Nhiều thay đổi trong thực hiện bảo hiểm thất nghiệp
Cập nhật ngày: 10/09/2018 09:02 (GMT +7)

Từ ngày 7-9-2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến rộng rãi về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Sau gần 4 năm triển khai Nghị định số 28, việc thực hiện BHTN đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có những bất cập phát sinh đòi hỏi phải có sự sửa đổi nghị định này cho phù hợp.

Chính sách nhân văn đi vào cuộc sống

Anh Trần Văn Nam, quê ở xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là một trong số nhiều trường hợp đang được BHTN chi trả trợ cấp hằng tháng sau khi bị mất việc. Đối với anh, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới thì nguồn trợ cấp từ BHTN là “cứu cánh” cho mưu sinh. Anh Nam cho biết: Tôi đã làm việc nhiều năm ở Công ty TNHH Everbest Việt Nam, chi nhánh Cẩm Phả (Quảng Ninh). Tuy nhiên, năm 2017 công ty ngừng hoạt động khiến tôi mất việc. Rất may để hỗ trợ người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc, phối hợp với công ty thực hiện các thủ tục trả quyết định trợ cấp thất nghiệp cho những người như chúng tôi.


Người lao động tại Nhà máy Z117 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) luôn được đảm bảo đầy đủ quyền lợi về các chế độ bảo hiểm.

Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, số lượng người tham gia và đóng BHTN tăng qua các năm. Năm 2017 có gần 11,8 triệu người tham gia tăng 6,4% so với năm 2016. Tổng số tiền thu BHTN năm 2017 là 13.517 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2016. Hiện kết dư Quỹ BHTN tính đến cuối năm 2017 là 67.320 tỷ đồng, dự báo đến năm 2020, Quỹ BHTN vẫn đảm bảo an toàn.

Thực hiện các chính sách về BHTN, theo báo cáo của các Trung tâm Dịch vụ việc làm trên cả nước, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Công tác hỗ trợ học nghề đã có những chuyển biến tích cực, số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng nhanh. Năm 2017 số người được hỗ trợ học nghề là 34.723 người (tăng 21% so với năm 2016).

BHTN hiện được coi là điểm tựa cho người lao động. Số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng hằng năm, tỷ lệ tăng bình quân 12,5%. Năm 2017 có 671.789 người hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 14% so với năm 2016). 100% người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thể khám chữa bệnh và sớm trở lại thị trường lao động. Tổng tiền chi cho các chế độ BHTN năm 2017 là 7.831 tỷ đồng (tăng 36,31% so với năm 2016).

Những bất cập từ thực tế

Dù BHTN có đối tượng thụ hưởng đa dạng, trong đó có cả người sử dụng lao động nhưng hiện chưa có người sử dụng lao động nào được hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Điều này được lý giải là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác theo quy định để được hưởng chế độ này. Mặt khác, đây là một chế độ mới, quy định về điều kiện hưởng tương đối cao cũng là lý do người sử dụng lao động khó tiếp cận chế độ này.

Về việc đóng BHTN, Hiệp hội Dệt may Việt Nam từng có ý kiến cho rằng, quy định về thời gian đóng, hưởng còn bất cập. Cụ thể, nếu người lao động có đủ 12 tháng đến 36 tháng đóng BHTN sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Quy định này đã bị nhiều người lao động lợi dụng theo cách chỉ đi làm 12 tháng, sau đó xin thôi việc để hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp rồi tìm việc ở doanh nghiệp khác. Một vấn đề nữa phát sinh đó là, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định mà có hưởng lương thì người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn chưa quy định về trường hợp này dẫn đến sự không thống nhất trong quá trình thực hiện (có đơn vị không thu BHTN trong khi có đơn vị lại thu).

Theo quy định tại khoản 2, Điều 45, Luật Việc làm thì sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng BHTN trước đó của người lao động không được tính trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Như vậy, theo quy định nêu trên nếu người lao động có thời gian đóng BHTN trước khi hưởng trợ cấp thất nghiệp mà chưa được xác nhận trong sổ bảo hiểm xã hội do người sử dụng lao động chậm đóng hoặc trốn đóng BHTN; hoặc do cơ quan bảo hiểm xã hội chưa thực hiện gộp sổ bảo hiểm xã hội; hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thiếu thời gian đóng BHTN của người lao động thì sau khi người sử dụng lao động đóng số tiền chậm đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với trường hợp nợ đóng hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội điều chỉnh lại thời gian đóng BHTN đối với trường hợp gộp sổ và xác nhận sai thời gian đóng BHTN, thời gian này không được được coi là thời gian chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Quy định này mâu thuẫn với quy định tại khoản 1, Điều 45, Luật Việc làm và gây thiệt thòi về quyền lợi cho người lao động.

Về mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề hiện nay là 1 triệu đồng/người/tháng chỉ mới đáp ứng được với chi phí học các nghề đơn giản, trong các trường công lập. Tại các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập thì mức học phí này còn cao hơn rất nhiều. Nghề được hỗ trợ học chưa đa dạng, phong phú, nên khó thu hút người học.

Hơn nữa hiện nay, trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp phát sinh một số trường hợp mà người lao động không thể có một trong các văn bản xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc như: Trường hợp người lao động tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn hoặc người quản lý doanh nghiệp tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng doanh nghiệp.

Sửa đổi, bổ sung là đòi hỏi từ thực tiễn

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung gồm 4 điều, trong đó tập trung vào những nội dung chính sau:

Về đóng BHTN: Bổ sung quy định về các trường hợp được coi là người đang đóng BHTN bao gồm cả trường hợp người lao động có tháng liền trước của tháng có ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng. Bổ sung quy định thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội được tính là thời gian đóng BHTN. Bổ sung quy định về thời gian đóng để xét hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động trong trường hợp người lao động có thời gian đóng BHTN trước khi hưởng trợ cấp thất nghiệp mà chưa được xác nhận trong sổ bảo hiểm xã hội do người sử dụng lao động chậm đóng hoặc trốn đóng BHTN; hoặc do cơ quan bảo hiểm xã hội chưa thực hiện gộp sổ bảo hiểm xã hội; hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thiếu thời gian đóng BHTN của người lao động theo hướng coi đây là thời gian chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp để làm căn cứ tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện theo quy định.

Về các chế độ BHTN: Sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo hướng mở rộng các trường hợp được coi là bất khả kháng. Nâng mức hỗ trợ từ 1 triệu đồng/người/tháng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn ban hành quyết định hỗ trợ học nghề từ 15 ngày lên 20 ngày để phù hợp với điều kiện được hỗ trợ học nghề. Sửa đổi, bổ sung nghề được hỗ trợ theo hướng đa dạng hóa hơn...

Nghị định cũng bổ sung quy định về văn bản xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc và hình thức văn bản. Bổ sung quy định người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không được bảo lưu do có việc làm, thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an và đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên nhưng không thực hiện thông báo theo quy định với trung tâm dịch vụ việc làm. Bổ sung quy định chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với trường hợp quá hạn nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp; chuyển hưởng trong thời gian tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp và chuyển hưởng trong trường hợp người lao động có nhiều lần chuyển hưởng.

QĐND

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục