Cập nhật ngày: 30/11/2019 14:50 (GMT +7)
Nhận định môi trường quân đội rất tốt cho việc rèn luyện ý chí thanh niên, nhiều bạn trẻ tuổi mười tám, đôi mươi đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Ở huyện Yên Thế (Bắc Giang), đợt này có 15 trường hợp làm đơn tình nguyện thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
Sau hơn nửa tháng kể từ ngày đặt bút viết đơn tình nguyện nhập ngũ, Hoàng Ngọc Quang Huy (SN 1999) ở thôn Yên Thế, xã Tam Hiệp (Yên Thế) lúc nào cũng khấp khởi mừng vui, chỉ mong đến ngày được mặc áo lính. Trước khi làm đơn, Huy đã có hai năm liền dự thi vào trường quân đội nhưng đều không đủ điểm đỗ. Hiện Huy đang học năm thứ hai Khoa Chính trị học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Hoàng Ngọc Quang Huy (đứng giữa) viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Mặc dù đang là sinh viên nhưng Huy xin được bảo lưu kết quả để xin nhập ngũ đợt này. “Từ lâu, xem trên tivi, biết trong sách vở, thỉnh thoảng nghe các bác và chú ruột kể chuyện, em đã thích trở thành bộ đội, thích sống trong môi trường kỷ luật như vậy. Và em ước mơ một ngày nào đó mình được đặt chân vào môi trường ấy. Em hy vọng mình sẽ đủ tiêu chuẩn để được nhập ngũ đợt này” - Huy tâm sự.
Ngồi cạnh con trai, bố mẹ Huy góp chuyện: Hơn 30 năm nay, gia đình tôi lúc nào cũng có người thân công tác trong quân đội. 4 người bác ruột và chú ruột của Huy đều từng là bộ đội. Vợ chồng chúng tôi chỉ là những nông dân quanh năm làm ruộng, luôn tin tưởng vào môi trường này cháu sẽ được rèn luyện, trưởng thành. Qua những lần khám tuyển để thi vào trường quân đội, được biết Huy có đủ tiêu chuẩn về lý lịch, sức khỏe. Bà nội Huy (91 tuổi) khi biết Huy xin đi bộ đội thì cứ xuýt xoa, liên tục vuốt lưng cháu dặn dò điều hay lẽ phải.
Trong lá đơn xin đi nghĩa vụ quân sự, nét chữ của Trần Văn Đức (SN 2001) ở khu phố Đề Nắm, thị trấn Cầu Gồ có phần nắn nót, em viết: “Tôi đã học xong phổ thông trung học, nghiên cứu thấy cần thiết phải đi nghĩa vụ quân sự để bảo vệ Tổ quốc. Tôi còn có nguyện vọng khi được nhập ngũ, muốn vào đơn vị B09 (Binh chủng tăng thiết giáp) đóng trên địa bàn huyện Yên Thế”. Lần theo địa chỉ, chúng tôi cùng các cán bộ Ban CHQS huyện đến nhà Đức.
Trong căn nhà cao tầng khá tiện nghi, ông Trần Quang Trung nói về người con trai có phần rụt rè, nhút nhát: “Tôi vẫn nói với con, là công dân thì phải có trách nhiệm với Tổ quốc. Lúc đầu cháu cũng phân vân, còn băn khoăn và so sánh với một số bạn. Tôi lại phân tích, động viên: Gia đình nhà người ta khác, gia đình mình khác.
Khi xưa, ông nội con cũng từng là sĩ quan quân đội với gần 40 năm công tác; bố học xong cũng xung phong đi lính 3 năm. Vào bộ đội hay lắm, bây giờ đi có 2 năm, ngoảnh đi ngoảnh vừa mới thân quen lại đã ra quân. Sau này về địa phương, được mặc trang phục cựu chiến binh trông sẽ chững chạc và tự hào nữa. Thấy con làm đơn, tôi rất mừng bởi quân đội sẽ dạy con khôn lớn, trưởng thành hơn trong cuộc sống”.
Khi hỏi về nguyện vọng của con muốn được đóng quân ở đơn vị gần nhà, ông Trung từ tốn: “Đơn vị nào cũng được, gần hay xa đều phải chấp hành kỷ luật quân đội. Có khi được công tác ở nhiều đơn vị lại hay, tôi bảo con hãy coi thời gian đó như một chuyến du lịch, trải nghiệm”. Thường nghe ông kể chuyện chiến trường, nghe bác và anh kể về hiện đại hóa quân đội hiện nay, chàng trai Trần Văn Đức quyết định tiếp nối truyền thống gia đình.
Trong số 15 thanh niên ở huyện Yên Thế viết đơn tình nguyện nhập ngũ đợt này còn có Nguyễn Anh Hoàng (SN 2002) ở thôn Hồi, xã Phồn Xương. Gia đình có hai chị em, chị gái Hoàng đang lao động ở Singapore. Bố làm nghề khoan giếng, mẹ công nhân may. Thời điểm gửi đơn, mặc dù chưa đủ 18 tuổi song em vẫn xin phép gia đình tạm thời ngừng học văn hóa mà xin được tòng quân.
Tuy gia đình neo người, lại là con một nên khi nghe Hoàng nói về nguyện vọng của mình, bố em thấy con đã có ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước nên cũng vui mừng bảo “Muốn đi bộ đội thì con viết đơn đi". Ông chia sẻ, trong môi trường quân đội, tin rằng cháu sẽ được rèn luyện, chững chạc hơn, trước hết là sức khỏe cho chính mình. Con nhập ngũ sẽ xa nhà, tự lập cuộc sống, chúng tôi cũng nhớ nhưng động viên cháu cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình, của một người lính với Tổ quốc”.
Trung tá Phan Văn Sáu, Trợ lý Tuyên huấn Ban CHQS huyện Yên Thế cho biết: Trong công tác tuyển quân hiện nay, trở ngại lớn nhất là các gia đình thường chỉ có một đến hai con, chủ yếu là con một, lại là lao động chính trong nhà. Vì vậy những trường hợp viết đơn nhập ngũ rất xứng đáng được biểu dương.
-
In trang này
Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục