Lan tỏa yêu thương từ chương trình “Mẹ đỡ đầu”
Cập nhật ngày: 27/05/2024 16:44 (GMT +7)

Tháng 5-2023, trên sân khấu giao lưu phụ nữ 6 tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 1 được tổ chức tại Bộ CHQS tỉnh Bắc Ninh, xuất hiện một cậu bé khoảng chừng 8 đến 9 tuổi, với đôi mắt sáng, dáng người mảnh khảnh rụt rè cất giọng: “Tên cháu là Nguyễn Nam Trung, sinh năm 2014, hai anh em cháu đã mất mẹ, song được sự quan tâm của các mẹ nuôi ở Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang, đã giúp cháu và anh vơi bớt nỗi buồn các cô chú ạ. Cháu xin hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi, sau này lớn lên trở thành người tốt, không phụ lòng bố, bà và các mẹ nuôi. Trên trời cao chắc mẹ cháu cũng vui lắm...”. Trong khoảnh khắc ấy, chúng tôi lặng người vì xúc động trước những lời chia sẻ chân thật, giọng nói run run, chực khóc của cậu bé, bởi ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, lại mất đi mẹ ruột là nỗi đau, là khoảng trống khó lấp đầy đối với bất kỳ đứa trẻ nào...

Tròn một năm sau lần gặp đầu tiên, chúng tôi tìm đến thăm gia đình Trung tại thôn Lò, xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, đúng dịp Hội phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang đến thăm và tặng quà hai anh em nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6. Vẫn dáng vẻ nhút nhát, ngại ngùng khi gặp người lạ lúc nhìn thấy chúng tôi, vậy nhưng thấy các mẹ ở Bộ CHQS tỉnh đến thăm, hai anh em Đức, Trung chạy ào ra tíu tít khoe với các mẹ những thành tích đạt được trong năm học. Ngồi giữa các mẹ, Trung thỏ thẻ: Năm nay lớp 4 khó hơn mọi năm mẹ ạ, nhưng con vẫn đạt học sinh giỏi, con đang tập đi xe đạp cho thành thạo, để sang năm học mới là con tự đi đến trường.


Đại tá Lương Văn Dũng, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang cùng cán bộ, hội viên Hội phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh trao quà hỗ trợ trong chương trình “Mẹ đỡ đầu” tặng hai cháu mồ côi. Ảnh: DANH TÙNG

Trong ngôi nhà nhỏ, Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Tích, Thợ sửa chữa vũ khí đạn, Trạm sửa chữa X82, Phòng Hậu cần-Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang tâm sự: Trung là con trai thứ hai của vợ chồng tôi, năm 2020 vợ tôi không may qua đời, lúc ấy Trung mới lên 6, còn con trai lớn (tên Đức) vừa tròn 9 tuổi. Một mình tôi vừa làm bố, vừa làm mẹ, với đồng lương eo hẹp phải cáng đáng lo cho các con đang tuổi ăn học, vừa chăm sóc mẹ già đã cao tuổi, hay ốm đau khiến tôi khá chật vật. May mắn, được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy Bộ CHQS tỉnh và hội phụ nữ đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho hai con tôi trong 5 năm, điều đó khiến tôi rất cảm động và an tâm hơn.

Theo Đại tá Lương Văn Dũng, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang, ngay khi có kế hoạch, hướng dẫn triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Đảng ủy, chỉ huy Bộ CHQS tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo cơ quan chuyên môn và hội phụ nữ tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm kịp thời hỗ trợ đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh để động viên các cháu mồ côi và gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống. Theo đó, các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động dịch Covid-19 (mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ, không nơi nương tựa hoặc có người nuôi dưỡng thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn…). Trong đó ưu tiên lựa chọn: Trẻ mồ côi là con quân nhân, người lao động trong quân đội (thuộc LLVT tỉnh Bắc Giang); trẻ mồ côi trên địa bàn đóng quân do tác động của dịch Covid-19; trẻ mồ côi do tác động của dịch Covid-19 chưa được nhận đỡ đầu hoặc ít nhận được sự hỗ trợ. Từ đó, góp phần giúp trẻ mồ côi phát triển toàn diện trong môi trường sống an toàn, lành mạnh của gia đình và cộng đồng, được đảm bảo các quyền trẻ em theo quy định
của pháp luật.

Được biết, Hội phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang đã triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” tới toàn thể cán bộ, hội viên và các cơ quan, đơn vị để có sự tham gia, chung tay của toàn LLVT tỉnh. Thượng úy QNCN Nguyễn Thu Thủy, Chủ tịch Hội phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang cho biết: Sau rà soát, trong Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang không có trẻ em nào mồ côi do dịch Covid-19. Vì vậy, Hội đã tập trung xây dựng kế hoạch hỗ trợ trẻ em mồ côi do các nguyên nhân khác. Giai đoạn 2022-2026, Hội phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang nhận hỗ trợ hai anh em ruột mồ côi mẹ, là Nguyễn Minh Đức và Nguyễn Nam Trung, với mức hỗ trợ 250 nghìn đồng/cháu/tháng, 1 năm là 3 triệu/cháu, tổng mức hỗ trợ trong 5 năm là 30 triệu đồng, qua đó hỗ trợ hai cháu và gia đình sớm vượt qua khó khăn, mất mát, ổn định cuộc sống.

Chứng kiến sự thân thiết, gắn bó của hai anh em Trung, Đức với các mẹ nuôi chúng tôi hiểu không chỉ hỗ trợ ở mặt tài chính, mà các mẹ ở Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang đã dành nhiều tình cảm, sự quan tâm chân thành về mặt tinh thần cho hai cậu con nuôi. Ngoài số tiền hỗ trợ hằng tháng, mỗi dịp lễ, tết hay đầu năm học mới, sinh nhật... các mẹ thường xuyên qua lại, thăm nom, chu đáo chuẩn bị những món quà ý nghĩa khi thì sách, vở, lúc là bộ quần áo mới cho hai con, những món quà nho nhỏ ấy thể hiện sự yêu thương của các “mẹ bộ đội”, đã xoa dịu phần nào nỗi đau, ổn định tâm lý cho hai anh em trong quá trình trưởng thành.

Cho đi yêu thương, nhận lại hạnh phúc là ý nghĩa lan tỏa của chương trình “Mẹ đỡ đầu” mà phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện. Để từ đó chia sẻ những yêu thương của phụ nữ quân đội nói chung và phụ nữ LLVT tỉnh Bắc Giang nói riêng, góp phần giúp các cháu mồ côi có thêm nguồn lực để sinh hoạt, học tập, là điểm tựa tinh thần giúp các con có được niềm vui, động lực trong cuộc sống và cố gắng vượt qua những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, trở thành công dân có ích cho xã hội.

HƯƠNG DỊU

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục