tâm đã hoàn thành chương trình bổ túc. "Việc cố gắng học tập theo lời Bác dạy đã giúp tôi làm việc, xử lý tình huống hết sức chín chắn trong công việc sau này. Nhất là sau khi tôi nhận nhiệm vụ tuyên truyền tại cơ quan”. Ông Tâm chia sẻ thêm.

Sau đó bốn năm, ông Tâm có vinh dự được gặp Bác lần thứ hai. Đó là ngày 1-1-1964, Bác đến thăm cán bộ, công nhân Khu Công nghiệp Gang thép. Lúc này, ông Tâm đang công tác tại bộ phận tuyên giáo ở đây và cùng đoàn đón Bác. Ông Tâm nhớ lại: Sau khi đi tham quan khu lò cao số 1, Bác đến thăm Trung tâm hóa nghiệm nằm trên tầng 2 của khu nhà làm việc. Ngay phía dưới cầu thang, dán tấm biển: Đề nghị bỏ dép mới được lên tầng.

Khi Bác cúi người xuống cởi dép, đồng chí Đinh Đức Thiện là giám đốc nhà máy liền nói: Thưa Bác, Bác đi cả dép lên ạ.

Bác liền quay sang chỉ vào tấm biển: Chú có nhìn thấy tấm biển quy định ở đây không?

Nói xong, Bác xếp đôi dép cao su gọn vào một bên, rồi chấp hành đúng quy định - Bác đi chân đất lên.

Dứt khỏi dòng hồi ức, ông Tâm quay sang nghẹn ngào nói với chúng tôi: Không ngờ đó cũng là lần cuối cùng Thái Nguyên vinh dự được đón Người về thăm. Các cô chú có thể hình dung được không, Bác Hồ đó, một vị lãnh đạo lớn của Đảng, Nhà nước mà vẫn chấp hành nghiêm mọi quy định dù là nhỏ nhất. Không riêng mình tôi, mà tất cả lãnh đạo, cán bộ, nhân viên ngày hôm đó khi chứng kiến hành động nêu gương của Bác khiến chúng tôi thực sự rất cảm động và kính trọng. Bác đã dạy chúng tôi một bài học giá trị về việc nêu gương, dù trong hoàn cảnh nào người cán bộ, đảng viên cũng phải gương mẫu, chấp hành nghiêm các nội quy, không được ưu tiên, không đi ngược lại với các quy định chung.

Có dịp tìm hiểu lịch sử theo dòng ký ức của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, thật là một niềm vinh dự cho thế hệ trẻ của chúng tôi. Còn với ông Tâm, những kỷ niệm đó đã theo ông trong suốt cuộc đời, để rồi mỗi lần kể lại ông vẫn thấy vô cùng tự hào và lần nào cũng thấy tươi mới như vừa diễn ra mới đây.

Bài và ảnh: HƯƠNG DỊU

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục