Cập nhật ngày: 28/03/2023 10:07 (GMT +7)
Các cuộc biểu tình tại Pháp hiện nay có một số điểm khác so với phong trào Áo vàng trước đây, nhưng chúng cũng có điểm tương đồng nhất định.
Cảnh sát Pháp đụng độ với người biểu tình ngày 23/3/2023. Ảnh: AP
Người Pháp đang phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Tổng thống Emmanuel Macron một cách giận dữ. Sau nhiều tháng đình công và biểu tình, căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào hôm 23/3, với một số vụ bạo lực bùng phát ở Paris gợi lại những ký ức về phong trào "Áo vàng" kéo dài nhiều tháng trước đây.
Các cuộc biểu tình đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nước này và thậm chí cả chương trình nghị sự quốc tế của Pháp, với việc Điện Elysée hoãn chuyến thăm được chờ đợi từ lâu của Vua Charles III tới Paris. Các công đoàn đã kêu gọi tổ chức một ngày đình công lớn khác vào 28/3, nhưng các cuộc biểu tình tự phát, nhỏ hơn đang nổ ra, một tín hiệu về các cuộc tuần hành của lực lượng "Áo vàng" trong quá khứ.
Các cuộc đình công và biểu tình phản đối cuộc cải cách hưu trí bắt đầu từ đầu năm nay và leo thang trong tuần vừa qua, sau khi chính phủ bỏ qua quốc hội để thông qua văn bản này trong bối cảnh lo ngại rằng sẽ không có đủ phiếu bầu. Những người biểu tình rất tức giận với Chính phủ Pháp vì cải cách - vốn sẽ nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 và mở rộng các khoản đóng góp để được hưởng lương hưu đầy đủ - và cũng vì đã bỏ qua một cuộc bỏ phiếu của quốc hội.
Có một số điểm khác biệt giữa các cuộc biểu tình đang diễn ra và phong trào Áo vàng tự phát đã phong tỏa cả nước trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Macron. Trước khi biến thành một phong trào chống Chính quyền của Tổng thống Macron quy mô lớn, những người tham gia phong trào Áo vàng bắt đầu như một cuộc biểu tình phản đối thuế nhiên liệu, chủ yếu do những người thuộc tầng lớp thấp hơn từ các vùng nông thôn sử dụng ô tô của họ để thực hiện. Các hành động bạo lực và phá hoại là đặc điểm chính của các cuộc biểu tình Áo vàng sau đó ở khắp mọi nơi trên nước Pháp.
Điều đó khác với các cuộc biểu tình hiện nay, nơi bạo lực chủ yếu nổ ra sau các cuộc biểu tình truyền thống do công đoàn lãnh đạo hoặc trong các cuộc biểu tình quy mô nhỏ. Nhưng điểm chung của cả hai phong trào biểu tình là sự ủng hộ rộng rãi của công chúng. Theo một cuộc thăm dò của Ifop được công bố hôm 23/3, hơn 60% người Pháp ủng hộ các cuộc biểu tình mạnh mẽ hơn để khiến chính phủ nhượng bộ.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách Pháp đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất và bóng ma về một phong trào Áo vàng mới đang bao trùm nước Pháp. Một số người biểu tình đã mặc đồng phục phản quang trong các cuộc tuần hành ở Paris và một số cuộc mít tinh nhỏ tự phát với những người mặc áo vàng đang diễn ra trên khắp đất nước.
Đám cháy do người biểu tình gây ra sau khi đụng độ với cảnh sát Pháp. Ảnh: AFP
Các nhân viên cảnh sát ngoài thực địa đã cảnh báo chính phủ Pháp rằng họ đang trải qua tình trạng bạo lực tương tự trong phong trào Áo vàng trước đây. "Chúng tôi đang ở trước thềm một cuộc nổi dậy. Tổng thống đang đùa với lửa. Điều này có thể dẫn đến bi kịch”, một sĩ quan cảnh sát chống bạo động cấp cao cho biết, cảnh báo nguy cơ thương vong khi các lực lượng bảo đảm an ninh bị quá tải do phải đối mặt với mức độ giận dữ và bạo lực ngày càng gia tăng.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Pháp, hơn 400 sĩ quan cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ trên đường phố chỉ riêng trong ngày 23/3, hàng trăm người biểu tình đã bị bắt, nhưng chưa có con số về số người biểu tình bị thương do bị cuốn vào tình trạng bất ổn.
Tổng thống Macron, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình mới đây đã ngầm so sánh biểu tình bạo lực ở Pháp với bạo loạn ở Mỹ hoặc ở Brazil. Các công đoàn tổ chức các cuộc biểu tình cũng ý thức được rằng mọi thứ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Hôm 24/3, người đứng đầu công đoàn CFDT Laurent Berger đã hoan nghênh Tổng thống Macron khi ông đề xuất tạm dừng cải cách hưu trí trong 6 tháng và gặp lại các công đoàn để thảo luận về vấn đề này. Ông Laurent Berger nói: "Điều này có thể giúp cho tình hình dịu đi".
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy ông có thể thay đổi quyết định. Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 22/3, ông Macron bảo vệ cải cách và lập luận rằng các công đoàn đã không đưa ra các đề xuất thay thế để cải cách hệ thống hưu trí - điều mà họ ngay lập tức phản đối.
Về lý thuyết, sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu của quốc hội về chương trình cải cách, chính phủ do Thủ tướng Elisabeth Borne đứng đầu đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào đầu tuần trước. Nhưng còn một rào cản chính trị cuối cùng mà Tổng thống Macron phải vượt qua tại Hội đồng Hiến pháp Pháp, nơi các thẩm phán hiến pháp sẽ phải quyết định xem văn bản có phù hợp với hiến pháp hay không, đặc biệt là khi liên quan đến thủ tục thông qua.
Đồng thời, Hội đồng Hiến pháp đang đánh giá yêu cầu của các nghị sĩ đối lập về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về văn bản trên. Động thái thứ hai khó có thể thành công nhưng các nhà lãnh đạo phe đối lập đã gia tăng áp lực lên tòa án hiến pháp để phán quyết cải cách, hoặc một phần của nó, là vi hiến.
Tóm lại, sự phẫn nộ trước quyết định của Tổng thống Emmanuel Macron bỏ qua quốc hội, sử dụng Điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua dự luật cải cách hưu trí, đã gây ra nhiều ngày bất ổn trên khắp đất nước.
Quan trọng nhất, sự bất mãn của người Pháp có thể vượt xa giá trị của cuộc cải cách hưu trí. Tại cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái, ông Macron đã mất đa số hoàn toàn trong Quốc hội Pháp và quyết định bỏ qua một cuộc bỏ phiếu của quốc hội về cải cách lần này càng cho thấy sự hạn chế của tổng thống. Những người phản đối nói rằng hành động mới của chính phủ đã gây thêm sự tức giận của công chúng Pháp.
Theo TTXVN
- In trang này
Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục