“Đánh chắc thắng” là bất biến
Cập nhật ngày: 07/05/2024 13:30 (GMT +7)

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 được tạo ra bởi nhiều nhân tố, trong đó quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một trong những nhân tố quyết định quan trọng.

Nhiều năm sau, trong hồi ức của mình, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Ngày hôm đó (tức ngày 26-1-1954), tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình, đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến: Từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”(*).

Thực tế diễn ra trong 56 ngày đêm (từ 13-3-1954 đến 7-5-1954) đã cho thấy việc thay đổi phương châm tác chiến là một quyết định sáng suốt, đầy trách nhiệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đảng ủy, Bộ chỉ huy Mặt trận. Quyết định đó được đưa ra dựa trên cơ sở bám sát diễn biến chiến trường, phân tích tình hình thực tiễn một cách khoa học và sự thấu triệt sâu sắc tư tưởng “đánh chắc thắng” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã ủy thác cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước ngày lên đường ra mặt trận.

Ngày 14-1-1954, tại hang Thẩm Púa, Bộ chỉ huy Mặt trận triệu tập Hội nghị cán bộ chiến dịch để phổ biến kế hoạch tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại hội nghị này, bộ phận tiền trạm của ta và cố vấn Trung Quốc đều cho rằng địch vừa mới đổ quân xuống, còn "lạ nước, lạ cái”, binh lực chưa nhiều, công sự còn sơ sài, bố phòng còn sơ hở... trong khi đó, bộ đội ta còn sung sức, hừng hực khí thế, vì vậy cần tranh thủ thời gian, lợi dụng khai thác những hạn chế nêu trên của địch, thực hiện phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.

Tuy nhiên, tình hình tại Mặt trận Điện Biên Phủ diễn biến nhanh từng ngày. Tại thời điểm diễn ra hội nghị ở Thẩm Púa (ngày 14-1), Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trên thực tế đã không còn ở trạng thái phòng ngự lâm thời nữa. Nếu thực hiện theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì khó bảo đảm “chắc thắng”. Tuy nhiên, sau này không phải không có ý kiến đặt vấn đề liệu ta có thể thay đổi phương châm tác chiến sớm hơn được không? Tức là trước ngày 26-1-1954, khi đó mọi công tác bảo đảm đã được chuẩn bị cơ bản và bộ đội đã ở tư thế sẵn sàng đợi lệnh khai hỏa. 

Thực tế trên chiến trường cho thấy, tại thời điểm diễn ra hội nghị ở Thẩm Púa, các cứ điểm tại Điện Biên Phủ đã không còn trong trạng thái “sơ hở của một kẻ mới lâm thời chiếm lĩnh trận địa” nữa. Kể từ khi Navarre quyết đấu với chủ lực Việt Minh ở lòng chảo Điện Biên Phủ và chỉ thị phải bảo vệ tập đoàn cứ điểm này bằng bất kỳ giá nào đến ngày Bộ chỉ huy Mặt trận triệu tập hội nghị tại Thẩm Púa, về cơ bản, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã kịp bổ sung, tăng cường binh lực, đưa số quân ở đây lên hơn 10 tiểu đoàn; 7/8 trung tâm đề kháng đã được xây dựng hoàn chỉnh; nhiều trang bị, vũ khí với hỏa lực mạnh cũng đã được tập kết. 

Công tác chuẩn bị của các lực lượng tham gia chiến dịch của ta cũng còn bộc lộ một số vấn đề khó khăn, trong đó có việc đưa pháo vào trận địa chưa bảo đảm đúng theo kế hoạch. Mới qua một ngày đầu kéo pháo vào đã xuất hiện sự băn khoăn, lo lắng trong một số cán bộ có trách nhiệm: Liệu có thể mở màn chiến dịch đúng như thời gian trong kế hoạch? Theo kế hoạch ban đầu thì ngày nổ súng mở màn là 20-1, sau đó được lui lại ngày 25-1, nhưng đến ngày 19-1, pháo vẫn chưa vào hết. Mặt khác, có một chiến sĩ bị địch bắt, có dấu hiệu “giờ G” bị lộ nên Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định lùi lại thêm một ngày, tức là đến 17 giờ ngày 26-1. 

Quyết định cực kỳ quan trọng thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” tuy là của tập thể Đảng ủy, Bộ chỉ huy Mặt trận và có sự tham khảo ý kiến của cố vấn Trung Quốc, nhưng nó mang đậm dấu ấn của Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận-Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Để có được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải trải qua 11 ngày đêm “mất ăn, mất ngủ” và một đêm thức trắng; trải qua một “cuộc sát hạch” trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, lập luận một cách khoa học, đủ sức thuyết phục đoàn cố vấn, tập thể Đảng ủy và Bộ chỉ huy Mặt trận, để nhận được sự đồng thuận. Điều đáng nói là dù thấy trước những khó khăn mới từ việc thay đổi phương châm tác chiến, nhưng rõ ràng thấu triệt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc lên đường ra trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng Đảng ủy, Bộ chỉ huy Mặt trận tạo nên yếu tố quyết định đầu tiên cho Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng.

Trong bức điện báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, thay mặt Đảng ủy, Bộ chỉ huy Mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ký bút danh là Hưng) đã viết: “Chúng tôi nhận thấy đối với một kẻ địch đã tăng cường như Điện Biên Phủ thì phải dùng cách đánh tiêu diệt từng bước... Vì vậy, chúng tôi quyết định: Tạm đình ngày nổ súng, điều chỉnh lại bộ đội cho hợp với kế hoạch mới. Vận chuyển cao pháo và trọng pháo trở lại phía Đông để có thể sử dụng cơ động...”.  

Trong di sản tư tưởng quân sự Việt Nam, “đánh chắc thắng” là bất biến; việc lựa chọn cách đánh sao cho phù hợp chính là “ứng vạn biến”. Đó là vấn đề mang tính quy luật và quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong những trường hợp như vậy.

Đại tá, PGS, TS TRẦN NGỌC LONG, Nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự


(*) Võ Nguyên Giáp: Mùa xuân Điện Biên Phủ. Tạp chí Lịch sử Quân sự. Số 2/1994. Tr.1

Các tin khác:

Tìm kiếm theo:Chuyên mục nàyTất cả các chuyên mục