Cập nhật ngày: 05/08/2024 07:47 (GMT +7)
Đại tá PHẠM VĂN TẠO, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang
Quán triệt, thực hiện quan điểm “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm QPAN là trọng yếu, thường xuyên”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân tỉnh Bắc Giang đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế với củng cố QPAN và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; QPAN được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang kiểm tra công tác huấn luyện quân sự cho học sinh tại Trường phổ thông trung học Việt Yên số 1. Ảnh: TH
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên về công tác giáo dục QPAN, Bộ CHQS tỉnh - Cơ quan thường trực Hội đồng Giáo dục QPAN chủ trì phối hợp với các ban, sở, ngành nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh xây dựng, ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác quan trọng này, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp đặc thù địa bàn. Đồng thời, đề xuất các biện pháp củng cố, kiện toàn hội đồng giáo dục QPAN các cấp đủ số lượng, chất lượng tốt, đúng thành phần, cơ cấu; bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động phù hợp với thực tế địa phương, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tốt chức năng tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác giáo dục QPAN đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất và đạt hiệu quả cao.
Hiện nay, thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều dự án mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông, khu công nghiệp và thực hiện các chính sách thu hút nguồn nhân lực, nên bên cạnh mặt tích cực, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh, trật tự. Nhận thức rõ điều đó, Bộ CHQS tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành rà soát, nắm chắc tình hình, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức QPAN, nhất là chức sắc, chức việc các tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín, chủ nhà trọ, quản lý, lãnh đạo các khu, cụm công nghiệp, cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, v.v. Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh chủ động nghiên cứu, đề xuất với tỉnh các giải pháp xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt là cán bộ, đảng viên, cựu quân nhân để nắm tình hình và tuyên truyền trong các khu công nghiệp. Chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tăng cường bám, nắm địa bàn, kịp thời tham mưu cho các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức cả trực tiếp và gián tiếp, để nhân dân nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tránh bị kích động, xúi giục khiếu kiện đông người.
Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang chú trọng đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp giáo dục QPAN phù hợp với từng đối tượng và đặc điểm địa bàn. Chỉ đạo các địa phương nghiên cứu đổi mới nội dung bồi dưỡng, xây dựng các chuyên đề chuyên sâu theo từng lĩnh vực; đồng thời, tích cực cập nhật các nội dung mới về QPAN, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố QPAN; chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; nhiệm vụ chính trị của địa phương;… bảo đảm tính thời sự, sát đối tượng, đặc điểm địa bàn. Về hình thức tổ chức, thực hiện theo phân cấp, kết hợp trên dưới cùng làm, như: Cùng với cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng đối tượng 2 do Quân khu tổ chức, tỉnh tích cực mở lớp bồi dưỡng ngay tại địa phương. Đối tượng 3, 4, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN bảo đảm đúng quy định và thuận lợi để giáo viên và học viên hoàn thành nhiệm vụ. Với chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, Bộ CHQS chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trao đổi với hội đồng mục vụ các nhà thờ, trụ trì các chùa, người có uy tín trong các tôn giáo trên địa bàn để thống nhất mở các lớp bồi dưỡng theo cụm hoặc khu vực, bảo đảm phù hợp, tránh trùng vào các ngày lễ của tôn giáo. Đồng thời, phân công các đồng chí là cán bộ Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo, Ban Trị sự Phật giáo trực tiếp giảng dạy phù hợp với từng chuyên đề, đối tượng. Với cách làm đó, năm 2023, tỉnh Bắc Giang hoàn thành 100% chỉ tiêu giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng theo quy định và tổ chức bồi dưỡng cho gần 120 già làng, trưởng bản và chức sắc, chức việc tôn giáo, đạt kết quả thiết thực.
Công tác giáo dục QPAN cho học sinh, sinh viên - nguồn nhân lực tương lai của địa phương và đất nước được tỉnh chỉ đạo nghiêm túc, chặt chẽ. Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn và Trung tâm Giáo dục QPAN Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang kiện toàn đội ngũ giáo viên chuyên trách và kiêm nhiệm; đầu tư nâng cấp trang thiết bị, mô hình, học cụ và có nhiều biện pháp thực hiện nghiêm các quy định, nâng cao chất lượng môn học. Qua đó, tạo sự chuyển biến vững chắc trong công tác giáo dục QPAN cho học sinh, sinh viên của tỉnh. Tuy nhiên, do hệ thống cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên giáo dục QPAN tại các nhà trường của tỉnh có mặt còn hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác này. Vì thế, thời gian tới, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục phối hợp hỗ trợ, đồng hành với các nhà trường trong việc chuẩn bị phương tiện, mô hình, vật chất, thao trường, bãi tập gắn với tập huấn, bồi dưỡng phương pháp lên lớp, nâng cao kỹ năng huấn luyện thực hành các nội dung quân sự cho đội ngũ giáo viên; trong đó, ưu tiên các trường trên địa bàn 6 huyện miền núi. Phát huy thế mạnh địa phương có nhiều cơ quan, đơn vị quân đội, công an và khu di tích lịch sử, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng chỉ đạo các nhà trường tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế, nói chuyện chuyên đề, thăm quan khu di tích lịch sử... để học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về công tác QPAN, nhiệm vụ của LLVT, nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ.
Để tạo sự đồng thuận, đồng hành của các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện các chủ trương và chính sách, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức QPAN cho toàn dân. Theo đó, Bộ CHQS tỉnh chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân bằng các hình thức phù hợp, đặc biệt là phát huy thế mạnh về truyền thống lịch sử, văn hoá địa phương. Tiếp tục nhân rộng các mô hình tuyên truyền trong các lễ hội truyền thống, đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, khuyến khích các hoạt động tham quan giáo dục truyền thống, các hoạt động trải nghiệm, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt tìm hiểu lịch sử tại hệ thống di tích, như: các địa điểm cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang... Tăng cường tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp, phát tài liệu thông qua các dịp tổ chức lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, ngày hội tòng quân, diễn tập KVPT. Kết hợp lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao đến đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn. Phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu và động viên các chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tuyên truyền đến tín đồ, phật tử, qua đó giúp nhân dân, nhất là tín đồ các tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia xây dựng quê hương.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể và LLVT thường xuyên sâu sát, nắm vững tâm tư nguyện vọng của nhân dân, kịp thời giải quyết những vướng mắc từ cơ sở. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ nhân dân ở những địa bàn còn khó khăn trong phát triển sản xuất, ổn định đời sống, tạo sự đồng thuận, xây dựng niềm tin vào Đảng và Nhà nước; tăng cường tiềm lực, thế trận, nhất là “thế trận lòng dân”, làm cơ sở, nền tảng để tỉnh Bắc Giang tiếp tục bứt phá, phấn đấu tới năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
- In trang này
Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục